Văn nghệ trong nước
Nỗ lực mới của 33 nữ họa sĩ tìm lối đi riêng
08:48 | 16/05/2011
Cuộc triển lãm chủ đề Tranh phong cảnh đang trưng bày tại 97A Phó Đức Chính, quận 1, TPHCM được coi là nỗ lực mới của các nữ họa sĩ trong thời “bão giá”. Phòng tranh phong phú với nhiều chất liệu sơn dầu, sơn mài, bột màu, cắt vải…
Nỗ lực mới của 33 nữ họa sĩ tìm lối đi riêng
“Vườn hồng Đà Lạt”, tranh sơn dầu của họa sĩ Cao Thị Được
Họa sĩ Đặng Thị Dương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ họa sĩ (thuộc Hội Mỹ thuật TPHCM), cho biết cuộc triển lãm của 33 tác giả lần này mang ý nghĩa kết nối tích cực, tiếp tục thúc đẩy các nữ họa sĩ sáng tác và trình làng tác phẩm mới. Điểm lại đội ngũ cho thấy các họa sĩ – giảng viên đang dạy tại một số trường đại học đã góp mặt tương đối đầy đặn. Các họa sĩ Đặng Thị Dương, Cao Thị Được, Tạ Kim Dung, Nguyễn Thùy Hương… từ Trường ĐH Mỹ thuật đề xướng cuộc gặp gỡ nhóm theo chủ đề tranh phong cảnh đã lôi cuốn thêm các họa sĩ Lê Thị Tuyết Hồng, Võ Thị Thu Sương (ĐH Kiến trúc TPHCM), Nguyễn Thị Thùy Vân, Hồ Ngọc Lệ (ĐH Tôn Đức Thắng), Lê Thị Minh Tâm, Nguyễn Thanh Thảo (ĐH Kinh tế), Vi Tuyết Mai, Hứa Diệu Nữ (CĐ Bách Việt)… và nhiều họa sĩ khác tham gia. Ngoài ra, còn có các góc trưng bày phong phú, lạ mắt với những tác phẩm của NSND - diễn viên điện ảnh Trà Giang, kỹ sư địa chất Nguyễn Thị Phi Loan, bác sĩ Nguyễn Thị Minh…

Tập hợp các nữ họa sĩ và hướng đến chủ đề tranh phong cảnh đã cho thấy một hướng đi khá năng động của những phụ nữ cầm cọ giữa thời… “bão giá”.

Nhận xét về phòng tranh, họa sĩ Nguyễn Xuân Đông (Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM) cho rằng mỗi tác phẩm là mỗi cảm xúc của họa sĩ. Cuộc triển lãm có tính chuyên đề phong cảnh đã đưa người xem đồng hành cùng các tác giả đến những chân trời xa từ Sapa, Lào Cai đến vùng biển Phú Quốc; từ vùng đồng bằng Bắc bộ với Đường Lâm vào thu đến Phong cảnh Bến Tre nắng ấm của đồng bằng Nam bộ…

Họa sĩ Lý Khắc Nhu cũng cho rằng lần đầu tiên các đồng nghiệp nữ đã tạo được dấu ấn từ nhiều góc không gian phong cảnh mang bản sắc riêng - “một cái tôi rất riêng của từng người”. Dù chuyển tải dưới chất liệu sơn dầu, sơn mài, acrylic, lụa… đều cho thấy cuộc sống, phong cảnh quê hương, biển trời, rừng núi, cao nguyên, chốn quê đồng bằng… trong mắt các nữ họa sĩ vẫn lãng mạn, đẹp, dịu dàng, giàu tình cảm nhiều hơn là sự phá cách dữ dội. Đó là nữ tính trong hội họa.

Những cố gắng thể nghiệm tìm một lối đi riêng được ghi nhận phần nhiều qua sáng tác của các nữ họa sĩ trẻ.

Theo Kim Ửng - SGGP




Các bài mới
Các bài đã đăng