Thanh xướng kịch Hoa Lư - Thăng Long: Bài ca dời đô là sáng tạo tâm huyết, ấp ủ trong nhiều năm của nhạc sĩ, đại tá Doãn Nho, gồm 4 chương, trong đó, chương 1 mang tên Lý Thái Tổ xuống chiếu dời đô đã được ông hoàn thành từ năm 2001, có thể trình diễn như một tác phẩm độc lập. Nhà hát Nhạc vũ kịch VN từng dàn dựng chương này, biểu diễn tại Nhà hát Lớn và Hoa Lư (Ninh Bình). 3 chương tiếp theo là Dời bến Ghềnh Tháp, Ngược dòng sông Hồng, Cập bến Đại La được hoàn thành để kịp dàn dựng, biểu diễn để chào mừng ngày Đại lễ 1.000 năm TL-HN. Câu chuyện trong vở thanh xướng kịch kể về hành trình dời đô từ Hoa Lư đến Thăng Long của Lý Thái Tổ, cuộc tiễn đưa của người dân Hoa Lư và cuộc đón rước vua về kinh đô mới của người dân thành Đại La. Nhạc sĩ đã lấy giả thiết vua Lý Công Uẩn đến Đại La bằng đường thủy qua nhiều con sông như sông Đáy, sông Châu Giang, sông Hoàng Long, sông Hồng cùng nhiều địa danh và cuối cùng đã đến được thành Đại La... Trong vở thanh xướng kịch, ngoài các nhân vật có thật như vua Lý Công Uẩn, Quốc sư Vạn Hạnh, Đào Cam Mộc... còn có sự xuất hiện của tuyến nhân vật thần thánh trong truyền thuyết dân gian của Việt Nam như Thánh Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Thần nữ My Nương (mẹ Lúa), công chúa Tiên Dung. Các vị thần, vị thánh hiển linh trong hành trình dời đô của nhà vua, chỉ dạy cho vua cách trị nước, mở rộng bang giao, lập quốc tại kinh đô mới kết hợp chặt chẽ việc dựng nước và giữ nước. Ngoài ra còn có tuyến các nhân vật đại diện cho các nghề truyền thống ven sông Hồng như nghề nông, rèn, đúc, giấy, dệt... Thanh xướng kịch hay còn gọi là oratorio là thể loại âm nhạc cổ điển thuộc loại “bác học” của phương Tây, có quy mô lớn viết cho dàn nhạc giao hưởng, ca sĩ solo và dàn hợp xướng. Đây là kịch bằng âm nhạc, hát có nhạc đệm để kể lại những câu chuyện kịch, khác với opera là không có các hành động kịch, không dùng phục trang biểu diễn và trang trí sân khấu. Tuy nhiên, thể loại này du nhập vào Việt Nam đã được “Việt Nam hóa”, không quá hàn lâm mà ngược lại đã tạo ra sự gần gũi với người dân, dễ nghe, dễ hiểu. Phó GĐ Nhà hát Nhạc vũ kịch VN, NSƯT Mạnh Trung, cho biết rằng: “Âm hưởng của vở kịch đậm nét âm nhạc Việt Nam. Sân khấu 3 phông của Hoa Lư - Thăng Long: Bài ca dời đô cũng được chú ý chăm chút kỹ lưỡng. Trên sân khấu sẽ có cảnh sắc trời mây sông núi tương ứng với từng đoạn hành trình, toàn bộ bản Chiếu dời đô của Thái tổ Lý Công Uẩn bằng chữ Hán sẽ xuất hiện trên sân khấu...”. Theo Duy An - TT&VH |