Theo tác giả cuốn Những người lính thợ, cô Liêm Khê Luguern, đây là đề tài cô đeo đuổi từ lâu khi làm luận án cao học. Qua Pháp từ năm 1973, tiếp xúc dần dà với nguồn tư liệu chính thống lưu trữ về thuộc địa ở nhiều thư viện khác nhau, số phận bi đát của những người lính thợ VN đã thôi thúc cô nghiên cứu sâu đề tài này. Những người lính thợ - Les Travailleurs Indochinois requis, được viết bằng tiếng Pháp đã gây sự chú ý ở nước ngoài trước khi đến với người đọc VN qua bản chuyển ngữ của dịch giả Phan Thị Hồng Hạnh và Nhà xuất bản Đà Nẵng. Đó là số phận của những người lính phần lớn ở miền Bắc và miền Trung VN bị "trưng dụng" đưa qua Pháp trong những năm 1930 - 1940 để làm nhân công hỗ trợ cho nền kinh tế Pháp trong thời chiến. Một chuyến đi đầy "áp lực" và "ép buộc" đối với tâm lý tất cả mọi người, bởi họ bất ngờ bị "thu gom", "động viên" cho "đủ chỉ số" từ nhiều ấp, xã theo kiểu nô dịch. Nó cho thấy số phận bất hạnh của người dân mất nước trong chiến tranh: hôm nay họ đang sống êm ấm bên gia đình nhưng ngày mai đã bị đẩy ra chênh vênh giữa biển khơi, và một sáng thấy mình đang lao động cật lực ở một xứ xa lạ. Bằng phương pháp nghiên cứu sử liệu kết hợp phỏng vấn, các chân dung "lính thợ Đông Dương" được khắc hiện sinh động như Lê Hữu Định (Thanh Hóa), Nguyễn Văn Tê (Hà Nam), Nguyễn Liên (Bình Định) và nhiều người khác như Mười Oanh, Cân, Ngạn Vi, Tề, Quý, Duyệt, Thiêm... Quá khứ được tái hiện sinh động còn nhờ các chứng từ, số hiệu, phiên hiệu, nhà máy lao động, thẻ thuế... Sau những gian khổ và bất công họ đã phải chịu đựng, chính phủ Pháp vẫn chưa có một khoản trợ cấp, hưu bổng cho họ với những ngày tháng lao động bị "vắt kiệt" trên đất Pháp. Họ vẫn mãi là những số phận bị bạc đãi, lãng quên. Tác giả Liêm Khê Luguern còn cho biết nhiều người trong cuốn sách đã mất. Và như thế lịch sử cũng sẽ khép lại nếu không kịp thời đưa ra những chứng nhân. Thật may mắn, với sự hợp tác của họa sĩ, nhà nhiếp ảnh Từ Duy, rất nhiều chân dung sống động đã kịp thực hiện trước khi một số người lính thợ qua đời vì bệnh tật và già yếu. Tuy vậy, nhiều người trong lính thợ vẫn sống với ký ức đẹp. Như ông Chu Văn Ngạn (sinh năm 1915 tại Diễn Châu, Nghệ An) rưng rưng kể: "Kỷ niệm đẹp nhất mà tôi còn giữ lại trong những ngày sống trên đất Pháp là lúc chúng tôi đón tiếp Cụ Hồ Chí Minh đến Pháp để dự hội nghị Fontainebleau...". Và thông điệp của cuốn sách là: "Lịch sử cần công bằng với tất cả, ngay với số phận những người lính thợ. Hãy trả lại điều đó nếu tương lai vẫn còn có thể". Một thông tin thú vị khác "ngoài lề" về tác giả: Liêm Khê Luguern chính là chị ruột của nữ diễn viên Trần Nữ Yên Khê, vợ của đạo diễn điện ảnh Trần Anh Hùng. Còn dịch giả Phan Thị Hồng Hạnh chính là mẹ chị. Cả một gia đình gốc Việt làm văn hóa nghệ thuật trên đất Pháp. Có lẽ tâm hồn Việt giúp cô theo đuổi đến cùng những số phận đang dần chìm vào quên lãng. Theo Nguyễn Hữu Hồng Minh - TN |