Diễn ra tại Hà Nội vào sáng qua (22/4), cuộc tọa đàm được do Hội Nhà văn Hà Nội và Công ty Nhã Nam (đơn vị tham gia xuất bản Thơ Hoàng Cầm) tổ chức. Và, dù có tên tọa đàm nhưng đa phần thời gian ấy là dịp để bè bạn cùng chia sẻ và ôn lại những ký ức về Hoàng Cầm. Cho tới vài năm gần đây, bởi nhiều lý do, thơ Hoàng Cầm chỉ đến được với độc giả bằng những ấn phẩm nhỏ, lẻ. Và nói như nhà thơ Hoàng Hưng trong tham luận gửi tới tọa đàm, đó cũng là một trong những lý do khiến công chúng cảm nhận về ông có phần phiến diện trong “vai” một khách thơ hào hoa, đa tình, mãi quanh quẩn với tình quê hương quan họ và tình “chị - em” độc đáo. Hoàng Cầm, qua lời của bạn văn, còn là một Hoàng Cầm khác: chói sáng vì thơ, lận đận cũng vì thơ- để rồi tới khi về cõi, gia tài thơ là thứ tròn đầy, viên mãn nhất trong cuộc đời của mình. Yêu quý, chia sẻ với Hoàng Cầm cũng vì sự lận đận đằng đẵng ấy, hai nhà thơ Nguyễn Thụy Kha và Nguyễn Trọng Tạo đã dành khá nhiều thời gian để kể về một Hoàng Cầm của thập niên 1980, khi ông gần như tách biệt ra khỏi dòng đời và sống lay lắt bằng quán rượu “lậu” trên phố Lý Quốc Sư. Với mục đích phác họa nên bức tranh toàn diện về các sáng tác của nhà thơ, tập Thơ Hoàng Cầm ngoài hơn trăm bài thơ lẻ còn có trường ca Tiếng hát Quan họ sáng tác năm 1956, được coi như tiền đề của Về Kinh Bắc ra đời mấy năm sau đó, có truyện thơ Men đá vàng dành “dâng linh hồn con gái Bùi Hoàng Yến”... Và không thể không kể đến thể loại mà chính ông khẳng định đã làm nên tên tuổi, dấu ấn riêng của Hoàng Cầm thời kỳ đầu: kịch thơ, trong đó nổi bật nhất, với những câu thơ vượt thời gian, là Kiều Loan. Kèm theo đó là một số thủ bút và di cảo của nhà thơ và các ảnh tư liệu do nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán thực hiện trong hơn 20 năm trời. Theo Chiêu Minh - TT&VH |