Văn nghệ trong nước
Đưa văn học Việt Nam ra thế giới - muộn còn hơn không
15:04 | 21/03/2011
“Việt Nam có rất nhiều nhà văn, tác phẩm văn học nổi tiếng nhưng lại ít được bạn bè quốc tế biết đến. Bởi từ trước đến nay chưa có tổ chức nào đứng ra quảng bá “mặt hàng này” một cách có hệ thống. Đây là điều thiệt thòi lớn đối với nền văn học Việt Nam”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói.
Đưa văn học Việt Nam ra thế giới - muộn còn hơn không












Cuốn sách Open the window, eyes closed (Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ) của Nguyễn Ngọc Thuần đã được dịch ra tiếng Anh và phát hành tại nhiều nước trên thế giới.
Theo nhà văn Hòa Bình, từ trước tới nay, những tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra tiếng nước ngoài chủ yếu là do mối quan hệ của chính các tác giả. Do đó, số lượng tác phẩm được dịch rất ít và nhỏ lẻ nên cũng chỉ như muối bỏ biển.

Hướng đi đúng

Hiện có nhiều NXB rục rịch tìm hướng đi mới bằng cách dịch tác phẩm văn học Việt ra tiếng nước ngoài. Cụ thể là NXB Trẻ lần đầu tiên tung ra bản tiếng Anh của tác phẩm Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Thuần (Open the window, eyes closed). Đây có thể được coi là cuộc thử nghiệm đầu tiên của một NXB “nội”.

Khi biết có cuộc “thử nghiệm” này hầu hết các nhà văn, dịch giả đều rất vui. “Giờ đây cái gì chúng ta cũng có thể xuất khẩu được, văn học cũng là một mặt hàng cần được xuất khẩu. Chúng ta có “hàng” đấy chứ. Việc giới thiệu văn học Việt ra với thế giới sẽ thúc đẩy những người cầm bút tự tin hơn. Giới thiệu một tác phẩm ra nước ngoài cũng đồng nghĩa với giới thiệu văn học Việt, cây bút Việt. Và khi được mọi người biết đến, bản thân các tác giả sẽ được mời đi khắp nơi và vị thế cũng sẽ khác hơn. Việc làm của NXB Trẻ là rất tốt và kịp thời. Không có bắt đầu thì sao có phát triển”, dịch giả Thúy Toàn khẳng định.

Nhà văn Quang Thiều thì nói: “Con đường để hiểu về lịch sử, văn hóa của mỗi dân tộc là thông qua văn học. Không những thế, thông qua văn học ta cũng biết yêu thương các dân tộc khác. Chẳng hạn, bạn chưa biết đến 1 đất nước nào đó, nhưng qua tác phẩm nào đó của họ, bạn sẽ hiểu được đất nước, văn hóa, con người họ. Đây là cầu nối, cửa thông quan trọng nhất, nhịp cầu bắc qua tất cả tâm hồn này đến tâm hồn khác, từ nền văn hóa này đến nền văn hóa khác.

Cuộc thử nghiệm cam go

Tuy nhiên, để làm được việc này không dễ dàng. Bởi theo dịch giả Thúy Toàn, hiện có nhiều tác phẩm Việt rất hay, nhưng chọn để dịch thì bản thân tác phẩm đó phải có giá trị. Nhiều nhà văn khác cũng cho rằng, muốn làm tốt thì người làm phải nhận biết được văn học Việt trên thế giới hiện nay ra sao và có vị trí đến đâu. Từ đó mới có thể hoạch định kế hoạch rõ ràng. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho biết, công việc này các nước trên thế giới đã làm từ rất lâu còn chúng ta mới chỉ phụ thuộc vào các cá nhân hay một NXB nào đó mà thôi. Chính vì thế cần phải có chủ trương lớn. Cái khó nhất hiện nay là những người có khả năng dịch của Việt Nam không nhiều và nếu có thì cũng không hứng thú, bởi, làm ra in ở đâu, ai trả tiền? Dịch một cuốn sách rất mất công nên chỉ có ai thật đam mê mới làm và như vậy sẽ không được bao nhiêu.

The sorrow of war (Nỗi buồn chiến tranh) của Bảo Ninh là một trong số ít những tác phẩm văn học Việt được dịch ra tiếng nước ngoài.


Dịch giả Thúy Toàn cho rằng, cần phải tìm hiểu kỹ đối tượng mình định “đưa hàng”. Cũng theo bà, để làm được điều này khó thật đấy nhưng không có nghĩa là bỏ. Hãy cứ vừa làm vừa học, vừa điều chỉnh. Bà chia sẻ “Nước nào cũng có chính sách quảng bá và có đầu tư bài bản trong vấn đề này. Do đó nếu muốn làm tốt chúng ta phải có định hướng. Tức là ngoài cá nhân ra thì nhà nước phải có chính sách đầu tư. Chẳng hạn như Liên Xô trước đây, họ đầu tư cho vấn đề này rất lớn và hiện nay Hàn Quốc có cả một Quỹ dịch Văn học Hàn Quốc ra tiếng nước ngoài. Rồi Ba Lan, cứ 2-3 năm lại tổ chức một cuộc hội thảo quy tụ hàng nghìn dịch giả khắp đất nước về tham dự để đánh giá công lao, giúp cho những người dịch hoạt động tốt…”.


“Tôi được biết, trước Đại hội Đảng vừa qua, thường trực Ban bí thư đã đồng ý chủ trương giới thiệu văn học Việt với bạn bè quốc tế và thành lập Trung tâm Dịch thuật Việt Nam để từng bước giới thiệu một cách có hệ thống, bài bản. Việc này Hội Nhà văn đang tiến hành triển khai và kinh phí sẽ do Nhà nước bỏ ra”, nhà văn Quang Thiều tiết lộ.



                                                                                                          Theo Đất Việt









Các bài mới
Các bài đã đăng