Tinh hoa thơ Hoàng Cầm
Hoàng Cầm đã để lại dấu ấn của mình trên thi đàn và trong lòng người yêu thơ như là ông hoàng của thơ trữ tình. Thế nhưng trước đây, tác phẩm của ông vẫn chỉ là một số tập sách nhỏ lẻ. Thơ thì có "Về Kinh Bắc", "99 tình khúc"; trường ca: "Tiếng hát quan họ", "Mưa Thuận Thành"; kịch thơ thì có "Kiều Loan", hay tập truyện thơ "Men đá vàng". Và đến "Hoàng Cầm thơ", những gì là tinh túy nhất trong sự nghiệp thơ Hoàng Cầm đã được hội ngộ, làm nên một chân dung thơ, người thơ tài hoa của thi ca Việt Nam.
Tập thơ được chia làm 7 phần chính, mỗi phần thơ đều tiêu biểu cho những thể loại thơ mà Hoàng Cầm sáng tác. Trường ca "Tiếng hát quan họ" in trước đó, được giữ nguyên và đưa vào tuyển thơ như một tiền đề quan trọng cho phần thơ tiếp theo "Về Kinh Bắc" - đỉnh cao của thơ Hoàng Cầm. Đặc biệt, "Những bài thơ khác" là phần chọn lọc những bài thơ hay theo thời gian, với nhiều tác phẩm chưa từng xuất hiện trong các tập thơ trước đó. Đây phần lớn là những thi phẩm được Hoàng Cầm sáng tác trong 30 năm cuối đời. Kịch thơ "Kiều Loan" là đại diện cho mảng kịch thơ, "Men đá vàng" tiêu biểu cho truyện thơ Hoàng Cầm. Không đưa vào tất cả sáng tác của Hoàng Cầm, tập thơ chỉ giới thiệu những tác phẩm chọn lọc của ông, thế nhưng riêng phần tác phẩm cũng đã lên tới hơn 400 trang khổ A4, đủ cho thấy sức lao động, sáng tạo của Hoàng Cầm trên cánh đồng thơ.
Cái nhìn toàn diện về thơ Hoàng Cầm
Bấy lâu bạn yêu thơ vẫn nhìn về thơ Hoàng Cầm với "tình quê hương", "tình chị em", nhìn về Hoàng Cầm như một người thơ đa tình với những mối tình được thi vị hóa, đôi khi thành giai thoại.
Không nói tới "Về Kinh Bắc", bởi đây là tập thơ, phần thơ quá nổi tiếng làm nên tên tuổi Hoàng Cầm, điểm đặc biệt của cuốn sách là công bố những bài thơ lẻ, phần lớn sáng tác trong thời kỳ 1987- 1995. Ở đó, vào những năm cuối đời mình, thi nhân vẫn dành thi lực, sinh lực cho những mối tình ảo vọng. Bên cạnh đó, Hoàng Cầm còn có một khối lượng thơ kháng chiến khác ngoài "Bên kia sông Đuống". Đọc "Hoàng Cầm thơ", bên cạnh một Hoàng Cầm đa tình, tài hoa, người đọc còn cảm nhận được khí phách, chí khí của ông qua kịch thơ "Kiều Loan", qua những vần thơ lên án thói đạo đức giả, quan liêu…
"Hoàng Cầm thơ" là một tập thơ đẹp. Bìa của cuốn sách thiết kế đơn giản, vẽ hình đôi mắt, gợi liên tưởng tới đôi mắt thơ Hoàng Cầm, càng nhìn càng đắm say. Các họa sĩ Nguyễn Quân, Lương Xuân Đoàn vì yêu mến thơ Hoàng Cầm mà có nhiều tranh vẽ minh họa cho thơ ông. Phần thủ bút của tác giả là những bài thơ Hoàng Cầm chép tặng nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, là những suy nghĩ của ông về Văn Cao, Trịnh Công Sơn. Những bức tranh Hoàng Cầm ký họa vợ, tự họa mình hay vẽ bìa cho cuốn "Mưa Thuận Thành" gây ngạc nhiên cho độc giả. Hơn 30 bức ảnh do nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán chụp Hoàng Cầm ở phần cuối sách là những hình ảnh gần gũi, chân thực về thi sĩ những năm cuối đời.
Theo Trung Tự - HNM
|