[if gte mso 9]> Xuyên suốt chương trình đầy ý nghĩa này khán giả có thể hiểu thêm về bối cảnh lịch sử khi người thanh niên trẻ yêu nước Nguyễn Tất Thành quyết định ra đi tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc vào ngày 5-6-1911. Tinh thần và ý chí của người thanh niên thuộc địa ham học hỏi, xác định trách nhiệm của mình trước vận mệnh đất nước dân tộc, hành trình đầy gian khó của người thanh niên Nguyễn Tất Thành qua châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và những quyết sách tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng khó khăn nhất của cách mạng Việt Nam một lần nữa lại sáng bừng thông qua cuộc trò chuyện với hai vị khách mời là PGS-TS Bùi Đình Phong, Học viện Chính trị hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Trần Trọng Trung. Những ký ức, những câu chuyện về Người luôn khiến người xem khâm phục và kính trọng.
Nói về bức thư của của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành gửi Tổng thống và Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp xin học trường thuộc địa năm 1911, PGS-TS Bùi Đình Phong khẳng định, lá thư chỉ là một phương tiện, để thể hiện lý tưởng đã được bắt đầu từ năm 13 tuổi của người thanh niên Nguyễn Tất Thành là “muốn tìm xem ẩn giấu đằng sau” những gì đã làm nên văn minh và sức mạnh của phương Tây; muốn xem cho rõ “sự làm ăn ra sao” của những cường quốc mà các nhà yêu nước Việt Nam đương thời kỳ vọng có thể giúp nước mình thoát khỏi ách thống trị của thực dân và “sau khi xem xét họ thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta”.
Đồng tình với nhận định này, nhà sử học, nhà báo, nhà Việt Nam học Evgeny Kobelev (Nga) cũng khẳng định, con đường đi tìm tự do cho nhân dân, độc lập cho đồng bào của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được định hình từ năm Người 13 tuổi. Chính vì thế, mặc dù lịch sử không bao giờ sử dụng chữ nếu nhưng giả thiết lá thư này được chấp nhận thì chắc rằng với tầm nhìn, lý tưởng của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, quyết định tìm đường cứu nước lịch sử để giải phóng dân tộc của Người cũng không hề thay đổi – PGS-TS Bùi Đình Phong khẳng định.
Tâm huyết Bắc Nam sum họp một nhà
Một lần nữa, khán giả đã được gần Bác hơn, được sống lại cùng những mốc son lịch sử dân tộc qua những thước phim tư liệu quý giá mà các nhà làm phim trong nước và quốc tế đã thực hiện trong những năm tháng đầy khó khăn của cách mạng Việt Nam. Từ Quảng trường Ba Đình, ngày 1-1-1955, sau chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nam Bắc là một nhà, là anh em ruột thịt, quyết không thể chia cắt được. Chúng ta phải thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa miền Nam và miền Bắc. Chúng ta phải đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ từ Bắc đến Nam; phải ủng hộ đồng bào miền Nam đấu tranh giành tự do, dân chủ, theo đúng hiệp định Genève”.
Cũng trong chương trình giao lưu đặc biệt này, hình ảnh của Người, con đường cứu nước của Người đã khiến bao con tim phải rung động. Từ nước Pháp, ông Raymond Aubrac, người bạn Pháp thân thiết của nhân dân Việt Nam vẫn vô cùng minh mẫn và không giấu giếm sự kính phục khi nói về Người. Ông Raymond Aubrac nhớ lại: Ông cụ rất quan tâm tới mọi người. Con người vĩ đại đó đã dẫn dắt nhân dân mình đánh đổ hai kẻ thù xâm lược là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhưng ở chính hai nước đó nhân dân tiến bộ vẫn ủng hộ Người và đất nước của Người, đó là trường hợp hiếm thấy trong lịch sử.
Sức lan tỏa và ảnh hưởng mạnh mẽ của tư tưởng Hồ Chí Minh cũng được ghi nhận qua những câu chuyện chân thực về tấm gương thanh niên ngày hôm nay, những suy nghĩ của thanh niên về tấm gương Hồ Chí Minh và thế hệ những người đi trước trong cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong thanh thiếu niên.
|