Những bộ phim có chất lượng cao khó đến được với rộng rãi công chúng bởi cách kiểm duyệt và định mức mua phim cào bằng hiện nay của VTV
|
‘Đất lành để nuôi cỏ dại, nấm độc’
Giờ Vàng là miếng đất lành. Nhưng ở đó, không nhiều hoa thơm, cỏ lạ được nuôi dưỡng mà lại là cỏ dại, nấm độc. Phim dở liên tục ra đời và chiếm sóng truyền hình chính là “cỏ dại, nấm độc” (cách gọi của nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn) lây lan rất nhanh. Nếu không có cơ chế điều chỉnh và kiểm soát, phim Việt sẽ không thể trưởng thành.
Dư luận đã không thể im lặng mãi khi liên tiếp phải thưởng thức những bộ phim sống sượng, thiếu cả nội dung lẫn tư tưởng và cách làm phim hời hợt, bề nổi, chỉ hướng đến đô thị với những câu chuyện nhàm chán. Nhiều ý kiến đang cho rằng, nhà đài đã tiếp tay cho việc làm phim kém chất lượng.
Đó cũng là nhận định của nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn. Ông khẳng định: “Hệ thống sản xuất phim của Việt Nam đã bị lỗi, vì VTV thực chất là bán sóng, nói không ngoa thì đó chỉ là ki-ốt ở mặt đường để các bộ phim nào quan hệ tốt với “người” canh sóng thì nhanh chóng được xếp chỗ. Hai nữa là các hãng phim tư nhân cho rằng làm phim truyền hình là phi lợi nhuận nên họ bất chấp tất cả, làm phim truyền hình không có phương tiện, kịch bản, diễn viên, máy móc thiết bị và thậm chí kinh phí là vay ngân hàng. Vì vậy họ làm một cách rất cẩu thả, làm cho xong. Đó là chưa kể đến những hãng tư nhân mới ra đời đã đặt hàng phim 30 tập, như một đứa trẻ chưa biết bò đã bắt phải chạy, non dại như vậy mà mang trên vai một khối lượng nặng thì bị đổ ập xuống là chuyện bình thường”.
Quả đúng là VTV đã dung túng cho việc làm phim giá rẻ. Bởi định mức mua phim cào bằng của họ.
Hãy thử làm phép tính, định mức một tập phim truyền hình được VTV mua 200 triệu (nhà đài giữ bản quyền). Nếu làm một tập phim hết dưới 200 triệu thì người làm phim sẽ lãi, bằng không, chắc chắn là lỗ.
Ai cũng biết quay ở thành thị đỡ tốn hơn lôi cả đoàn làm phim về nông thôn, miền núi, ai cũng biết làm phim lịch sử đắt hơn làm phim đương đại… Hơn nữa, làm phim muốn hay, muốn tốt thì phải có thời gian cho diễn viên đọc, cảm nhận kịch bản, vai diễn, nếu những bộ phim được làm cẩn thận, được đầu tư công phu, bài bản, quay trong nhiều ngày thì giá thành khó mà chỉ ở mức 200 triệu/tập. Vậy có ai dại đi làm phim đắt tiền để lỗ không? Điều đó lý giải vì sao, gần đây, những bộ phim tình yêu nơi công sở, quay ở thành thị, nhàn nhạt, đều đều liên tục ra đời và lên sóng truyền hình.
Một câu chuyện mới đây nhất về bộ phim “Những đứa con của Biệt động Sài Gòn” minh chứng cho việc “cào bằng” của nhà đài khiến khán giả sẽ chỉ mãi mãi được thưởng thức các ‘món ăn rẻ tiền’. Buổi ra mắt bộ phim, báo chí đã đánh giá đây là bộ phim truyền hình đáng để xem. Nhà sản xuất Long Vân- đã ngoài 70 tuổi, bị gia đình “giận”, không thèm tham dự buổi ra mắt phim bởi ông đã mang hàng chục tỉ của gia đình đầu tư vào bộ phim. Ông cho hay, một tập phim của ông được làm với giá 290 triệu, và quay từ 4-8 ngày/tập. Tham vọng của nhà làm phim ngoại tuổi thất thập chỉ là “Mong sao phim truyền hình của chúng ta có thể sánh vai cùng phim truyền hình các nước trong khu vực, không thể lẹt đẹt, đều đều minh họa mãi thế này được”. Bộ phim này đã được Đài truyền hình Vĩnh Long và Đài truyền hình Bình Dương mua và phát sóng. Dư luận đánh giá rất cao. Đến nỗi, diễn viên chính Hai Nhất (vào vai Bảy Xoài- một hình tượng của Năm Cam) trước đây được nhớ đến với vai Ba Cẩn (trong Biệt động Sài Gòn) hiện nay được người dân địa phương gọi với vai diễn mới “Bảy Xoài”.
