Sau những tràng pháo tay cho “Lời vu khống là cơn gió nhẹ” (Người thợ cạo thành Seville) do giọng nam trầm Hao Jiang Tian trình diễn, Noral Amsellem thật đẹp bước ra từ cánh gà của sân khấu trong bộ váy đính đá màu vàng khói. Nữ nghệ sĩ Pháp không chỉ được đánh giá cao về chất giọng mà còn về sự duyên dáng, tinh tế trong từng vai diễn. Kỹ thuật cao bị “kỳ đà cản mũi” Cô bắt đầu bằng khúc aria của Manon “Tôi bước chân trên mọi nẻo đường” - bài hát của thiếu nữ bị Paris hoa lệ chinh phục và cũng quyết chinh phục mọi nẻo đường xa hoa. Giọng hát của cô cao vút và có chút gì hồi hộp, bồng bột như tâm trạng thiếu nữ nghĩ có thể có tất cả chỉ với người si mê mình. Tuy trang phục của cô không đúng thời kỳ của Manon trong tác phẩm viết, song sự biểu cảm của cô đã khiến khán giả hoàn toàn châm chước cho điều này... Chỉ có điều, ngay khi cô chưa kết thúc “bước chân trên mọi nẻo đường”, mới chỉ ở một quãng nghỉ, khán giả đã vỗ rộ lên. Ngay lập tức, Norah ra dấu đề nghị họ yên lặng. Điều này, cách nào đó đã khiến cho đêm diễn mất “đà” cho dù các nghệ sĩ vẫn tuyệt vời. “Tôi không phải chưa từng nghe họ hát. Đêm nhạc này họ đã hát tuyệt hay. Nhưng có thể nói, đã có những chương trình, họ hát đến 150% khả năng mình có được. Số phần trăm “vượt” chính là nhờ động lực khán giả. Nếu khán giả khó tính hơn, khắt khe hơn, chắc chắn họ sẽ có thêm lý do để dốc thêm sức, thậm chí quá sức”, một nghệ sĩ nhạc cổ điển giấu tên cho biết. Văn hóa opera và... Mặt khác, chính sự duyên dáng của Norah đã khiến nhiều khán giả tiếc nuối khi “đất diễn” cho nữ nghệ sĩ không nhiều. Những vai diễn của cô trong đêm nhạc lần này không có quá nhiều sắc màu đối chọi. Chúng cũng không có hỗ trợ của ánh sáng, trang trí mỹ thuật sân khấu theo đúng nghĩa. Hennessy có lẽ cũng nên cân nhắc tới việc giới thiệu một trích đoạn opera như nó vốn có - giống một công trình nghệ thuật tổng hợp. Đặc biệt, khi đầu tư cho opera Việt vốn eo hẹp thì việc được tiếp xúc tận tay với những trích đoạn opera với sân khấu hoàn thiện là điều khán giả mong mỏi. Vì thế, “màu sắc của quỷ” do giọng bass Hao Jiang Tian trình bày đã trở thành ấn tượng của đêm nhạc, cho dù giọng nam cao trữ tình De la Mora cũng thật ngọt ngào, với nốt đô 3 đòi hỏi kỹ thuật cao. “Kỹ thuật cao, giọng hát đẹp, thể hiện thần thái nhân vật, phải nói đây là một giọng opera có văn hóa cao”, giảng viên Gia Khánh tấm tắc. Sự lạc điệu của tràng pháo tay cũng sẽ còn trong cả khán giả lẫn nghệ sĩ biểu diễn. Nó cho thấy khoảng trống trong đào tạo người nghe nhạc cổ điển của chúng ta. “Ở Hàn Quốc có những lớp học, trong đó học sinh và cha mẹ được nghe nhạc có kèm giải thích: tác phẩm có mấy chương, khi nào thì nghỉ, khi nào thì kết thúc, và lúc nào được vỗ tay”, một giảng viên Học viện âm nhạc quốc gia VN cho biết. “Trong khi nước ta chưa có những lớp học như thế trong khi học thưởng thức là một quá trình phải được thực hiện từng bước vững chắc. Chưa kể, vì lười, người đi nghe nhạc thậm chí còn không thèm đọc chương trình nữa”. Về sự lười đọc, lười có những lớp đào tạo thưởng thức văn hóa nói chung và nhạc cổ điển nói riêng, nhà văn hóa Nguyên Ngọc cho biết: “Tại Mỹ, có những cuốn cho người mới học đủ các lĩnh vực. Và ngay tại nước như Mỹ, họ vẫn tiếp tục nghĩ đến chuyện mở mang tri thức bằng cách này- làm sách nhập môn bằng hình vẽ. Có những cuốn dành dạy “Làm thế nào để có thể nghe được nhạc cổ điển”? Sách dạy rất vui, học nghe nhạc cổ điển đầu tiên là học vỗ tay, hết một chương, thấy người ta vỗ tay là mình cũng vỗ tay theo, chứ đừng có vỗ trước. Nói một cách vui vui nhưng nó dẫn dắt anh cách thưởng thức nhạc cổ điển”. Tràng pháo tay “tai hại” trong đêm nhạc đỉnh cao Henessy 15 rõ ràng cho người ta thấy điều để suy nghĩ. Theo Ngữ Yên -TT&VH |