Văn nghệ trong nước
Nghĩ khác về sự ám chỉ trong văn chương
08:29 | 09/04/2011
Dăm ba hôm nay, đọc báo thấy có mấy bài viết bàn tới chuyện “văn chương ám chỉ” với những ý kiến phân tích, bình luận xem ra khá sôi nổi. Đọc kỹ, lại thấy chuyện “văn chương ám chỉ” ở đây có liên quan đến trục quy chiếu từ hiện thực đời sống đến hiện thực tác phẩm, từ con người có thật đến nhân vật của văn chương. Những cái đó tuy chẳng mới mẻ gì, nó xưa như trái đất, nhưng hình như cũng chưa bao giờ hết lời để nói về nó.
Nghĩ khác về sự ám chỉ trong văn chương
minh họa của Minh Hằng


Trước hết, “văn chương ám chỉ” chỉ thực sự “thành chuyện” khi có người nhận ra: “Gần đây, các nhà xuất bản đều rất ngạc nhiên khi ngày càng nhận được nhiều bản thảo viết tay. Dù dày mỏng thế nào, các biên tập viên cũng dễ dàng nhận ra những tác phẩm ám chỉ các đồng đội ở cơ quan cũ, ám chỉ cả những hàng xóm láng giềng, ám chỉ đủ thứ mà họ cho là không hợp với mình. Chân dung bà A, ông B hiện ra chẳng khác nào những kẻ xấu xa, đồi bại, vô liêm sỉ... Có ông trước đây khi còn đương chức, bị cấp trên trù úm nên bao nhiêu thù oán đổ hết vào trang viết, khiến vị cấp trên ấy như một tên hề trong hàng lãnh đạo cơ quan”. Hẳn là “những bản thảo viết tay” này, “những tác phẩm ám chỉ” này chất lượng rất xoàng, nên tác giả mới viết tiếp, với ý so sánh nhằm tìm ra nguyên nhân của sự yếu kém: “Các văn tài như Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng... vẫn lấy chất liệu, nhân vật trong cuộc sống để sáng tác, xây dựng nhân vật rất thành công. Nhưng có điều, sự khác nhau giữa những văn tài và các nhà “ám chỉ học” là ở động cơ và cái tâm trong lao động sáng tác”. Động cơ và cái tâm trong lao động sáng tác, quan điểm này được một tác giả khác chia sẻ và trình bày cụ thể hơn: “Cái khác giữa các nhà văn lớn và các “tiểu tác giả” của những cuốn sách ám chỉ... ngoài yếu tố tài năng thì nguyên nhân chính vẫn là: họ luôn sáng tác vì những giá trị văn học đích thực chứ không nhằm để thỏa mãn sự yêu ghét cá nhân, nhằm để trả nợ “ân oán giang hồ”. Vậy là đã rõ: động cơ thấp hèn, cái tâm không tốt, viết văn chỉ nhằm trút xả những thù oán cá nhân - những thù oán không/chưa trút xả được ở ngoài đời thực - viết văn không vì “những giá trị văn học đích thực”, thì ắt là tác phẩm chỉ đáng bỏ đi. Và bởi thế, tác giả của thứ văn chương “ám chỉ” này cũng chỉ là hạng “tiểu tác giả”, tác giả thứ cấp, còn xa lắm mới có thể là nhà văn lớn.

