Văn nghệ trong nước
“Tác phẩm văn học cần có hơi thở cuộc sống”
12:48 | 23/01/2011
Người phụ nữ hiền hậu, giản dị và đã có tuổi này có sức làm việc còn hơn cả lớp trẻ. Bà là một trong số ít những dịch giả nữ của Việt Nam, càng ít hơn khi là dịch giả văn học tiếng Trung.
“Tác phẩm văn học cần có hơi thở cuộc sống”
Dịch giả Phạm Tú Châu
Với những ai yêu văn học Trung Quốc thì cái tên Phạm Tú Châu đã trở nên quen thuộc. Bà đã có chỗ đứng trong làng dịch thuật văn học nói chung và văn học Trung Quốc nói riêng. Nhiều tác phẩm bà dịch được đón nhận và đánh giá cao. Có thể kể đến như “Triết lý nhân sinh của tôi” (Tự thuật của Vương Mông), “Gót sen ba tấc” (Phùng Ký Tài), “Biên thành” (Thẩm Tùng Văn), “Đại đội lính mới” (Lưu Chấn Vân), “Truyện truyền kỳ Việt Nam”, “Liêu trai chí dị”… Tiểu thuyết vừa “Gót sen ba tấc” là một bản dịch tiêu biểu của bà và đã thành công lớn.

Truyện kể về tục lệ bó chân của người phụ nữ Trung Hoa xưa, suốt từ thơ ấu đã phải chịu “cực hình” để có được một đôi chân nhỏ, thon chỉ dài 3 tấc (khoảng 10cm) và coi đó là tiêu chuẩn của cái đẹp. Nhưng trong truyện, con gái của người phụ nữ có đôi chân được xem là đẹp nhất đã phá bỏ tục ấy. Năm 1998 bản dịch “Gót sen ba tấc” của dịch giả Phạm Tú Châu đã được Hội Nhà văn Việt Nam tặng thưởng. “Biên thành” của Thẩm Tùng Văn (1902 - 1988) - một trong 20 tác phẩm văn học tiêu biểu của Trung Quốc thế kỉ XX - kể về bi kịch của cái thiện, như Thẩm Tùng Văn lý giải là do “chẳng gặp may. Đã chẳng gặp may thì cái thiện, chất phác cuối cùng cũng không tránh khỏi xảy ra bi kịch”. Còn bản dịch “Triết lý nhân sinh của tôi” (Vương Mông) xuất bản lần đầu ở Trung Quốc vào tháng 1.2003, đến hết năm 2004 đã được tái bản tới lần thứ 9. Cuốn sách thu hút độc giả, gây ấn tượng mạnh.

Con đường dẫn Phạm Tú Châu đến nghiệp dịch thuật bắt đầu từ năm 1954 khi 19 tuổi, bà được chọn cử đi học ở Trung Quốc. Bà được phân vào lớp phiên dịch học trong một năm. Sau khi học xong, bà được giữ lại tiếp tục công tác khu học xá ở Nam Ninh. Đến năm 1958 khu học xá giải thể, bà về nước và làm tại Bộ Giáo dục. Cũng trong năm đó, bà chuyển sang Ban Tuyên giáo Trung ương và năm 1959 bà chuyển công tác về Viện Văn học và làm việc từ đó đến năm 1999 khi về hưu.

Thời gian làm việc ở Viện Văn học giúp bà có cơ hội tiếp cận với các tác phẩm văn học của Trung Quốc. Văn học Trung Quốc khá đa dạng, phong phú về đề tài. Về điều này, văn học Việt Nam chưa làm được. Vẫn còn nhiều mảng đề tài, lĩnh vực mà theo bà văn học ta chưa có hoặc có thì rất ít tác phẩm. Theo bà, văn học Việt Nam hiện nay thiếu những tác phẩm viết về những số phận kém may mắn, những người ở tầng lớp dưới, hay các đề tài về đời sống xã hội đương đại… “Nhà văn cần đi sâu vào đời sống đề cảm nhận hơi thở, nhịp đập của cuộc sống hàng ngày. Những cảm nhận đó phải xuất phát từ niềm đam mê, sự say sưa tìm tòi. Có như thế, mới có được những tác phẩm văn học giàu tính nhân văn, chân thực, phản ánh đầy đủ bộ mặt của đời sống”, dịch giả Phạm Tú Châu nhận định.

Không chỉ dịch những tác phẩm dài hơi, bà còn dịch nhiều truyện ngắn của Trung Quốc. Nhiều năm nay, bà là cộng tác viên thường xuyên của báo Lao Động Cuối tuần dịch các truyện ngắn Hoa ngữ sang tiếng Việt. Đây là những truyện ngắn chọn lọc trong những tập truyện ngắn mà bà chọn. Trong năm mới, bà cho biết sẽ xuất bản một tập truyện ngắn Trung Quốc mà bà dịch trong những năm qua cùng dự định dịch lại tác phẩm “Hoàng Lê nhất thống chí” của Ngô gia văn phái.

Theo Sơn Lâm - LĐ




Các bài mới
Các bài đã đăng