Không chỉ là nghệ sỹ biểu diễn, ông còn là nhà lý luận, phê bình âm nhạc và là tác giả của nhiều ấn phẩm nổi tiếng như Tiến trình lịch sử âm nhạc, viết cho sinh viên. Có thể thấy ông luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho giới trẻ, nhất là sinh viên?
- Tôi quan tâm đặc biệt đến sinh viên xuất phát từ nghề nghiệp của tôi. Tôi vừa dạy piano, vừa dạy về lịch sử âm nhạc, đặc biệt là lịch sử âm nhạc Italy. Tôi dạy ở nhạc viện và đồng thời dạy ở Đại học Perugia, trường đại học dành cho người nước ngoài, trong đó có các khóa học âm nhạc cho sinh viên nước ngoài. Chính vì thế, tôi có những sinh viên Việt Nam và cả ở đây (Việt Nam) tôi cũng tìm được những sinh viên cũ của mình. Tôi đặc biệt quan tâm đến các bạn trẻ, bởi tôi coi đây là công việc quan trọng. Thế hệ trẻ là thế hệ mới. Họ là những người đang và sẽ xây dựng nên thế giới mới.
Từng làm việc với sinh viên tại nhiều quốc gia, ông nhận thấy họ tiếp cận và đón nhận âm nhạc cổ điển thế nào?
- Tất nhiên đây là một quan hệ khó, bởi nhạc cổ điển là lĩnh vực khó hiểu nhưng chính vì thế mà tôi đã luôn luôn cố gắng giới thiệu nhạc cổ điển đến sinh viên. Và với tất cả sinh viên nước ngoài của tôi, từ châu Mỹ, châu Phi, hay các nước châu Á, tôi nhận thấy họ đều rất vui khi khám phá nhạc cổ điển, đặc biệt là nhạc cổ điển Italy.
Còn với sinh viên Việt Nam thì sao, thưa ông?
- Tôi đã rất bất ngờ vì tìm thấy những sinh viên Việt Nam hát được các bài hát opera kinh điển của Italy, thích thú với âm nhạc cổ điển Italy... Và tôi cũng rất hạnh phúc khi thông tin với các bạn rằng, sắp tới sẽ có một nghệ sỹ Việt Nam được nhận học bổng của Italy (giọng nam trung Vũ Mạnh Dũng, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam - PV). Như vậy là tôi không chỉ được biểu diễn cùng với anh ấy ở Việt Nam mà sắp tới chúng tôi còn được làm việc cùng nhau ở Italy. Tôi nghĩ đây là kỷ niệm, là dấu ấn quan trọng với chúng tôi. Tôi nói điều ấy là muốn nhấn mạnh: để tiếp cận với âm nhạc cổ điển phải học về nó và tìm cơ hội để đi học.
Tại Việt Nam hiện nay có nhiều bạn trẻ yêu nhạc cổ điển. Họ thành lập các câu lạc bộ, trang web để trao đổi kiến thức và thể hiện đam mê của mình. Ông có lời khuyên gì cho họ trong việc tiếp cận cũng như quảng bá âm nhạc cổ điển?
- Điều thuận lợi là bây giờ chúng ta có thể sử dụng internet. Bạn mở internet ra là có các bản nhạc, bài hát. Bạn có thể dùng facebook để kết nối niềm đam mê. Internet thậm chí có thể cho bạn cơ hội hát ở Việt Nam trong khi tôi chơi piano ở Perugia. Tôi nghĩ đó là cách khá dễ dàng để truyền bá nhạc cổ điển. Kể cả cuộc thi này của chúng tôi (Viva Classica - PV) cũng được tổ chức qua facebook để chọn những sinh viên xuất sắc nhất của các trường đại học tại Hà Nội tham gia biểu diễn cùng tôi. Hoạt động này giúp quảng bá thêm âm nhạc cổ điển cho các bạn trẻ Việt Nam.
Xin cám ơn ông!
Theo Sơn Phong (ĐBND)
|