Trên thực tế, ba năm qua, Hội An đã đưa Giờ trái đất trở thành “sản phẩm du lịch” vào mỗi Đêm phố cổ. Theo đó, người Hội An và du khách đã quen với việc tắt điện cùng những hoạt động nghệ thuật trên đường phố cũng như trên sân khấu được tổ chức vào ngày 14 Âm lịch hằng tháng. Nhưng Giờ trái đất của ngày 26/3/2011 này vẫn được đông đảo người dân Hội An cũng như du khách đón nhận và hưởng ứng sôi nổi, mạnh mẽ bởi hầu hết mọi người đều chưa nguôi ngoai với nỗi đau mất mát của nước Nhật trong cơn địa chấn và sóng thần vừa qua. Dường như tất cả mọi người đều mong muốn mình làm được điều gì đó cho nước Nhật - một đất nước có lịch sử truyền thống bang giao lâu đời với Hội An. Trên những con đường trong khu phố cổ, thời gian như chùng xuống, con người cảm thấy được sống chậm lại, nhẩn nha thả bộ ngắm vẻ rêu phong của phố qua ánh đèn dầu hắt bóng hay say mê ngắm những đồ chơi thủ công bày bán trên vỉa hè. Không gian tĩnh lặng tới mức du khách có thể nghe rất rõ tiếng hò khoan đối đáp không dùng micro và tiếng đàn nhị thiết tha trên sông Hoài. Rất nhiều du khách lặng lẽ thả những chiếc hoa đăng xuống sông và cầu nguyện. Tôi không nghe thấy tiếng họ cầu nguyện nhưng thấy rất rõ khuôn mặt đầy tâm trạng và ánh mắt của họ khi thả những chiếc hoa đăng xuống dòng sông chứa đầy niềm tin và sự ký thác. Nhiều người trong số họ đã cầu nguyện cho những những nạn nhân động đất, sóng thần Nhật Bản được siêu thoát hay họ đang cầu nguyện cho thế giới hòa bình và hành tinh này được yên lành. Số tiền quyên góp ủng hộ nạn nhân động đất, sóng thần Nhật Bản trong Giờ trái đất ở Hội An là 80 triệu đồng. Theo Khiếu Thị Hoài - TT&VH |