Văn nghệ trong nước
Nhớ Lưu Quang Vũ - buồn vui một thuở…
14:33 | 11/09/2010
Vào dịp kỷ niệm 22 năm ngày mất của anh (1988- 2010); một số tác phẩm của Lưu Quang Vũ đã được dàn dựng lại và công diễn trên sân khấu thủ đô…  
Nhớ Lưu Quang Vũ - buồn vui một thuở…
Lưu Quang Vũ - ký hoạ của Bùi Xuân Phái
Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT), đã có nhiều vở diễn gắn bó với đề tài Hà Nội - mà trong đó, "Tôi và chúng ta" đã tạo nên một ấn tượng lớn về nghệ thuật - Huy chương Vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1985. Vào dịp kỷ niệm 22 năm ngày mất của anh (1988- 2010); một số tác phẩm của Lưu Quang Vũ đã được dàn dựng lại và công diễn trên sân khấu thủ đô…  

Tôi và Lưu Quang Vũ chơi với nhau từ hồi còn trẻ, hai mươi hay ngoài hai mươi một ít. Vũ lành lành, ngầm ngầm, im im, cười cười, nhẹ nhẹ. Không muốn làm mất lòng ai. Cả nể, cái gì muốn từ chối cũng không từ chối ngay. Khi ngại ngại, khó nói thì xưng tên mình khẽ khẽ. Tôi thì ngược lại, guốc mộc, áo thổ, vòng bạc, không thích ai là “choang” ngay. Và vì thế, chúng tôi chơi với nhau, nhất là có thời gian dài cùng nhau làm Tạp chí Sân khấu và sau này, tôi vẽ trang trí sân khấu một số vở của Lưu Quang Vũ.

Những ngày ấy, trước khi về Tạp chí Sân khấu (1976), Lưu Quang Vũ vẫn cứ lang thang. Thi thoảng, có việc gì về vẽ, tôi kéo Vũ đi, bởi Vũ làm panô quảng cáo, làm mảng màu khá nhanh, trong người Vũ rất có máu hội hoạ. Ngoài ra, tôi và Vũ chơi với nhau như tư cách cùng làm thơ. Lúc đó, Lưu Quang Vũ đã in nửa tập “Hương cây” (cùng “Bếp lửa” của Bằng Việt). Vũ đã nổi tiếng thơ - nhà thơ trẻ. Còn tôi, làm thơ chơi, cho mình và đọc cho bạn bè thân tình, không nghĩ đến in ấn và xuất bản. Từ khi về Tạp chí Sân khấu, cái máu mê sân khấu từ trong tận cùng tâm hồn Lưu Quang Vũ lại trào dậy (có lẽ cả “gene” di truyền của thân phụ anh - nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận nữa). Chính giai đoạn ngót chục năm này là vốn sống về công việc “bếp núc” sân khấu quý giá để Lưu Quang Vũ đã viết trên mấy chục vở kịch, chiếm lĩnh hầu hết sàn diễn sân khấu Việt Nam của thập kỷ 80.

Cũng những năm tháng ấy, tôi chưa vợ con gì, còn được tự do giữa đám bạn bè đã ổn định gia đình. Có một buồng làm việc nho nhỏ ở khu văn công Mai Dịch, hàng tuần, các nhà văn, nhà thơ Phùng Quán, Tạ Vũ, Trúc Cương, Hoàng Hưng, Ngọc Thụ, Nhật Tuấn, Trần Hoài Dương, Tường Vân, Chu Hoạch... vào chơi từ sáng đến tối, vẽ và đọc thơ. Lưu Quang Vũ cũng vậy, lúc buồn, lúc vui, lại túc tắc đạp xe vào, chiều tối lặng lẽ ra về.

