Thoáng chốc đã 20 năm, kể từ ngày Phùng Khắc Bắc lìa xa cõi thế gian ở tuổi 46. Cứ lục lại ký ức bạn bè và thân nhân, thì quả thật Phùng Khắc Bắc sống rất khép kín và thầm lặng. Vậy mà khi ông mất đi, những trang viết im ắng trong ngăn kéo được khai mở và giúp hình ảnh nhà thơ Phùng Khắc Bắc neo lại cuộc đời một cách rõ ràng và thao thiết. Sinh thời, Phùng Khắc Bắc là một cây bút cần mẫn thuộc về bóng tối. Không khó khăn gì để mường tượng, ông gục đầu trước trang giấy và viết giữa câm nín, giữa khắc khoải, giữa xót xa. Cũng may, những câu chữ trĩu nặng ấy được vợ ông - bà giáo Nguyễn Thị Minh Tuất gìn giữ cẩn thận đến ngày công chúng ồ lên ngạc nhiên, lần lượt chứng kiến NXB Quân Đội Nhân Dân ấn hành tập thơ Một chấm xanh vào năm 1991, tập truyện Chiều xuân nắng hanh vào năm 1995 và tiểu thuyết Đời thường vào năm 2001. Nếu đếm số trang hoặc số đầu sách thì văn xuôi nhiều hơn thơ, lẽ ra phải gọi Phùng Khắc Bắc là nhà văn mới đúng chứ? Tất nhiên, Phùng Khắc Bắc luôn đứng ngoài danh vọng, bất cứ sự xưng tụng nào đối với ông cũng mang chút khiếm nhã. Hãy tin rằng, từ ngày giải ngũ với quân hàm đại úy để chuyển sang làm phó văn phòng Hội Nhà văn VN, cho đến lúc bị thúc thủ dương gian vì căn bệnh nhiễm trùng máu, Phùng Khắc Bắc chưa bao giờ ham hố chen lấn chốn thị phi. Ông cầm bút như món nợ ân nghĩa phải trả cho đồng đội, như món nợ trăn trở phải trả cho chính mình, như tâm niệm “mừng thay, vẫn còn nguyên những giọt nước mắt trong lòng”. Trân trọng định vị nhà thơ Phùng Khắc Bắc bởi lẽ hồn cốt của ông đều nằm ở tập thơ Một chấm xanh. Vẻ đẹp người quá cố dễ làm độc giả hôm nay xao động, nhưng không thể không thành thật, sáu truyện ngắn của tập Chiều xuân nắng hanh chỉ đáng khen ngợi vào thời điểm xuất hiện, bởi cấu trúc cũng như tình huống khá đơn giản và mang nhiều tính luận đề của một trào lưu văn học. Sở dĩ, vẫn phải nhắc đến Chiều xuân nắng hanh vì những mốc thời gian 1985, 1986, 1987 ghi dưới mỗi truyện ngắn có thể giúp người đọc phác thảo hành trình sáng tạo của Phùng Khắc Bắc. Cuốn tiểu thuyết Đời thường viết ở Đồ Sơn tháng 10/1987 và hoàn thành tháng 12/1987. Trong khi đó, tập thơ Một chấm xanh chủ yếu viết vào hai năm 1984, 1985. Như vậy, toàn bộ sự nghiệp của Phùng Khắc Bắc được thực hiện trong bốn năm, từ 1984 đến 1987, cũng chính là giai đoạn cả dân tộc Việt Nam cựa quậy để thoát khỏi cảnh tù túng nghèo nàn và lạc hậu! Hay nói cách khác, phẩm chất người lính của Phùng Khắc Bắc đã lặn ngụp từng ngày với nhân dân cặm cụi để cùng đất nước thức tỉnh! Cuốn tiểu thuyết Đời thường mang nhiều yếu tố tự sự về một người lính kiêu dũng trong chiến tranh lại thua thiệt trong hòa bình. Nhiều niềm đắng đót và nhiều nỗi nghẹn ngào của nhân vật Thân để lại dư vị sâu lắng cho độc giả, đều khởi nguồn từ những ý thơ mà Phùng Khắc Bắc đã viết. Ví dụ, phút xao xác “căn nhà và chiếc quan tài chỉ khác nhau ở