Văn nghệ trong nước
Triển lãm tranh tượng về chiến tranh cách mạng - Ký ức một thời
10:53 | 29/04/2011
Với 255 tác phẩm bao gồm đủ thể loại sơn dầu, sơn mài, bút sắt, màu nước, gốm…, 51 tác giả nhiều thế hệ họa sĩ đã góp phần làm tăng thêm ý nghĩa sâu sắc, phong phú cho phòng tranh có chủ đề về Chiến tranh cách mạng và Lực lượng vũ trang, đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, nhân kỷ niệm 36 năm ngày miền Nam giải phóng, ngày truyền thống ngành mỹ thuật giải phóng và 10 năm Câu lạc bộ Cựu chiến binh – kháng chiến thành lập.
Triển lãm tranh tượng về chiến tranh cách mạng - Ký ức một thời
Dân quân giữ biển của Nguyễn Thanh Minh
Một thời hào hùng

Ôn lại những trang sử mỹ thuật ở miền Nam từ sau hiệp định Genève đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, họa sĩ Trang Phượng đã mô tả những ngày tháng sơ khai thành lập Phòng Hội họa giải phóng miền Nam chống Mỹ cứu nước. Đó cũng là tiền thân của Hội Mỹ thuật TPHCM ngày nay. Lực lượng sáng tác được bổ sung từ những năm 1964, khi các họa sĩ Huỳnh Phương Đông, Thái Hà từ miền Bắc vượt Trường Sơn, trở lại miền Nam hoạt động và đào tạo các lớp hội họa kháng chiến bên cạnh lực lượng họa sĩ tại chỗ như Trang Phượng, Cổ Tấn Long Châu, Phạm Minh Sáu…

Những trang sử mỹ thuật song hành cùng cuộc chiến tranh yêu nước, chống giặc. Không ít họa sĩ của Phòng Hội họa giải phóng đã hy sinh. Trong ký ức người còn lại vẫn không quên được những họa sĩ – chiến sĩ ngày ấy, như Bửu Lâm, Hoàng Anh, Huỳnh Quốc Trọng, Võ Kế Nghiệp, Đào Hữu Phước…Những người bạn nghệ sĩ trẻ tuổi, vừa gặp gỡ đã chia biệt: buổi tối, họ cùng ăn chung vắt cơm, đêm cùng thức trắng trò chuyện tâm sự, bày tỏ bao điều tâm huyết; vậy mà, sáng mai, chiều mai, Trang Phượng lại nhận tin bạn hy sinh! Các anh đã gửi lại mãi mãi tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng quê hương, với biết bao khát khao và ước mơ ngày đất nước thống nhất…

Vẽ về biển đảo Trường Sa

Từng trải qua chiến tranh, các nghệ sĩ đã dặn lòng, nếu còn sống, họ sẽ không quên trả món nợ lịch sử trong những năm tháng kháng chiến. Đề tài Chiến tranh cách mạng và Lực lượng vũ trang vẫn luôn thôi thúc người sáng tác trở lại chiến khu, chiến trường xưa; nhớ một thời đạn bom ác liệt, nhiều hy sinh gian khổ nhưng cũng đầy hào hùng.

Có lẽ đó cũng là một trong những lý do rất cảm động khi phòng tranh năm nay tập hợp được khá nhiều ký họa kháng chiến – những trang nhật ký bằng tranh của các họa sĩ: Huỳnh Biếc (Phạm Thanh Tâm), Huỳnh Phương Đông, Nguyễn Đức Thọ, Lý Châu Hoàn, Trịnh Kim Vinh, Đỗ Hồng Khôi, Trần Sơn, Lại Ngọc Tuyển, Võ Xưởng, Đặng Ái Việt (những bức ký họa bà mẹ Việt Nam anh hùng). Hình tượng Bác Hồ thật gần gũi với dân, quân qua tranh, điêu khắc Trần Thị Phương Dung, Tạ Kim Dung, Nguyễn Phú Hậu, Lê Xuân Chiểu, Phan Hữu Thiện, Phan Thăng…

Ngắm nhìn, tìm hiểu những tác phẩm vẽ về chiến tranh của Huỳnh Phương Đông, Nguyễn Thanh Châu, Trang Phượng, Hoàng Anh, Quách Phong, Nguyễn Thanh Minh, Bùi Quang Ánh, Hà Thị Hạnh, Phạm Nguyên Cẩn, Lê Quang Luân, Nguyễn Thanh Hiệp…, người xem ngày nay như sống lại những năm tháng kháng chiến với các địa danh Trường Sơn, Rừng Sác, Bằng Lăng, Mã Đà, Dầu Tiếng, Bà Rá, Phước Long, Bù Đốp, Củ Chi, Cà Mau, Đồng Tháp Mười, Long An, Quảng Trị, Hàm Rồng, Côn Đảo…Đan xen, tượng Tiếng trống ra trận chống giặc (composit) của Đinh Rú; tượng Cảnh giác (gốm) của Nguyễn Thành Công; Người phụ nữ cầm cờ (composit) của Nguyễn Lệ Thủy cũng mang lại những cảm xúc tốt đẹp cho người xem.

Như những ánh lửa yêu nước tiếp nối qua cuộc hành trình mỹ thuật miền Nam từ truyền thống đến hiện tại, bên cạnh các bức ký họa và ký ức Trường Sơn êm đềm, khốc liệt, hào hùng được nhiều thế hệ họa sĩ ghi nhận, đã có những bức tranh khá mới của Phan Oánh, Nguyễn Quang Vinh vẽ về biển đảo Trường Sa…

Phản ánh truyền thống cách mạng, yêu nước qua tác phẩm, cuộc triển lãm tranh, tượng càng có ý nghĩa sâu xa hơn khi khơi dậy thêm lòng yêu quê hương, đất nước.

Theo Kim Ửng - SGGP






Các bài mới
Các bài đã đăng