Có một ngày mùa thu tháng 9.1980 ấy, Lưu Quang Vũ cũng lặng lẽ vào tôi như thế. Tôi thoáng thấy Vũ đang có điều gì đó buồn buồn trong lòng mà không tiện nói ra. Gần chiều, Vũ với tay lấy cuộn giấy vẽ, bút vẽ và bột màu. Tôi thấy Vũ loay hoay một lúc, tưởng là Vũ vẽ chơi một cái gì đó. Hoá ra, lúc sau, Lưu Quang Vũ đưa tôi xem. Trên tờ giấy vẽ khổ lớn, Vũ dùng bút vẽ và bột màu , chép chữ rất to như khẩu hiệu, đề tặng tôi mấy câu thơ của anh lúc đó chưa được xuất bản: “Những vần thơ như móng tay day dứt/ Trên vỏ dưa xanh thắm của mùa hè/ Cho kẻ không nhà mái lá chở che/ Cho ngưng lại nhịp đồng hồ quên lãng/ Sợi dây mỏng nối liền ta với bạn/ Và ban mai trong mắt những con gà”. Nửa tờ giấy còn lại, tôi vẽ chân dung Lưu Quang Vũ. Cho mãi đến sau này, Vũ mới kể tôi biết những day dứt của anh hôm đó, về thơ ca, tình yêu, cuộc đời và cả đời sống gia đình...

Tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1980, đợt 1 được tổ chức tại Hà Nội; Lưu Quang Vũ đã rất thành công với vở kịch nói đầu tay “Người cộng sản trẻ tuổi” (đồng tác giả với Đào Duy Kỳ), do đạo diễn Phạm Thị Thành dựng cho Nhà hát Tuổi Trẻ. Đây chính là tấm giấy thông hành để anh vào con đường sáng tác kịch bản sân khấu và từ đó đã trở thành một tác giả nổi tiếng...

Nhớ lại mùa đông năm 1982, đạo diễn Phạm Thị Thành mời tôi thiết kế mỹ thuật vở cải lương “Thủ phạm là ai” (Ngọc Thụ chuyển thể từ kịch nói của Lưu Quang Vũ) cho Đoàn cải lương Thanh Hoá. Chị Thành đã vào làm việc với diễn viên từ mấy hôm trước, nên tôi và Lưu Quang Vũ hẹn nhau cùng đi tàu hoả vào sau để dự lễ khởi công. Vậy mà buổi tối ngày lên đường, tôi chờ Vũ ở cửa ga Hàng Cỏ, cho đến lúc tàu sắp chuyển bánh, mới thấy anh hớt hải đạp xe đến và ủ ê thông báo là bận đột xuất nên không đi cùng được. Sợ nhỡ tàu, tôi bắt tay Vũ và chạy vội vào sân ga, cũng không kịp hỏi lý do “đột xuất” đó là gì nữa... Hai năm sau, cho đến Hội diễn sân khấu năm 1985, tôi lại thiết kế mỹ thuật vở “Vách đá nóng bỏng” của Lưu Quang Vũ cho Đoàn dân ca Thuận Hải (Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay).

Hai tháng trời, rất nhiều lần đi vào làm việc với đoàn cùng đạo diễn Vũ Minh và nhạc sĩ Phó Đức Phương; nhưng chúng tôi không làm thế nào để rủ Vũ đi cùng được - vì lúc nào anh cũng kêu là lại bận “đột xuất” - khi mà ngày ngày, các đoàn kịch trong cả nước cứ đến tận nhà tìm anh để “đòi nợ” kịch bản. Sau này (mùa đông 1987), trong bài thơ “Cảm tác nỗi niềm sân khấu” tặng Lưu Quang Vũ, tôi đã viết... Thời chúng mình là hai bàn tay trắng/ Trăng trắng suông và mây trắng bay về/ Đêm diễn tan rồi em rầu rầu xóm trắng/ Sương trắng bay nhoè lá trắng ao quê - để nhớ lại một thuở buồn vui ngày ấy. Một năm sau, Lưu Quang Vũ bất ngờ đi xa mãi mãi...

Đã 25 mùa thu trôi qua, kể từ ngày vẽ “Vách đá nóng bỏng” và cũng đã tới ngày giỗ lần thứ 22 của Lưu Quang Vũ. Tôi chợt nhớ một vài kỷ niệm xưa. Lưu Quang Vũ ơi, tất cả rồi sẽ qua đi. Cả công và việc. Cả làm và ăn. Cả thọ và yểu. Cả danh và lợi hào nhoáng, hão huyền. Cả lòng tốt đẹp và điều đố kỵ có thể có của con người. Duy nhất, chỉ còn lại nghĩa bạn hữu và những gì là giá trị nghệ thuật đích thực giữa cuộc đời này là mãi mãi tươi xanh...

Theo Lê Huy Quang - LĐ




Các bài mới
Các bài đã đăng