cái cửa” trong chương 14 của Đời thường, có nhiều nét tương đồng với bài thơ Những ngôi nhà đứng nghiêng trong Một chấm xanh. Ngoài ra, trong chương 16 của Đời thường có sự chiêm nghiệm “Để dành một trái táo là làm cô quả một đời sống. Những nếp nhăn trên khuôn mặt bà già còn nói được một lời đẹp. Những nếp nhăn trên da quả táo làm lòng xót xa. Phải cắn vào quả táo để xem chiếc hạt có giống như tưởng tượng. Vị chua đến trước. Vị chua không làm thất vọng. Vị chua bao giờ cũng kích thích mạnh mẽ, sòng phẳng hơn vị ngọt… Vị chua mạnh mẽ như tiếng thét, như nhát chém, như sự bừng lên sau tiếng tách của công tắc điện, như tiếng nổ của nguyên tử. Vị chua mang sự ngọt ngào. Có một thời ở rừng, lúc đói lấy rau rừng thay cơm. Người ta nhắc nhau: “Phàm những lá có vị chua đều ăn được cả”. Thì ra vị chua còn là lương thiện, yên ổn, lành lặn…” hoàn toàn như một phiên bản của bài thơ Trái táo trong Một chấm xanh. Hai dẫn chứng ấy có thể xác minh tập thơ Một chấm xanh chất chứa tất cả những ngổn ngang đổ vỡ, những âu lo khổ hạnh, những đau đớn hướng thiện của Phùng Khắc Bắc! Tập thơ Một chấm xanh được những đồng nghiệp nhiệt huyết biên soạn dựa trên bản thảo dang dở của Phùng Khắc Bắc, nên nhiều bài thơ có tên gọi và nội dung không mấy hài hòa. Dẫu vậy, Một chấm xanh vẫn tỏa ra một miền suy tư lộng lẫy cho giới mộ điệu thi ca, một miền suy tư hồi vọng chầm chậm “người lính nằm im, nghe âm thanh chiến tranh trong người mình cất giọng, trong đêm hòa bình đầu tiên”. Ngoảnh lại khoảng trời vừa giã từ vũ khí, không dễ chọn được góc nhìn hợp lý. Phùng Khắc Bắc không chọn góc nhìn làm nên lịch sử, cũng không chọn góc nhìn chịu đựng lịch sử. Phùng Khắc Bắc chọn góc nhìn gánh vác lịch sử: “Không có trái bom nào rơi trúng mái nhà mẹ/ Không có viên đạn nào bắn thủng mái nhà mẹ/ Chỉ có đứa con trai đi xa/ Chỉ có sự chờ đợi nặng nề giọt xuống/ Đã xuyên thủng mái nhà thành những lỗ to, lỗ nhỏ khác nhau… Mẹ vẫn nói đời mình như nắng trận mưa cơn/ Mái rạ của mẹ cũng không thủng lỗ chỗ/ Nếu con chỉ ra đồng, ra chợ/ Chứ không phải đi vào chiến tranh”. Bước qua thử thách khói lửa đã khó, mà bước qua bề bộn đời thường còn khó hơn. Phùng Khắc Bắc dằn vặt từng ngày sống. Nhiều khi Phùng Khắc Bắc an ủi mình bằng tâm trạng ông lão bơm xe bên lề đường trông thấy đôi trai gái đèo nhau lướt qua sôi nổi, rằng “ta đã làm nên sắc đẹp của cả hai đứa hôm nay”, nhưng vẫn luôn thảng thốt cho người chậm chân thua thiệt, cho kẻ yếu lòng bơ vơ: “Tất cả nỗi cô đơn trong ngày lạc/ Tất cả nỗi cô đơn trong cơn hồng thủy/ Tất cả nỗi cô đơn sau trận bom nguyên tử/ Tất cả nỗi cô đơn trên con tàu vũ trụ/ Không bằng nỗi cô đơn sau lời mời của người con gái đẹp bán hàng trong chợ Đồng Xuân”. Thơ Phùng Khắc Bắc như một sự tự vấn miên man. Sự tự vấn co giật chữ nghĩa, sự tự vấn rướm máu chữ nghĩa. Sự tự vấn hình thành hai nhánh chiêm nghiệm: chiêm nghiệm