Văn nghệ trong nước
Trịnh Công Sơn và một “nhạc cảnh” thời đại
10:25 | 01/04/2011
Cõi nhạc Trịnh có thể ví như một hang động, cửa hang thì hẹp nhưng lòng rộng lớn, không chỉ đón nhận, mang chứa trong nó những tình tự sâu kín nơi những cá nhân cô độc trước cuộc đời mà còn đủ rộng để dẫn dụ, ôm trùm cả cái nhân quần rộng lớn.
Trịnh Công Sơn và một “nhạc cảnh” thời đại
Ảnh: Kangaroooo (devianart.com)
Vì thế, nhìn vào cộng đồng mê nhạc Trịnh ngày càng lan rộng, có thể thấy những mâu thuẫn lạ lùng: có những người coi nó như một thứ Thánh kinh, cũng có kẻ coi như đồ trang sức; có người sâu sắc triết gia; cũng có lắm kẻ phù phiếm rửng mỡ… Điều gì trong thứ âm nhạc này đủ sức làm nên sự kỳ lạ đó?
***
Nếu ngoái lại quá khứ, còn có thể nhận ra một sự thật khó chối cãi: nhạc Trịnh được sinh ra để phá mờ ranh giới hai chiến tuyến. Sau những trận đánh khốc liệt, giữa núi rừng hoang vu Trường Sơn hay trong những đô thị đổ nát phương Nam, người ta nghe thấy tiếng radio nhiễu sóng đang phát những bản nhạc Trịnh Công Sơn. Người chiến thắng nghe nhạc Trịnh chợt chùng gân cốt, còn kẻ thua cuộc cũng tìm thấy trong nhạc Trịnh sự ủi an, xoa dịu. Không lạ gì khi Nguyễn Duy, sau này là nhà thơ danh tiếng, viết về kỷ niệm những đêm đường Chín – Nam Lào nằm trong căn hầm kèo rà đài nghe Khánh Ly hát Trịnh Công Sơn và lờ mờ hiểu ra, đây “hình như là cái đẹp”, càng không lạ gì khi trong hồi ký của mình, các nhà văn, nhà thơ như Bảo Ninh, Anh Ngọc, Nguyễn Văn Thọ… đều bị cái “tần sóng” nhạc Trịnh bên kia chiến tuyến làm cho mê đắm. Về phía miền Nam, cái nôi đã sinh ra và dung dưỡng tài năng đó, ta nhìn thấy tâm sự của những trí thức, binh lính chế độ cũ, dù ở lại hay ra đi sau 1975, dù nhớ hay quên, đồng lòng hay phản ứng trước phương thế hành xử chính trị của người nhạc sĩ này, phần lớn đều lặng lẽ tìm trong âm nhạc của ông sự chia sẻ, đồng điệu tâm hồn để sống qua những khúc quanh không ít thác ghềnh của thời cuộc. Điều gì hoá giải, xoá tan cái “giới tuyến buồn” kia? Chỉ có thể là tình tự dân tộc.
***
Vậy thì điều gì làm cho nhạc Trịnh trở thành vừa là thứ ngôn ngữ thân quen của giới trí thức lại có thể là chiếc áo người phù phiếm ưa mặc vào?
Trước hết, phải kể đến sự dễ gần, dễ nhớ của thứ tiết tấu ballade vốn sinh ra cho những cảnh trạng chia sẻ, trữ tình vốn rất hợp với hệ mỹ cảm thưởng ngoạn của người Việt. Rồi thì tình yêu, thân phận, là nỗi cô đơn thể hiện trong hệ thống ca từ được viết giàu thi ảnh, siêu thực, mông lung, lắm lúc đẩy lên thiền ca, triết ca… đã vô tình được “đính kèm”, tô vẽ thêm bởi những giai thoại các cuộc tình (với các Diễm) đầy ảo mộng sương khói của chuyện đời nghệ sĩ.
Huyền thoại được tạo ra từ đó. Và huyền thoại, đến lúc trở thành hình mẫu, thuộc về mỗi người, nó lớn lên cùng với thăng trầm, trải nghiệm, tư tưởng, tình cảm mỗi đời người. Vì thế, thứ tình yêu cộng với lời sẻ chia gần gũi, nhạc Trịnh vì thế mà thuộc về những không gian riêng từng người lúc cô quạnh hay cùng lắm là chốn gặp gỡ thân quen, tỏ bày chia sẻ, cộng hưởng cảm xúc tình thân hơn là không gian văn nghệ mang màu sắc náo động, sân khấu hoành tráng, ồn ào...
***
Từ việc chinh phục và làm dịu lắng, thức tỉnh tình tự dân tộc, thân phận, tình yêu nơi những tâm hồn quen được thôi thúc bởi những rộn ràng hành khúc, từ chỗ mang lại điều kiện mở lối hướng nội cho những cá nhân từ lâu bị điều khiển, kích động cơ bắp… âm nhạc Trịnh Công Sơn trở thành một biểu tượng của lay động, trí tuệ và sự sâu sắc (hay điều kiện, huyễn tưởng, nhu cầu phóng chiếu sự sâu sắc nơi tâm hồn người hát lẫn người nghe).
Trong cuộc sống chao đảo mọi giá trị, sự bất an, nguy cơ vong thân đe doạ thường trực trong nội tâm con người, thì nhạc Trịnh một mặt trở thành phương thuốc, một mặt trở thành phương tiện nguỵ trang hữu hiệu. Sinh thời, việc khoác vào tấm áo “vô tận du ca” (như tên ca khúc Never ending tour) theo mẫu hình Bob Dylan, đôi khi dáng dấp buông xả, vô vi của Lão, cái an nhiên quán tưởng của Phật được mang vào hoá giải những chia lìa, bất thành trong tình yêu đôi lứa nơi nhạc Trịnh (đại loại “từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”, “trời cao đất rộng một mình tôi đi” hay “ru em là cánh nhạn/ miệng ngọt hạt từ tâm”...) đủ sức đem đến cho người nghe một chiều kích thấm thía khác, trên cả nỗi đau hợp tan bình thường.
Trên tất cả, Trịnh Công Sơn đã trở thành một biểu tượng về tự do. Chính ở chỗ nó khởi phát từ một tinh thần chính trị, thái độ xã hội, “làm giấy khai sinh” trong một không khí trí thức, cởi mở, nó đầy ắp sinh khí, một hôm trở gió nó trở thành một giá trị mơ ước, kiếm tìm của lớp người thời mới trong một “nhạc cảnh mới”.
***
Nhìn vào đám đông mê say Trịnh Công Sơn theo kiểu không đồng nhất, nhà phê bình Đặng Tiến, trong bài tiểu luận Đời và nhạc Trịnh Công Sơn có một nhận định, theo tôi, khá xác đáng: “Ca khúc Trịnh Công Sơn gợi suy tư, đáp ứng lại nhu cầu trí thức chính đáng ở một thiểu số và ảo tưởng trí thức thời thượng ở một đa số, trong đó có các cô cậu, ở mục Tìm bạn bốn phương trên các báo, tự giới thiệu là “yêu màu tím” và “nhạc họ Trịnh”, hay “nhạc TCS” viết tắt”. Không lạ gì trên không gian mạng, có thể gặp những thành viên đắc lực của forum Trịnh Công Sơn lại đồng thời tham gia fan club của Lam Trường hay ca sĩ Kem Dâu… Ở đây, tâm lý “đám đông không đồng nhất” xuất phát từ một ẩn ức dẫn đến hành vi điểm trang chống lại thực tế bạc màu bên trong tâm thức cộng đồng.
Vì vậy, trong câu chuyện mâu thuẫn, đa diện trong đám đông yêu nhạc Trịnh, hay “tuyên xưng” tình yêu với ca khúc Trịnh Công Sơn, có thể thấy ra thứ “nhạc cảnh” của thời đại. Cái hang động có tên nhạc Trịnh Công Sơn sẽ mãi còn là huyễn tưởng, huyền thoại trong tâm thức cộng đồng này. Và còn lâu, thật khó để giải thiêng!

