H. Kapfenberger đã từng sống và làm việc 7 năm ở VN với tư cách phóng viên thường trú của TTX Cộng hòa Dân chủ Đức ADN và báo Nước Đức mới, trong những năm 1970 - 1973 và 1980 - 1984. Ông từng chứng kiến và đưa tin về cuộc kháng chiến gian khổ và anh hùng của nhân dân VN, về cuộc chiến tranh phá hoại điên cuồng của đế quốc Mỹ như: dùng máy bay B52 ném bom rải thảm ở Hà Nội và trận Điện Biên Phủ trên không tháng 12/1972. Năm 1973, ít lâu sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ông là một trong số ít nhà báo được “vượt sông Bến Hải” để vào thăm vùng giải phóng ở Quảng Trị. Từ lần đầu tiên tới VN, Kapfenberger đã có dịp về Làng Sen - quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại mà ông hằng ngưỡng mộ và đây cũng là bước khởi đầu cho việc sưu tầm, nghiên cứu các tư liệu về Bác. Sau nhiều năm say mê nghiên cứu, Kapfenberger đã thực hiện được mơ ước khi hoàn tất và xuất bản cuốn sách Hồ Chí Minh - Một biên niên sử bằng tiếng Đức (năm 2009). Cuốn sách này đã được NXB Thế giới phát hành bằng tiếng Việt từ tháng 5/2010. Cuốn sách của H. Kapfenberger bắt đầu bằng câu hỏi “Hồ Chí Minh là ai?”, đây là câu hỏi mà hàng thập kỷ nay đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà viết tiểu sử, nhà sử học, học giả và bạn đọc nói chung. Để trả lời câu hỏi này, tác giả đưa người đọc lùi về quá khứ, tìm hiểu thân thế Hồ Chí Minh qua 25 bài viết và một biên niên sử tóm tắt cuộc đời của Người...
Tại cuộc gặp gỡ chiều 14/4, H. Kapfenbeger cho biết: “Ở Đức có rất nhiều người hỏi tôi Hồ Chí Minh là ai, ông ấy sống như thế nào. Rất tiếc, khi tôi sang VN công tác (năm 1970) thì Người đã ra đi một năm trước đó và tôi đã không có cơ hội được gặp Người. Nhưng đến VN tôi đã tìm hiểu về Người suốt một thời gian dài. Tôi có thể khẳng định rằng trên thế giới này không có Hồ Chí Minh thứ hai. Vì khi tìm hiểu về các nước XHCN, không nước nào có một nhân cách giống Hồ Chí Minh, vĩ đại như Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, năm 2008 khi một NXB ở Đức đề nghi tôi viết sách về Người, tôi đã đồng ý ngay. Viết về Hồ Chí Minh với tôi không chỉ là tiểu sử đơn thuần mà là cuộc đời sống động. Tôi đã viết về Người với tất cả niềm tự hào. Nhưng tôi cũng khẳng định rằng, khi nghiên cứu cuộc đời của Người còn nhiều khoảng trống chưa được đề cập đến, nhất là giai đoạn từ 1911-1941, khi Hồ Chí Minh sống ở nước ngoài. Nhiều nghiên cứu cho thấy, chưa thể biết chính xác Người sống ở những đâu, làm gì, không ai đứng ra chép lại được hết. Các nhà viết sử VN cũng cần nghiên cứu thêm nữa...’’. Theo H. Kapfenbeger, hiện nay, số lượng người Đức biết đến Hồ Chí Minh và VN không nhiều và ông rất lấy làm tiếc về điều này. Ông đang cố gắng để người Đức không quên Hồ Chí Minh - người đã cống hiến cả đời mình cho Tổ quốc... Trong chuyến giao lưu và làm việc tại VN lần này, nhà báo H. Kapfenberger còn dự định gặp gỡ nhiều nhân chứng lịch sử như tướng Đồng Sỹ Nguyên, các chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn... Ông cũng có kế hoạch đi thăm các di tích liên quan tới tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử để chuẩn bị tư liệu cho cuốn sách tiếp theo của mình về VN liên quan tới con đường huyền thoại này. Theo H.Thương - TT&VH |