Ông Đỗ Thanh Xuân, Giám đốc sở VH,TT&DL Nam Định cho biết, trong buổi làm việc này, phía Bộ và tỉnh Nam Định đều thống nhất: Tục lệ khai ấn là có thật; còn việc phát ấn rộng rãi như hiện nay thì chưa tìm thấy tư liệu nào đáng tin cậy ghi nhận.
Theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, di tích lịch sử, văn hóa đền Trần Nam Định là di tích luôn nhận được sự quan tâm của nhân dân cả nước. Các vị vua Trần và Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn là những vị anh hùng dân tộc có đóng góp lớn lao trong lịch sử dân tộc và họ là những người hết sức quan tâm, chăm lo đến người dân, được người dân lập ban thờ nhiều nơi trong cả nước. Chúng ta không được để xảy ra những gì ảnh hưởng xấu đến di tích đền Trần, đến hình ảnh các vị vua nhà Trần và Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Chính vì những lý do trên, Bộ trưởng kết luận: Lễ khai ấn tại đền Trần phải được tổ chức đúng theo các nghi thức truyền thống. Không tổ chức phát ấn vào đêm 14 tháng Giêng và đề nghị các cơ quan chuyên môn của Bộ phối hợp với cơ quan chức năng, UBND thành phố Nam Định cùng với chính quyền sở tại nghiên cứu xây dựng mô hình quản lý, tổ chức lễ hội nơi đây; đồng thời đề xuất theo hướng vẫn tiếp tục duy trì lễ khai ấn, còn việc phát ấn rộng rãi cho nhân dân cần hết sức thận trọng.
Trước đó, Bộ VH,TT&DL từng có dự kiến về việc cấm xin ấn thể hiện qua dự thảo Thông tư 09/2010/TT-BVHTTDL hướng dẫn thi hành Nghị định 75/2010/ND – CP của Chính phủ về các hoạt động văn hóa. Tuy nhiên, khi Thông tư này chính thức ra đời đã không có phần nội dung cấm xin ấn.
Việc Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL có kết luận sẽ không phát ấn đền Trần vào đêm 14 tháng Giêng là một bước ngoặt lớn của vấn đề nóng bỏng này. Tuy nhiên, dư luận cũng đang quan tâm là sau đêm khai ấn, đền Trần sẽ tiếp tục phát ấn cho nhân dân hay sẽ dừng lại? Trả lời về vấn đề này, ông Đỗ Thanh Xuân cho biết, UBND tỉnh, Sở VH,TT&DL sẽ cùng bàn bạc với Viện nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật để có câu trả lời chính xác vào thời gian tới.
Theo Giadinh.net.vn
|