Thử nhìn vấn đề theo cách khác. Chỉ với cái tâm cao đẹp, động cơ trong sáng, “luôn sáng tác vì những giá trị văn học đích thực” liệu đã là điều kiện đủ để người viết cho ra đời những tác phẩm tốt (chưa nói tới những kiệt tác để đời)? Trước câu hỏi này, có lẽ tiện hơn cả là tôi nên trích dẫn vài dòng của Chế Lan Viên làm câu trả lời: “
Ai cũng thích nói: Tôi viết văn với cả lòng tôi, với quả tim tôi. Tôi thường hay hỏi đùa: Chẳng lẽ một con khỉ chỉ chân thành viết những cảm giác “rất khỉ” của mình cũng thành một thiên tài hay sao?” (BàiChân thành của nhà văn, Chế Lan Viên toàn tập, tập III, NXB Văn học, tr. 242). Vả lại, động cơ của người viết liệu có được bao nhiêu ý nghĩa đối với người tiếp nhận tác phẩm? Để nói một người viết nào đó là nhà văn lớn hay là nhà văn không/chưa lớn, xét cho cùng, người đọc chúng ta chỉ có một căn cứ thôi, đó là tác phẩm, với tư cách là kết quả cuối cùng của lao động nhà văn. Tác phẩm sẽ phơi lộ tất cả tầm vóc của tác giả. Động cơ ư, điều ấy chỉ có bản thân nhà văn hoặc Thượng đế mới có thể nói chính xác được nó thực sự là cái gì? Lấy động cơ thay cho tác phẩm để “đo” tác giả, theo tôi nghĩ, tức là ta đã vứt xó một đơn vị đo lường minh bạch và khả kiểm để chọn một đơn vị đo lường rất mù mờ, không thể kiểm chứng được. Hãy thử ví dụ bằng trường hợp của Balzac: nếu nhà tiểu thuyết thiên tài người Pháp này trung thực với chính mình khi ông tuyên ngôn rằng ông luôn sáng tác dưới ánh sáng của đạo Cơ đốc và nền quân chủ, thì “động cơ” ấy, đặt trong bối cảnh xã hội nước Pháp và trong xu thế vận động lịch sử ở châu Âu lúc ấy, không gì khác hơn là thứ “động cơ” lạc hậu, phản động, hủ bại. May thay, người đời đã có thừa sự khôn ngoan để đánh giá Balzac bằng việc nhìn vào bộ tiểu thuyết Hài kịch nhân gian của ông, chứ không phải nhìn vào cái động cơ hủ bại như ông tự thú, và bởi thế Balzac mới trở nên vĩ đại.

Cứ cho là
 động cơ quả thực có một ý nghĩa đáng kể nào đó trong lao động của nhà văn, vậy phải chăng, phải sáng tác với động cơ “không nhằm để thỏa mãn sự yêu ghét cá nhân” thì nhà văn mới có cơ trở thành một nhà văn lớn? Hay diễn đạt theo cách khác, phải chăng nhà văn lớn thuộc về kiểu người viết từ chối việc lấy sự yêu ghét - trong câu chuyện về văn chương “ám chỉ” đang bàn ở đây, chỉ có ghét chứ không có yêu - một cá nhân nào đó trong cuộc đời thực làm chất liệu trực tiếp cho tác phẩm của mình? Anh ta từ chối việc đưa người mà anh ta không ưa / oán ghét / căm hận ở ngoài đời vào trong tác phẩm, “đóng đinh” người ấy vào chân dung một nhân vật xấu? Về bản chất, nhà văn là một người lao động với ngôn từ nghệ thuật - chứ không phải một ông thánh hay một nhà đạo đức - anh ta viết, trước hết là bằng sự trải nghiệm của cá nhân mình với cuộc đời, với những con người mà anh ta đã gặp trong đời, những con người khiến anh ta nảy sinh tình cảm tích cực hoặc tiêu cực (yêu hoặc ghét). Biến một con người của hiện thực đời sống thành một nhân vật của hiện thực tác phẩm, nếu vốn dĩ nhà văn đã có định kiến xấu với “nguyên mẫu” thì cũng chẳng có lý do gì ngăn được anh ta vẽ chân dung nhân vật bằng những đường nét xấu. Lấy ví dụ bằng trường hợp nhà văn Nam Cao, một trong những “văn tài” đã được dẫn ra như mặt đối lập với các nhà “ám chỉ học”, sẽ dễ nhận thấy điều này. Theo nhận xét của một số văn hữu cùng thời với Nam Cao, nhân vật Hoàng mà ông miêu tả trong truyện ngắn Đôi mắt, từ diện mạo đến cách đi đứng nói năng, lối sống, lối nghĩ đều rõ ra chân dung nhà văn Vũ Bằng - người “cai thầu” bài vở cho cùng lúc năm bảy tờ báo ở Hà Nội trước năm 1945. Trên thực tế, khi Nam Cao mới bước chân vào văn nghiệp, Vũ Bằng chính là người đã có công phát hiện và nâng đỡ Nam Cao rất nhiều. Nhưng ở thời điểm những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, khi Nam Cao đã là nhà văn cách mạng, một lòng một dạ tin tưởng vào thắng lợi của kháng chiến và sức mạnh của nhân dân (nông dân) thì Vũ Bằng lại là nhà văn “dinh tê” (chuyện Vũ Bằng là chiến sỹ tình báo mãi hàng chục năm sau mới được công khai). Khó mà nói rằng tình cảm Nam Cao dành cho Vũ Bằng vẫn còn vẹn nguyên như trước. Sự “sứt mẻ tình cảm” này được thể hiện trong tác phẩm rất rõ ở việc Nam Cao đã dựng lên nhân vật Hoàng như một con người không dễ ưa, nếu không muốn nói là đáng ghét: anh ta khệnh khạng, trưởng giả, nhìn người nông dân tham gia kháng chiến với cái nhìn “từ trên xuống”, chỉ thấy ở người nông dân toàn những sự dốt nát thiển cận, toàn những con rối tức cười. Lẽ nào lại không thể xem Hoàng như là sản phẩm văn chương của sự yêu ghét cá nhân của Nam Cao đối với Vũ Bằng ở ngoài đời thực?

