Hoạ sĩ Bùi Quang Ngọc, với tư cách người sở hữu, có nguyện vọng muốn các bảo tàng mỹ thuật nhà nước hỗ trợ về mặt kỹ thuật để phục chế tác phẩm của nhà danh họa, sau nữa sẽ cùng thương lượng để TNBĐS có thể thuộc quyền sở hữu nhà nước và không gian trưng bày của bảo tàng. Nhưng sự việc còn khá nhiều lấn cấn.
Về TNBĐS (1,2 x 2,4m), trên mặt tranh còn lại hai chữ ký. Ở góc dưới bên phải là chữ ký khi hoạ sĩ vẽ xong tác phẩm, nhưng chỉ ghi “Nguyễn Gia Trí”, không có năm tháng tác phẩm ra đời. Chữ ký thứ hai ở góc trái, ghi rõ “Đã sửa lại tại Sài Gòn năm 1960” và ký tên “Nguyễn Gia Trí”. Đây là điều rất đặc biệt, nó cho thấy bức tranh không những thật mà còn từng được chính tay tác giả sửa chữa.
Nói thêm về nguồn gốc bức tranh. Chính Nguyễn Gia Trí đã cho Bùi Quang Ngọc biết TNBĐS được vẽ cuối thập niên 1930 đầu 1940. Nguyễn Gia Trí sinh năm 1908, nghĩa là ông vẽ bức này ở tuổi ba mươi, lứa tuổi sung sức nhất của nghệ sĩ. Ngoài ra, thời gian ra đời cho ta ngầm hiểu rằng bức tranh này có lẽ là một trong những tác phẩm hiếm hoi được chính tay nhà danh hoạ làm hết các công đoạn, vì Nguyễn Gia Trí vốn là một nghệ sĩ “quý tộc”, nhiều tác phẩm sơn mài của ông có sự giúp việc của học trò (sau này đa phần đều có tiếng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam).
Ban đầu, bức tranh thuộc sở hữu của một gia đình tư sản Sài Gòn làm việc trong văn phòng Ngô Đình Diệm. Sau khi chủ nhân của bức tranh qua đời, người vợ (có lẽ không am tường nghệ thuật) không muốn nhìn lại những kỷ vật buồn nên đã bán gần hết thư viện sách nghệ thuật của chồng, đồng thời đưa một số tranh sưu tập ra ngoài hàng hiên, trong đó có TNBĐS. Mưa gió ngoài trời cộng với chất lượng vóc tranh vốn đã không tốt (vì được làm trong những năm đói kém) đã khiến tác phẩm cong vênh và rạn nứt. Khi gia đình này di cư sang Mỹ, do khổ tranh quá lớn và nặng không thể mang theo và cũng do mối thiện cảm gần như là một “cơ duyên” với hoạ sĩ Ngọc, họ đã bán TNBĐS cho ông. Khi ấy, mặt tranh đã rạn.
TNBĐS là tác phẩm đầu tiên của sơn mài Việt Nam áp dụng kỹ thuật cẩn vỏ trứng lên mặt người. Có thể nói, với Nguyễn Gia Trí, “trứng” đã trở thành “ngọc”. Về nội dung, bức tranh cũng có rất nhiều điều lý thú, như “cô Sáu cầm quạt” trong tranh cũng chính là người mẫu cho Thiếu nữ bên hoa huệ của Tô Ngọc Vân...
Tóm lại, đứng trên khía cạnh sưu tầm, TNBĐS xứng danh là một “vật báu” khiến các nhà sưu tập thèm khát vì đã hội đủ các yếu tố làm nên một kiệt tác: cái đẹp về nghệ thuật, vai trò lớn trong sự nghiệp của danh hoạ, chữ ký và những đặc điểm riêng biệt của tác phẩm, những giai thoại về nguồn gốc.
Theo tài liệu hoạ sĩ Bùi Quang Ngọc cung cấp, vào cuối những năm 1990, lãnh đạo bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã đến xem và đặt vấn đề mua lại TNBĐS. Nhưng rồi, lấn cấn chuyện giá cả, về phía bảo tàng là không thể mua “có giá” vì điều kiện không cho phép, về phía nhà sưu tập thì không thể “hạ giá” một danh hoạ vốn được thế giới xem là hàng đầu của hội hoạ Việt Nam. Mọi chuyện chấm dứt tại đó, với lời hứa (không có văn bản) của hoạ sĩ Ngọc là sẽ tiếp tục giữ lại bức tranh chứ không bán cho nước ngoài. Nhưng khi ấy cũng vừa xảy ra vụ tác phẩm Thiếu nữ bên hoa huệ của Tô Ngọc Vân bị bán cho nhà sưu tập Hà Thúc Cần và lọt ra nước ngoài, phía quản lý nhà nước đã tổ chức một hội thảo để báo cáo với dư luận về việc bảo tàng có ý định mua TNBĐS nhưng không thành.
Nay, sau hơn một thập kỷ, TNBĐS ngày một cong vênh và rạn nứt nhiều mảng lớn, vài mảnh nhỏ đã rơi ra, nguyện vọng của nhà sưu tập lại được nhắc lại. Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM cũng đã có động thái tích cực và sau đó là việc thành lập đoàn khảo sát của sở Văn hóa – thể thao và du lịch TP.HCM xuống tận nhà riêng hoạ sĩ Bùi Quang Ngọc để xem tranh. Nhưng đoàn khảo sát đã quyết định... không đặt vấn đề với một tác phẩm đã hư hỏng nhiều, khó có thể đưa vào trưng bày phục vụ thưởng lãm. Sau đó, một cá nhân ở phòng sưu tầm và nghiên cứu của bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, cố gắng thêm một bước nữa, đứng ra liên lạc với bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (nơi có chức năng phục chế), nhưng do nơi này đang tất bật cho đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, nên chỉ nhận được lời hẹn chờ qua lễ.
Riêng với hoạ sĩ Bùi Quang Ngọc, ngày xưa ông đã giữ lời hứa không bán tranh cho nước ngoài, ngày nay ông càng “chẳng cần tiền” (lời của ông), nhưng tuyệt tác của một danh hoạ quốc gia cần được “cứu”, trước hết vì nó là di sản vô giá mà chúng ta có trách nhiệm gìn giữ cho các thế hệ sau nữa.
Theo SGTT.VN
|