Ông là nhà Việt ngữ học xuất chúng có công “soi đường, mở lối” để phát triển ngành ngôn ngữ học VN hơn nửa thế kỷ qua. Ông mất ngày 25.2.2011 tại Liên bang Nga và theo dự kiến, ngày 10.4.2011, tro cốt thi hài ông sẽ về đến VN để an táng tại quê nhà - Thanh Chương (Nghệ An). Buổi tọa đàm xuất phát từ ý tưởng và nguyện vọng của nhiều thế hệ học trò của thầy Nguyễn Tài Cẩn đang công tác tại Viện TĐH&BKT VN. Cũng vì kính yêu, quý trọng sự nghiệp của thầy, thể theo ý nguyện của thầy còn sống là muốn học trò hướng về mình nhân các sự kiện (thầy thượng thọ hay được Nhà nước vinh danh) mà tổ chức các sinh hoạt học thuật. Theo GS Nguyễn Tài Cẩn, là một khoa học thực chứng, ngôn ngữ học “phải đi từ tư liệu để sáng tỏ các vấn đề lý luận”, nếu không sẽ “nói chay, nói liều”. Chính từ cơ sở bản thể “tiếng một” của tiếng Việt mà ông đề xuất khái niệm “hình tiết” (âm tiết tiếng Việt trùng với hình vị). Quan niệm này góp phần làm thay đổi hướng đi của Việt ngữ học (trong phân tích cấu trúc ngữ pháp - kết hợp từ, đoản ngữ, câu... - trên bình diện hình thái học) mà bao nhiêu năm bị ám ảnh bởi tư tưởng “dĩ Âu vi trung” (lấy Châu Âu làm trung tâm). Phát hiện quan trọng đó đã “làm lệch cán cân” Việt ngữ học và sau này đã được Cao Xuân Hạo đánh giá rất cao, coi như một “bảo bối” cho những ai đi vào nghiên cứu tiếng Việt. Mặc dù thời gian phát động rất ngắn (1 tuần sau khi GS Nguyễn Tài Cẩn mất, chỉ có 20 ngày để hoàn tất một khối lượng công việc lớn), nhưng BTC đã nhận được 25 báo cáo, tham luận, ý kiến... gửi tới và có 4 nhà khoa học từ TPHCM, 1 nhà khoa học từ Nghệ An ra dự. Các báo cáo KH (của GS Nguyễn Văn Lợi, PGS - TS Hoàng Dũng, PGS - TS Đinh Lê Thư, PGS - TS Ngô Đức Thọ,...) được trình bày trong không khí kính cẩn, trang nghiêm và xúc động. Cũng có rất nhiều ý kiến “hồi cố” lại một chặng đường phấn đấu gian nan, vô cùng vất vả của thầy Nguyễn Tài Cẩn những năm bao cấp, luôn đến trường bằng “mũ lá, áo bạt, xe đạp cà tàng”. Bên cạnh thầy là cô Nona Stankevich - người bạn đời đến từ nước Nga xa xôi - mà phong cách giản dị còn “ta hơn cả ta”. Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ - người anh em cùng dòng họ - đánh giá “anh Cẩn biết rõ mình nên làm gì với khả năng, sở trường của mình và đã thành công”. Tại hội thảo, có những ý kiến “bây giờ mới kể” là chính những tư tưởng học thuật của GS Nguyễn Tài Cẩn ban đầu không nhận được sự tán đồng, thậm chí suýt mang vạ cho ông về sự cách tân quá lạ lùng của nó. Chính từ những sự kiện thăng trầm đó đã giúp mọi người nhìn rõ hơn con người Nguyễn Tài Cẩn tài năng và đức độ với nhân cách vững vàng “sáng trong như một viên ngọc” giữa đời thường. Dự tọa đàm có đông đảo thành viên trong gia đình GS Nguyễn Tài Cẩn, trong đó có chị Nguyễn Thị Nam Hoa - con gái ông. Chị đã vô cùng cảm động nhận từ hội thảo tấm ảnh độc đáo về GS Nguyễn Tài Cẩn trân trọng lồng trong khung kính. Ảnh chụp ông đang khum tay nói với học trò với dòng chữ kèm bên: Chúng em vẫn nhớ lời thầy! (ảnh). Các thế hệ hậu sinh hôm nay luôn khắc sâu tư tưởng và khát vọng của thầy mà bước tiếp. Đó là thông điệp muốn gửi gắm của buổi tọa đàm khoa học đáng nhớ này. Theo Phạm Trần Đức - LĐ |