Tôi đứng lại ngắm tấm biển và ngỡ ngàng nhìn quanh. Đường phố vẫn tấp nập người, xe qua lại. Tiếng ve sầu râm ran trên các tầng lá long não, phượng vĩ. Có tiếng người hỏi phía sau: “Chú tìm nhà ai?”. Tôi quay lại, một cô gái có mái tóc dài, mỉm cười hỏi. “Cảm ơn - tôi trả lời - Tôi chỉ đi dạo lòng vòng”… Nhìn theo cô gái bước vào nhà, tôi lại nhớ bài thơ “Tặng một con người” của Nguyễn Thi: …Trên mái ngói phố phường vẫn nắng Anh dệt những đường tơ Tặng em làm áo mặc Anh viết những dòng thơ Gửi em - em đừng khóc Những mối tình bằng nước mắt Có bao giờ phai nhạt em ơi! Vì một con người, vì mỗi người, vì tất cả những con người Sài Gòn mà Nguyễn Thi đã nằm xuống mãi mãi trên con đường này và con đường nơi anh nằm xuống được mang tên anh. Tôi chẳng biết được chính xác nơi anh nằm. Đáng lẽ ngành văn hóa - văn nghệ phải tìm cho ra nơi anh ngã xuống để dựng lên một tấm bia kỷ niệm về một nhà văn - một nghệ sĩ - chiến sĩ đã hy sinh nơi đây như một người anh hùng: trong tay súng đã hết đạn, trên ngực một mảnh đạn giặc găm vào còn ứa máu. Anh hổn hển nói với người đồng đội sống sót cuối cùng tên thật của mình là Nguyễn Ngọc Tấn, là nhà báo, nhà văn, bút danh Nguyễn Thi là lấy tên con trai. Nhờ người đó mang bòng về căn cứ giúp anh, rồi trút hơi thở cuối cùng. Theo hai nhà văn Thanh Giang và Võ Trần Nhã - người cùng làm việc ở Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng với Thi kể lại rằng, người sống sót trong trận đánh bảo vệ cửa ngõ Tây Bắc Sài Gòn nói Thi chết ở ngã ba Thanh Lương, có người nói Thi hy sinh ở đường Minh Phụng. Trong chiếc bòng gửi về căn cứ chỉ còn khẩu súng ngắn P.38 đã bắn hết đạn, chiếc bi đông đít cháy đen vì thường được đun nước pha trà. Tài sản di vật quý báu nhất của người liệt sĩ gửi lại là bản thảo phần 1 của cuốn tiểu thuyết “Ước mơ của đất”, ba chương của tiểu thuyết “Ở xã Trung Nghĩa” và một bút ký 16 trang còn viết dở dang… Tôi nhớ lại, sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, hòa bình được lập lại, chúng tôi là lớp lính vừa đánh giặc vừa hoạt động văn nghệ từ khắp các chiến trường về tụ tập ở các sư đoàn, quân khu và Tổng cục Chính trị: Doãn Quang Khải (sáng tác ca khúc Vì nhân dân quên mình), Nguyên Nhung (Bài ca cánh võng), Ánh Dương (Chào em cô gái Lam Hồng); các nhà văn Nguyễn Khắc Thứ; Hồng Nhu và tôi từ chiến trường Lào, Campuchia về Sư đoàn 325 bảo vệ giới tuyến. Ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội có anh Thanh Tịnh, Từ Bích Hoàng, Phan Tứ (Lê Khâm) và Nguyên Ngọc từ chiến trường Khu 5 Tây Nguyên ra, sau đó là Phùng Quán, Nguyễn Ngọc Tấn…
Chuyện trò với nhau mới biết Ngọc Tấn và tôi cùng chiến đấu trên một mặt trận, cùng quen biết những người chỉ huy của ta cũng như bộ đội Ítxarắc của Khmer. Từ đó hai đứa chơi thân với nhau. Sau khi biết nhau, tôi được điều động ra Tổng cục Chính trị làm công tác điện ảnh quân đội ở 17 Lý Nam Đế. Hai thằng ở cách nhau chỉ vài trăm mét. Khi có phim hay tôi thường gọi Tấn qua xem. Gần nhau ít lâu tôi mới hiểu vì đâu Ngọc Tấn hay lặng lẽ, trầm ngâm, gương mặt luôn suy tư như nhìn vào một quá khứ xa xăm nào đó… Có người bảo Ngọc Tấn cực đoan, bảo thủ, dè dặt, cách xa cho nên anh em khó gần. Tôi nghĩ: chẳng phải như thế đâu. Ngọc Tấn sống sâu sắc nồng hậu lắm, yêu đương nồng nàn đằm thắm sôi nổi lắm. Nhưng có lẽ cuộc đời Ngọc Tấn cũng ba chìm bảy nổi và đến mấy chục cái lênh đênh cho nên tính nết nó sinh ra như người ta tưởng vậy thôi. Làng quê của Nguyễn Ngọc Tấn ở xã Quần Phương Thượng, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Quê anh luôn mất mùa, nghèo đói. Cha là một nhà giáo, mất sớm. Mẹ đi lấy chồng. Lên 9 tuổi anh đã sống lưu lạc nay đây mai đó, rồi theo một gánh hát để kiếm sống. Năm 1943, một người anh bà con đưa anh vào Sài Gòn kiếm sống. Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, vừa tròn 18 tuổi, anh tham gia du kích xã Tân Thới Tứ rồi gia nhập trung đội cảm tử quân Nguyễn Bình đánh Pháp. Năm 1947, đội cảm tử gia nhập vào Chi đội 1, chiến đấu ở Thủ Dầu Một, Lái Thiêu, Thủ Thừa. Ngày 25-9-1947 anh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Những ngày hoạt động ở đoàn Văn hóa kháng chiến Nam bộ, Ngọc Tấn gặp Bình Trang, một cô gái từ nội thành Sài Gòn ra, hai người yêu nhau. Sau một thời gian cưới nhau thì vợ mang bầu. Chuẩn bị cho vợ sinh con, Ngọc Tấn làm rẫy, nuôi gà, dựng ngôi nhà nhỏ bên sông Tha La. Sống hạnh phúc bên nhau chưa được bao ngày thì anh được lệnh đi tập kết, chị được phân công ở lại hoạt động nội thành. Khi Bình Trang sinh cháu gái Trang Thu giữa Sài Gòn thì tàu tập kết của Ngọc Tấn cập bến miền Bắc. Ra Bắc, Ngọc Tấn tiếp tục làm tuyên huấn Tiểu đoàn 302 rồi về làm trợ lý văn nghệ Sư đoàn 330. Tháng 12-1956 được điều về Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Những bài thơ, truyện ngắn, bút ký của anh viết ra trong lúc này đăng rải rác trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Báo Quân đội Nhân dân nói lên nỗi nhớ Nam bộ và tâm trạng những người miền Nam tập kết. Hai tập sách Trăng sáng (in năm 1960) và Đôi bạn (in năm 1962) cũng nói lên nỗi nhớ miền Nam. Cùng với đề tài xây dựng quân đội, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa thì những tin tức nhức nhối từ miền Nam gửi ra cho hay Mỹ - ngụy đang ra sức đàn áp, tàn sát khủng bố đồng bào làm anh đứng ngồi không yên, ruột gan như lửa đốt. Một tin đau đớn khác là trong cảnh o ép gian ác và những mưu thâm quỷ quyệt của giặc, người vợ yêu quý của anh đành phải dứt tình anh. Hai năm trôi qua rồi bảy năm trôi qua, không còn hy vọng địch thi hành Hiệp định hiệp thương Tổng tuyển cử thống nhất nước nhà. Gia đình và đồng đội, bạn bè khuyên Ngọc Tấn nên lấy vợ vì tuổi anh ngày càng cao. Năm 1960, anh quyết định cưới Nguyễn Thị Xuân, một cô gái nông dân vừa cày ruộng vừa làm nghề chằm nón. Tháng 5-1962, khi Nguyễn Thi con trai của họ vừa tròn 6 tháng thì Ngọc Tấn cùng Nguyên Ngọc lên đường trở về Nam chiến đấu. Nguyên Ngọc đến Khu 5 còn Ngọc Tấn vào thẳng Nam bộ. Hàng tháng trời lội suối trèo đèo dưới bom đạn địch, vượt Trường Sơn gian khổ, Tấn bị kiết lỵ và ho ra máu, nhưng anh vẫn giấu thầy thuốc để quyết đi cho đến nơi. Nam bộ đã đón anh như người ruột thịt trở về. Ngọc Tấn được phân công về Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng. Thanh Giang và Võ Trần Nhã vui mừng có anh vào tiếp sức cho tạp chí để kịp ra số báo đầu tiên. Ngọc Tấn đã lao vào với công việc của tờ tạp chí: làm biên tập, viết bài, vẽ bìa, minh họa cho đến đi gùi gạo, làm rẫy… Cuối năm 1962, đầu năm 1963 quân ta chiến thắng Ấp Bắc, Ngọc Tấn cùng Võ Trần Nhã đi thực tế ở Mỹ Tho. Năm 1964 cùng Thanh Giang và họa sĩ Huỳnh Công Thu về quê hương Đồng Khởi, Bến Tre. Chuyến đi này bị giặc càn, Thanh Giang bị thương, Huỳnh Công Thu hy sinh, Tấn bị trực thăng Mỹ quần suýt chết. Chuyến đi kinh hoàng ấy đã giúp Tấn viết được nhiều bút ký hay. Từ giờ phút này tất cả sáng tác của Nguyễn Ngọc Tấn được ký tên Nguyễn Thi - tên đứa con trai mới 6 tháng tuổi ngày anh từ biệt đi vào Nam, trở thành bút danh đầy kỷ niệm và thương yêu của anh. Được tham dự Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ nhất (1965) rồi lần thứ hai (1967), được gặp các anh hùng như chị Út Tịch, Nguyễn Thị Hồng Hạnh, anh Phan Văn Cội và sau các chuyến đi Bến Tre, Mỹ Tho, Nguyễn Thi đã cho ra đời hàng loạt bút ký, tiểu thuyết như “Ở xã Trung Nghĩa”, “Cô gái đất Ba Dừa”, “Sen trong đồng”, “Ước mơ của đất”, “Người mẹ cầm súng”… Những ngày đau ốm, đói khát, nhớ vợ thương con, kể cả những ngày không vui vẻ gì Nguyễn Thi vẫn đi, vẫn viết. Bận viết tập 1, cuốn “Ước mơ của đất”, Thi không được tham gia đợt 1 cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân. Vừa xong tập 1, anh vội xếp bút nghiên đi về Phân khu 2 ở Long An bám sát các đơn vị chiến đấu để tham gia Tổng công kích đợt 2 vào Sài Gòn mùa hè năm 1968. Đợt đi chiến đấu lần này Nguyễn Thi đã vĩnh viễn nằm lại mảnh đất Sài Gòn mà ngày nay đã thành con đường mang tên anh - nói đúng ra là mang tên người con trai của anh. Cuộc đời Nguyễn Thi với cách sống, viết và chiến đấu của anh là tấm gương sáng cho thế hệ các nhà văn chúng tôi. Anh như một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của một người nghệ sĩ, một nhà văn chiến sĩ Theo Nhà văn Trần Công Tấn - SGGP |