Từ bệ đỡ nhà văn trẻ
Giải thưởng Văn học tuổi 20 có lẽ một trong những giải thưởng thành công nhất dành cho các nhà văn trẻ trong nhiều năm trở lại đây. Giải được đánh giá cao do dựa trên sự kết hợp của ba đơn vị đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cho các nhà văn, nhất là những nhà văn trẻ, những cây bút mới bước vào con đường văn chương. Đó là Hội Nhà văn TPHCM, cái tên khẳng định giá trị văn chương của tác phẩm đoạt giải; Báo Tuổi trẻ, cơ quan truyền thông hỗ trợ công tác quảng bá, giới thiệu và cuối cùng là NXB Trẻ, đơn vị trực tiếp xuất bản đưa ra công chúng những tác phẩm đoạt giải. Chính sự kết hợp trên đã tạo cho giải thưởng Văn học tuổi 20 một vị thế đáng kể. Từ cái nôi này, nhiều nhà văn trẻ đã phát triển và thành danh như Nguyên Hương, Nguyễn Ngọc Tư, Trang Hạ, Nguyễn Thiên Ngân…
Thế nhưng, do đặc thù của cuộc thi, giải thưởng Văn học tuổi 20 chỉ dừng lại ở mục tiêu “bệ đỡ”. Điều này có thể thấy rõ ở những tác phẩm đoạt giải vừa qua. Tiểu thuyết “Biển” của nhà văn trẻ Trương Anh Quốc đoạt giải nhất. tác phẩm được nhà văn Nguyên Ngọc đánh giá đầy chất liệu riêng đặc biệt tích góp trong nghề nghiệp một kỹ sư tàu biển của tác giả.
Giới phê bình cũng tán đồng đánh giá này nhưng đó cũng chính là nhược điểm của tác phẩm: mới chỉ dừng ở chỗ có chất liệu tốt. Ngay cả việc ban giám khảo giúp tác giả chuyển từ bản thảo một tập truyện ngắn thành một tiểu thuyết cũng cho thấy bản thân tác giả ban đầu chưa định hình được chính tác phẩm của mình. Điều này cho thấy giải thưởng Văn học tuổi 20 đã làm đúng vai trò bệ đỡ, nâng đỡ những tác giả trẻ đang miệt mài tìm kiếm lối đi cho văn chương của mình.
Thế còn những giải thưởng chính thức có giá trị cao về mặt nghệ thuật, học thuật, nơi khẳng định vị trí của các nhà văn trên văn đàn thì các nhà văn trẻ còn khó với tới được. Thật hiếm hoi, lẻ loi với những lần đột phá như tặng thưởng của Hội Nhà văn TPHCM cho nhà thơ trẻ Trần Lê Sơn Ý và nhà văn Trần Nhã Thụy năm 2008 cũng đã đủ làm xôn xao dư luận. Các nhà văn trẻ, những người luôn được gán những mỹ từ “tương lai”, “năng động”, “đột phá” trong văn học lại thiếu hẳn một sự khẳng định mà tiêu biểu là thiếu đi những giải thưởng văn chương xứng tầm.
Đến sự khẳng định vai trò nhà văn trẻ
Ban chấp hành Hội Nhà văn TPHCM trong cuộc họp lần 3 đã thống nhất sẽ có thêm giải thưởng “Nhà văn trẻ” nằm trong hệ thống giải thưởng hàng năm của hội. Một quyết định đầy bất ngờ và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của những người quan tâm đến văn học trẻ. Giải thưởng “Nhà văn trẻ” dự kiến chỉ trao cho các tác giả từ 30 tuổi trở xuống, có tác phẩm dự thi đạt số phiếu quá bán ở vòng chung khảo nhưng bị loại khỏi thứ hạng cao nhất giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM. Nếu như cùng năm, có tác giả trẻ dưới 30 tuổi đoạt giải cao nhất của giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM, thì giải thưởng “Nhà văn trẻ” sẽ được trao cho tác giả trẻ dưới 30 tuổi đạt số phiếu quá bán kế theo ở vòng chung khảo. Các cây bút trẻ được trao giải thưởng “Nhà văn trẻ” sẽ nhận bằng chứng nhận và một khoản tiền từ ngân sách nhà nước cấp hàng năm và sự ủng hộ của các mạnh thường quân yêu văn học.
Với quy định như trên, giải thưởng “Nhà văn trẻ” đã phản ánh rõ mục đích của mình là tạo điều kiện cho nhà văn trẻ tìm được một giải thưởng để từ đó khẳng định vị trí của mình trong nền văn học đất nước. Nhà văn trẻ có thể cùng so tài với các nhà văn đàn anh trên chiếu giải thưởng cao nhất và nếu như chưa đủ độ chín như các thế hệ đàn anh thì họ lại vẫn có một giải thưởng riêng khác dành cho mình. Điều này đã góp phần tránh được tình trạng các nhà văn trẻ, vốn thường non tay viết và thiếu kinh nghiệm, nên hay bị chìm mất trong các giải thưởng nơi mà họ phải ganh đua với các bậc đàn anh trong nghề.
Việc Hội Nhà văn Việt Nam đưa ra khung giải thưởng cho các nhà văn trẻ, Hội Nhà văn TPHCM đề ra giải thưởng “Nhà văn trẻ”, cho thấy nhà văn trẻ bắt đầu nhận được sự khích lệ trực tiếp từ chính các Hội Nhà văn. Từ những sự khích lệ này, văn học trẻ Việt Nam đang được trông chờ sẽ bay cao hơn, thực sự thể hiện được sự năng động, sức sống mạnh mẽ của mình. Theo SGGP
|