về nhân cách chân thật “Hãy tha thứ cho anh/ Chỉ một lần thôi/ Một lần cho anh được nói/ Để em hiểu anh cũng là con người trong những con người” và chiêm nghiệm về tương quan sống chết “Những cây nhang đầu đen, nhọn/ Lửa đom đóm không thắp lại được mùi thơm/ Ta đi giữa sự công bằng ở tầng dưới/ Và sự bất công bằng ở tầng trên”. Chính những ý nghĩ rối bời kiến tạo thơ Phùng Bắc Khắc, cho nên ngay trên văn bản thi ca của Phùng Khắc Bắc vẫn tồn tại khá nhiều câu kết nối thô sơ các ý nghĩ rời rạc. Đọc Một chấm xanh kỹ lưỡng, thấy cộm lên dăm bảy tứ thơ chưa được chưng cất qua men nồng ngôn ngữ. Chẳng hạn, nếu linh hoạt trong cách biểu đạt thì chắc chắn có được một bài thơ hay từ đoản khúc giàu trắc ẩn: “Trong đời nghèo và trong chiến tranh/ Con người vẫn tìm ra một lối rất chật/ Để chui qua/ Có người rất thật thà/ Sung sướng mừng vui về điều đó/ Và quên đi một điều/ Ta đã bị thu mình rất nhỏ”. Phùng Khắc Bắc mạnh về suy tưởng mà không mạnh về chất thơ, dẫu bên cạnh những trầm ngâm sốt ruột “Biển không bằng một nhánh suối, một dòng sông/ Bởi biển không hề cạn, vì chỉ nhận, mà chẳng cho ai dòng chảy” thỉnh thoảng cũng thấp thoáng tài hoa lãng đãng “Em đi/ Anh nhớ/ Anh nhìn cây/ Lá bay/ Mà không nhận ra màu của gió”. Có lẽ nhiều nhà thơ khéo léo không thể che giấu thèm khát giá như được sở hữu những suy tưởng thênh thang của Phùng Khắc Bắc. Ngược lại, có bài thơ ngỡ mỹ mãn vần điệu của Phùng Khắc Bắc đành tạm dừng ở mức độ thẩm mỹ chừng mực: “Yêu nhau mà phải xa nhau/ Như người kiếp trước kiếp sau đợi chờ/ Người dưng ai dễ ngẩn ngơ/ Chỉ yêu mới thấy bến bờ là xa/ Ước gì trái đất của ta/ Nhỏ như hạt tấm để xa hết buồn”. Tuy nhiên, bất kỳ độc giả nhạy bén nào liệt kê được hàng loạt khuyết điểm khô cứng trong Một chấm xanh, thì cũng không thể nào phủ nhận Phùng Khắc Bắc có bài thơ Ra đi đáng được truyền tụng. Chẳng có gì đắn đo để khẳng định, mười khúc u hoài và day dứt của Ra đi cũng đủ làm nên giá trị một tập thơ vững vàng. Dắt người đọc vào bối cảnh “Cái thời sẵn lòng tin và dễ đồng lòng/ Cái thời dễ nghe, hay khen/ Cái thời quen nghĩ theo một chiều xuôi như chiều nước chảy/ Vì vậy mà bài thơ tìm ra cái chết/ Lại được người nghe rưng rưng”, Phùng Khắc Bắc bày ra một trận liên hoàn xốn xang với không gian nghiệt ngã, khoảnh khắc bịn rịn và con người ngậm ngùi. Độc giả vừa bị bủa vây bởi tráng ca bi hùng “Chiến tranh - tan những gia đình. Chiến tranh - gắn chặt xã hội”, lại bị chới với bởi thân phận mỏng manh “Mười lần táo chín/ Mười lần cau già/ Mười lần nước mắt mẹ rụng vào vạt áo lại thấm khô/ Và rồi cũng vào một mùa đông nào đó/ Táo chín chia hết cho trẻ nhỏ láng giềng/ Cau già nhường cho những lứa đôi may mắn/ Lúc đó nước mắt mẹ rụng đầy mặt con”, rồi bị giăng lưới bởi ám tượng mới mẻ: “Núi Thái Sơn rất cao nhưng vẫn là một chiều cao/ Con không được lấy chiều cao ấy mà đo công lao của cha/ Nếu dùng