Thế nhưng, nếu gạt sang một bên, không cần quan tâm đến chuyện Nam Cao lấy ai là nguyên mẫu để xây dựng nhân vật Hoàng trong
 Đôi mắt và Nam Cao yêu ghét nguyên mẫu ấy ra sao, thì chẳng vì thế mà giá trị của nhân vật bị sút giảm. Hoàng là một thành công nghệ thuật lớn của nhà văn. Thứ nhất, đó là nhân vật được cá tính hóa rất sắc nét. Thứ hai, đó là nhân vật nói lên được vấn đề cốt tử đang đặt ra với nghệ sỹ - trí thức ở thời điểm ấy, như một lựa chọn: anh tin tưởng hay không tin tưởng vào cuộc kháng chiến? Nếu tin tưởng, anh sẽ nhìn người nông dân - bộ phận nòng cốt tạo nên sức mạnh của cuộc kháng chiến - với cái nhìn yêu thương, trân trọng. Nếu không tin tưởng, anh sẽ nhìn người nông dân với cái nhìn khinh thị, nhạo báng, như Hoàng đã nhìn. Thành công này, xin khẳng định, hoàn toàn do tài năng của Nam Cao mà nên. Ông đã chọn được nguyên mẫu tối ưu cho tác phẩm của mình (chắc chắn rằng ở ngoài đời thực, người mà Nam Cao thiếu thiện cảm không chỉ có một). Từ nguyên mẫu ấy, ông đắp thịt đắp da, hoán đổi xương cốt để có một nhân vật văn học sinh động, mang tầm khái quát nghệ thuật cao. Nói chung đó cũng là điều phổ biến ở các nhà văn tầm cỡ: tài năng của họ khiến họ không bao giờ tự thấy bằng lòng với những gì sẵn có ở nguyên mẫu. Và tài năng càng lớn thì càng khiến cho việc viết “nhằm để thỏa mãn sự yêu ghét cá nhân” - trong trường hợp nhà văn sử dụng nguyên mẫu - tiến gần hơn đến “những giá trị văn học đích thực”.

Tóm lại, yếu tố quyết định ở đây là tài năng của người cầm bút, chứ không phải “động cơ”, “cái tâm”, hay mục tiêu đặt trước về “những giá trị văn học đích thực” (nếu có, chúng chỉ chiếm phần rất nhỏ). Thậm chí có thể nói, ai đó muốn trút xả những bực dọc, thù ghét, oán hận của mình với một/một vài ai đó bằng việc viết văn, xin cứ việc. Nhưng coi chừng, nếu không có tài hoặc không đủ tài, anh sẽ chỉ cho ra đời thứ bản thảo tập hợp toàn những lời thóa mạ thô ráp và những nét bôi đen vụng về, còn xa mới được coi là tác phẩm. Trước những bản thảo như vậy, có lẽ biên tập viên của các nhà xuất bản chỉ việc xếp chúng vào chồng “bản thảo không sử dụng được” là xong. Vì nó dở tệ, chứ không phải vì nó “ám chỉ” người nào đó. (Nhân tiện cũng xin được mạo muội nói thêm: xét về một phương diện nhất định, “ám chỉ” chính là phẩm chất của văn chương hư cấu. Nếu cứ đòi hỏi tất cả phải “minh chỉ”, ta sẽ chỉ có phóng sự báo chí, các loại đơn kiện, biên bản báo cáo, điều tra, luận tội v.v... mà thôi). Thậm chí, ngoài việc thẩm định chất lượng bản thảo ra, biên tập viên của các nhà xuất bản cũng chẳng nên mất thời gian quan tâm tìm hiểu xem người viết định “ám chỉ” ai trong tác phẩm, chẳng việc gì phải cần đến một quy định chung nhằm “bảo vệ sự trong sáng của văn học”. Bao cái “án văn tự” đầy oan ức ập xuống số phận nhiều nhà văn lớn từ xưa đến nay đã chẳng xảy ra từ chuyện người ta cứ ngây thơ coi nguyên mẫu và nhân vật là một đó sao?

Theo Hoài
(nguoidaibieunhandan)


Các bài mới
Các bài đã đăng