Mặc dù chương trình mở màn có vẻ không đúng “thời điểm nóng” với ý nghĩa kỷ niệm 10 năm ngày mất của “Người hát thơ thế kỷ” (1.4.2001 – 1.4.2011), nhưng vẫn thu hút khá đông khán giả. Một là dư âm tưởng nhớ Trịnh Công Sơn vẫn còn rạo rực. Thêm nữa là bởi chương trình là lạ, vì chỉ có Ánh Tuyết độc diễn là chính. Có lẽ sau Khánh Ly mới có thêm Ánh Tuyết độc diễn nhạc Trịnh Công Sơn cả chương trình thế này. Ánh Tuyết đến với chương trình hoàn toàn không vì háo danh, vì “chơi trội”, hay ... vì kinh tế. Nữ nghệ sĩ người Hội An chỉ muốn thực hiện lời hứa với Trịnh Công Sơn khi còn sống đã được chính Ánh Tuyết ghi vào sổ tang ngày ông ra đi. Nhưng vì sao đến mãi 10 năm sau chương trình mới được thực hiện, vì sau khi được tiếng là người “hát Văn Cao hay nhất hiện nay”, Ánh Tuyết phải tự lượng sức mình, liệu mình có thể làm chương trình này được không? Xây dựng chương trình trên chủ đề “Có một ngày như thế” ngoài hàm ý nói về một ngày “Cá tháng tư” dị biệt - ngày Trịnh Công Sơn mất, mà còn mang ý nghĩa rộng, vì ai cũng sẽ “có một ngày như thế”. “Có một ngày như thế” được chia làm 5 nhịp như một luân chuyển tương sinh ngũ hành. Nghe Ánh Tuyết hát thấy nhận cảm được “dòng nhạc không thể tách lời và nhạc riêng biệt” mà “Người hát thơ” này đã tạo ra. Có những kết hợp khéo léo giữa Ánh Tuyết và Quỳnh Lan đã gây được hiệu quả khác lạ như song ca “Nắng thuỷ tinh” và đặc biệt là “Ướt mi” - ca khúc đầu tiên của Trịnh Công Sơn được Hà Thanh giới thiệu trên làn sóng phát thanh và được NXB An Phú ấn hành. Lâu lắm mới nghe lại “Vết lăn trầm” qua Ánh Tuyết. Cái cách hát dằn giọng rất gần cách hát của Trịnh Công Sơn, gợi nhớ về một đêm rừng rực không khí chống chiến tranh ở “Tuyệt tình cốc” (tên căn nhà của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường ở hẻm Âm Hồn - TP.Huế) đã được Thế Uyên ghi lại khi chứng kiến Trịnh Công Sơn hát “Vết lăn trầm” lần đầu tiên và được nghe lời Hoàng Phủ Ngọc Tường tiên đoán về sự nổi tiếng của “Người hát thơ thế kỷ”. Độc chiêu nhất là khi Ánh Tuyết thể hiện hai ca khúc “Đường xa vạn dặm” mà Trịnh Công Sơn viết khi mẹ mất, ca khúc “Tiến thoái lưỡng nan” được viết sau ngày ông vượt qua bạo bệnh hiểm nghèo năm 1997. Ánh Tuyết đã “hát vo” (không cần dàn nhạc đệm) những giai điệu dứt ruột, những giai điệu ở ngoài nốt: “Mẹ bỏ con đi - đường xa vạn dặm” hay “Tiến thoái lưỡng nan - đi về lận đận”. Ngụ ý tên chương trình đã được bật ra ở phần cuối với những ca khúc nối tiếp “Có một ngày như thế”, “Cát bụi”, “Xin mặt trời ngủ yên”, “Nối vòng tay lớn”. “Ánh Tuyết hát Trịnh Công Sơn” là một trong không nhiều chương trình hát Trịnh Công Sơn thành công về nghệ thuật. Cùng Ánh Tuyết, thành công này phải kể đến ca sĩ Quỳnh Lan dễ thương, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 (piano) - bạn đồng niên Trịnh Công Sơn, Ngọc Minh (saxophone) - nghệ sĩ khiếm thị với tiếng kêu liêu trai, Quang Ngọc (keyboard), Danh Thắng (violon) và đặc biệt cây guitare Xuân Hoàng tài hoa với tiếng đàn rất trữ tình. Theo Nguyễn Thụy Kha - LĐ |