Chu Cẩm Phong (tên thật là Trần Tiến, SN 12/8/1941 tại thị xã Hội An, Quảng Nam) lớn lên trong một gia đình cách mạng. Ông từng là sinh viên khoa Ngữ văn- ĐH tổng hợp Hà Nội, là Phó Bí thư Đoàn trường; được kết nạp vào Đảng và tốt nghiệp loại xuất sắc (năm 1964), được chọn đi học tiếp ở nước ngoài... Nhưng Chu Cẩm Phong đã tình nguyện về lại quê hương đất Quảng để tham gia chiến đấu, làm phóng viên Thông tấn, rồi chuyển sang Tiểu ban Văn nghệ khu V, làm Bí thư Chi bộ Đảng. Ông đã viết nên những tác phẩm nổi tiếng như: Vườn cây ăn quả nhà mẹ Thám, Gió lộng từ Cửa Đại, Mặt biển - mặt trận, Rét tháng giêng, Con chị Hiền... Ngày 1/5/1971, ông hy sinh trong một trận càn lớn của Mỹ - khi vừa tròn tuổi 30. Một sĩ quan chính quyền Sài Gòn đã phát hiện các tập nhật ký của ông và đã nâng niu gìn giữ cho đến ngày đất nước hòa bình. Cuốn nhật ký ấy về sau được trao cho Hội Văn nghệ giải phóng miền Trung Trung Bộ, để đến nay chúng ta vẫn còn nguyên một Nhật ký chiến tranh (NXB Đà Nẵng 2005, 800 trang) của Chu Cẩm Phong vô cùng quý báu. 30 tuổi đời, tuổi văn ngắn ngủi, nhưng cả cuộc đời người chiến sĩ và nhà văn - nhà báo trong Chu Cẩm Phong là một bài ca hùng tráng và cao đẹp. Ông được Nhà nước truy phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào tháng 3/2010. Như vậy, trong lịch sử Hội Nhà văn VN từ thành lập (1957), Chu Cẩm Phong là nhà văn đầu tiên được phong anh hùng (nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ cũng được truy phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhưng với tư cách nhà quân sự). Theo H.Thương - TT&VH |