chiếc cân, nếu dùng cây thước, để làm rõ ra tình yêu thì đó là điều tàn nhẫn của con người/ Hãy lương thiện hơn trong việc này, nếu con không bao giờ nghĩ về cha như người đời đang nghĩ”. Và chân dung tác giả hiện ra theo từng tích tắc mịt mù vắng vẻ: “Đi làm đảng viên/ Đi làm liệt sĩ/ Tất cả đều không thành/ Chỉ là thương binh/ Thương binh không vết sứt ngoài da/ Thương binh có những vết rách trong phổi/ Được hàn lại bằng kháng sinh và tình đồng đội… Chỉ có bộ óc là không hề sây sứt gì/ Bộ óc thêm những vết nhăn hằn sâu…”. Chính nhờ Phùng Khắc Bắc tin rằng “Không có cái gì chết đi trong bộ óc/ Chỉ có những điều tạm quên/ Lách vào vô thức/ Sẽ có ngày được khơi lên”, nên ông chỉ cần dùng một đốm lửa ưu phiền đã thắp sáng được một vùng cảm xúc xa thẳm. Bốn cái nhìn bồn chồn từ bài thơ Ra đi khơi gợi phía độc giả những run rẩy mãnh liệt. Cái nhìn của người cha nghiêm nghị mà soi thấu: “Cha tôi vắng mặt/ Người đã tiễn tôi bằng cái nhìn như vuốt vào đôi mắt/ Đó là lúc Người khuyên tôi vào đại học, mà tôi quyết ra đi”. Cái nhìn của bà nội trìu mến mà luân lạc: “Bà nội ngồi nơi cửa bếp/ Cái nhìn và cái gật đầu của bà là lời vĩnh biệt/ Bà chết, sẽ vắng mặt tôi”. Cái nhìn của người mẹ bao dung mà ái ngại: “Mẹ không bước ra ngoài ngưỡng cổng/ Chỉ có ánh mắt mẹ là vượt qua cả cái đích đi của con/ Khúc lưng cong của con đường làm cho con ngoái lại/ Và cái nhìn lệch hướng với đích đang đi”. Cái nhìn của người yêu buồn thương mà ân cần: “Em vắng/ Nhưng cái nhìn của em vọng từ xa lặng/ Để chỉ mình anh được ngắm em nhiều”. Bốn cái nhìn không phải nhãn quang thu thủy, sao cứ nôn nao chợt vụt vạt nắng phân ly tê tái, chợt òa cơn mưa hạnh ngộ mòn mỏi. Với bốn cái nhìn, Phùng Khắc Bắc đã phát huy sức mạnh đặc thù thi ca để dựng lên một tác phẩm rúng động về chiến tranh. Điều này, hội họa không làm được, âm nhạc không làm được, sân khấu không làm được, và cả điện ảnh vốn là một thế lực nghệ thuật huy động nhiều kỹ xảo cũng không làm được. Mỗi cái nhìn gần giống như một bức tranh, gần giống như một bài ca, gần giống như một tình huống kịch trường, gần giống như một cảnh phim, nhưng mỗi cái nhìn được khép mở bởi bức màn chữ nghĩa mà người thưởng thức phải tự vén lên bằng tâm tư cá nhân. Bốn cái nhìn tinh tế thực sự làm nên bài thơ Ra đi, bài thơ Ra đi thực sự làm nên tập thơ Một chấm xanh, tập thơ Một chấm xanh thực sự làm nên nhà thơ Phùng Khắc Bắc. Thế nhưng, nếu độc giả không phải tìm Một chấm xanh để chia sẻ với một nhà thơ đổ bóng lên khóc cười chiến tranh, thì có thể phần nào hài lòng về một thi sĩ Phùng Khắc Bắc luôn xô lệch giữa hai thái cực vừa nổi loạn vừa gìn giữ, có khi não nùng “ta muốn một triệu trái bom nguyên tử nổ nhanh, nổ ngay” vẫn đắm đuối và ngạo nghễ: “Chẳng có đỉnh núi nào cao hơn chóp vú người yêu/ Tôi chưa thấy ngôi sao nào cao hơn trán tôi”! Sài Gòn, tháng 8/2010 Theo Lê Thiếu Nhơn - evan |