Mỗi tập phim, hai đài này thu hút quảng cáo đến 14 phút và chiếu 10 tập, hai đài đã thu hòa vốn mua phim.Tuy nhiên, trước đó, bộ phim này cũng chỉ được VTV trả 200 triệu/tập và nhà sản xuất đành từ chối.
Ông Long Vân cho hay, tôi rất muốn khán giả cả nước, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, người chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo được thưởng thức bộ phim này, trong thời gian sớm nhất, nhưng với cái giá mà nhà đài trả, tôi không biết làm cách nào hơn, đành đi bán lẻ phim của mình vậy.
Bộ phim này sẽ khó mà đến được với rộng rãi công chúng, bởi đây làm một trong hiếm hoi những bộ phim “đắt giá” của truyền hình hiện nay.
Làm sao để thay đổi?
Đã đến lúc phải nghiêm túc nhìn lại, có nên tiếp tục quy định 30% thời lượng phim phát sóng phải là phim Việt khi chất lượng phim không đạt yêu cầu. Nên chăng, hãy đầu tư thời gian, tiền bạc cho việc kiểm duyệt phim, nâng cao chất lượng các bộ phim và có một quy chế để phạt các bộ phim kém chất lượng thay vì cứ nở rộ các hãng làm phim, các nhà sản xuất phim như hiện nay nhưng phim hay chẳng được là bao.
Bằng con mắt của một nhà phê bình nghiêm khắc, ông Đoàn Minh Tuấn khẳng định: “Nhà đài mới chỉ kiểm duyệt sao cho không bị tuýt còi chứ chưa kiểm duyệt sao cho chất lượng tốt mới được lên sóng. Để thay đổi cách làm phim truyền hình khả quan hơn không phải một vài năm mà ít nhất phải vài chục năm sau, vấn đề là điều kiện xã hội tốt hơn lên”. Ông cũng cho rằng: “Theo tôi, hệ thống của mình đã hỏng từ việc vận hành của nhà đài, đến các hãng phim, đoàn làm phim nên khán giả đừng bao giờ hy vọng có bộ phim tốt, có bộ phim hay khi lên sóng truyền hình”.
Với cách nhìn khá cởi mở, đạo diễn, diễn viên Quốc Tuấn cho rằng khán giả nên có cái nhìn độ lượng hơn bởi sau những “sự cố” của truyền hình, chắc chắn nhà đài sẽ cẩn trọng và rút kinh nghiệm nghiêm khắc, không ai là hoàn thiện tất cả. “Tôi đã từng làm việc với VTV, thực tế là việc duyệt kịch bản phim được làm rất kỹ lưỡng, đạo diễn và biên kịch phải bảo vệ kịch bản nhiều vòng gay cấn mới được duyệt. Nhưng thực tế từ kịch bản và quá trình thực hiện phim lại có khoảng cách lớn. Và VTV đã nhận thấy điều ấy, chắc chắn sắp tới sẽ thẩm định phim đã hoàn thành, điều này sẽ tạo ra cái hay là chất lượng phim đảm bảo nhưng sẽ khó khăn với các hãng nhà nước vì kinh phí ít. Nhưng tôi nghĩ đó là cách nên làm vì đó cũng đảm bảo được chất lượng phim chính xác đến 100%”.
Chia sẻ với báo giới, đạo diễn Ðỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) cho biết, VTV không vì tăng số lượng mà lơi lỏng hơn với chất lượng phim truyền hình. Có thể một số bộ phim khi phát sóng chưa đáp ứng được nhu cầu khán giả thì sẽ phải cẩn trọng hơn khi lựa chọn đối tác tham gia làm phim, duyệt kịch bản và giám sát quá trình sản xuất. Trong thời gian tới, VTV sẽ điều chỉnh cơ chế đặt hàng sản xuất, trong đó yếu tố giám sát năng lực của nhà sản xuất, đội ngũ làm phim cần được coi trọng hơn.
Hy vọng, với cơ chế kiểm soát chặt hơn, những bộ phim kém chất lượng sẽ không tiếp tục làm khán giả bội thực. Song cũng có thể, khán giả sẽ phải chờ lâu bởi ông Hải cũng cho rằng: “Điều then chốt vẫn phải là trách nhiệm và cái tâm của người làm phim, khó có thể giám sát toàn bộ mọi khâu khi sản xuất. Nếu bộ phim được làm với thái độ trách nhiệm, biết tôn trọng khán giả thì sẽ hạn chế được rất nhiều về chất lượng chuyên môn”.
Nếu cơ chế cào bằng giá phim vẫn tồn tại, không kiểm duyệt chất lượng phim mà chỉ kiểm duyệt sao cho không bị “thổi còi” thì khán giả sẽ còn phải chờ lâu để giờ Vàng thực sự là ‘vàng’.
Theo Hà An - Toquoc
|