                                                        Theo Nguyễn Vĩnh Nguyên - SGTT.VN

Nhạc sĩ Phạm Duy: Trên một khía cạnh nào đó, tất cả những đau khổ, buồn bã của thời đại đều hiện lên trên bề mặt âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Tôi cho rằng ngày nào người ta còn những bế tắc, buồn bã, thậm chí là cả những cơn giận dữ dẫn đến tuyệt vọng mà không chia sẻ được thì người ta còn hát Trịnh Công Sơn.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân: Ai đấy hãy cứ tranh luận và hãy chứng minh rằng: "Tôi – thế hệ của Trịnh không mang theo dấu ấn nào của Trịnh". Phần tôi – người viết cũng có một tuổi trẻ đi qua chiến tranh, xin nói rằng: Không thể!

Khải Trí (sinh năm 1980, cư dân TP.HCM): Cứ vào đầu tháng tư, tôi lại theo dòng người đổ về những đêm nhạc tưởng niệm nhạc sĩ họ Trịnh ở hội quán Hội Ngộ trong khu du lịch Bình Quới. Ngồi trên bãi cỏ, tôi tự hỏi và lắng nghe trái tim mình, bất chợt tìm thấy câu trả lời trên gương mặt của những người mẹ, người chị, người anh, người em đang ngồi xung quanh... tất cả đang đi trong không gian âm thanh của nhạc sĩ Trịnh.
Ngân Hà – Kiến Minh (thực hiện)

 
Các bài mới
Các bài đã đăng