Được xây dựng phía khán đài B, sân Trung tâm Lễ hội, dưới chân đồi Phân Đậu, thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, bức tranh làm bằng bêtông cốt thép bảo đảm độ bền lâu dài, với 1.400 bức gốm sản xuất từ làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), có tổng kinh phí 24 tỷ đồng. Bức tranh dài 72m, điểm cao nhất 9,9m, hai bên là hai cột phù điêu. Trung tâm bức tranh là hình tượng vầng nhật nguyệt là trời, hai bên nằm trong vòng bán nguyệt tượng trưng là đất, một bên là rồng và một bên là phượng. Phía dưới hình tượng mặt trời là sáu cô gái xếp hình đôi dâng lễ vật bánh chưng, bánh dầy (lễ vật đặc trưng trong ngày giỗ Tổ). Xuyên suốt chiều dài bức tranh là hình tượng truyền thuyết bọc trăm trứng, bố cục trong quả trứng là các lễ hội truyền thống như rước kiệu, rước lúa thần, rước chúa gái, hội phết. Mở đầu từ bên trái là hình tượng Lạc Long Quân và Âu Cơ với đàn con đang hăng say lao động. Kết thúc là hình tượng tỉnh Phú Thọ đang được xây dựng văn minh, hiện đại hôm nay và giàu đẹp trong tương lai. Xen kẽ là các lễ hội truyền thống của Phú Thọ, như bơi thuyền, đánh đu, đánh trống, đâm đuống, kéo co, hát xoan. Trên bầu trời rực rỡ cờ Tổ quốc, cờ lễ hội với những đàn chim từ bốn phương trời quy tụ về nơi đất Tổ. Tác giả bức tranh là họa sỹ Mai Văn Kế và Lê Ngọc Hân, chủ nhiệm đồ án là kiến trúc sư Ngô Thanh Tùng./. Theo Trương Văn Quân (TTXVN/Vietnam+) |