Còn nhiều vướng mắc trong công tác phong tặng và chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân nhân dân và nghệ nhân ưu tú
|
Bộ VHTTDL vừa có văn bản số 1532/BVHTTDL-TĐKT trình Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến ban hành Thông tư quy định về xét danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú. Nếu không có gì thay đổi, dịp 2/9 năm nay, lần đầu tiên các nghệ nhân trong các lĩnh vực di sản trên cả nước sẽ được công nhận là Nghệ nhân nhân dân (NNND), Nghệ nhân ưu tú (NNƯT). Đây là hành động thiết thực, đáp ứng mong muốn và nguyện vọng của đông đảo nghệ nhân trong cả nước hoạt động trong 6 lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của đất nước; tôn vinh kịp thời những nghệ nhân đang nắm giữ, truyền dạy và phát huy các giá trị di sản trong xã hội. Sau hành trình dài để có được việc vinh danh này, thì vẫn còn nhiều nỗi băn khoăn bởi còn những vướng mắc “hậu vinh danh”.
Xây dựng chính sách để vinh danh đã khó
Nếu như Hội Văn nghệ Dân gian đã phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian từ năm 2003 thì năm nay, danh hiệu NNND, NNƯT mới được Bộ VHTTDL xét tặng. Để đi được đến việc làm này, Bộ VHTTDL đã trải qua nhiều cuộc làm việc, vận động, xin ý kiến của nhiều Bộ, ngành khác nhau. Trong đó, đặc biệt là Bộ Công thương- nơi từ năm 2005 đến nay vẫn tổ chức việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân cho lĩnh vực Nghề thủ công truyền thống.
Trước đó, dự thảo thông tư quy định về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục hồ sơ xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT mà Bộ VHTTDL gửi lấy ý kiến các Bộ, ban ngành có liên quan bao gồm 4 chương và 17 điều. Tuy nhiên, những đóng góp của các Bộ, ban ngành một mặt tán thành với nội dung dự thảo thông tư đặt ra, mặt khác đề nghị cần nghiên cứu lại để tránh sự chồng chéo, trùng lắp với một thông tư khác. Đặc biệt, nhiều Bộ, ngành và Bộ Công thương cho rằng từ tháng 1/2007, Bộ này đã ban hành thông tư hướng dẫn tiêu chuẩn, quy trình và hồ sơ xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT mà đối tượng chính là nghệ nhân dân gian làm nghề thủ công truyền thống. Nên chỉ nên cần một cơ quan làm đầu mối, phối hợp với Bộ Công thương cùng thực hiện. Tuy nhiên, Bộ Công thương chỉ công nhận danh hiệu cho một lĩnh vực, còn 6 lĩnh vực thuộc Di sản văn hoá phi vật thể thì chưa công nhận danh hiệu và thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ VHTTDL. Từ khi dự thảo thông tư được lập đến khi được thống nhất ý kiến cũng mất mấy năm.
Bộ VHTTDL thống nhất với Bộ Công thương sẽ phối hợp thực hiện công nhận nghệ nhân trong lĩnh vực Nghề thủ công truyền thống, còn Bộ VHTTDL sẽ công nhận danh hiệu ở 6 lĩnh vực là: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian.
Bà Lê Thị Minh Lý- Phó Cục trưởng Cục Di sản (Bộ VHTTDL) cho hay: “Bộ trưởng rất quyết tâm trong việc thực hiện phong tặng danh hiệu cho các nghệ nhân. Và hành trình xin ý kiến vào dự thảo thông tư
vất vả của chúng tôi đã vượt qua. Giờ chỉ còn chờ Thủ tướng phê duyệt thì việc phong tặng danh hiệu cho các nghệ nhân sẽ thành hiện thực. Nhưng xong thông tư đã khó, khi đi vào thực hiện thông tư còn khó hơn nhiều”.
“Hậu vinh danh”… còn khó hơn
Các nghệ nhân mòn mỏi chờ được vinh danh, nhưng sau vinh danh là gì? Danh hiệu nghệ nhân dân gian của Hội Văn hóa Dân gian Việt Nam mới đơn thuần mang tính tôn vinh chứ chưa có chính sách đãi ngộ đi kèm. Vấn đề này cũng không đơn giản với Bộ VHTTDL.
Bà Lê Thị Minh Lý chia sẻ: “Chúng tôi cũng đang tính xem chế độ nào, chính sách nào cho việc “hậu phong tặng”. Việc phong tặng có quy định rồi, sẽ có một phần thưởng, một bằng chứng nhận, nhưng “hậu phong tặng” là cái gì? Hiện giờ vẫn chưa có lời giải”.
Theo bà Lý, nhiều nước có cách làm hay nhưng cũng bộc lộ nhiều điều không phù hợp, vì vậy, phải học tập và tính toán cách làm riêng chứ không rập khuôn theo nước nào được.
Bà Lý cho biết, ví dụ Hàn Quốc, Nhật Bản thiết lập hệ thống Báu vật nhân văn sống, người ta chọn ra những nghệ nhân xuất sắc nhất và được nuôi dưỡng suốt đời để nghệ nhân ấy chỉ làm việc cho Nhà nước thôi, sản xuất ra các sản phẩm phục vụ nhà nước, biểu diễn theo các kế hoạch của Nhà nước và được hưởng đồng lương xứng đáng. Thế nhưng họ bị chi phối vào Nhà nước hoàn toàn. Điều này, các năm trước, có tác dụng tích cực cho Nhà nước, nhưng từ khi có Công ước UNESCO 2003, việc này lại sai hoàn toàn so với Công ước ở điểm về Quyền của chủ thể văn hoá. Có thể, nghệ nhân ấy (chủ thể văn hoá) đồng thuận với cộng đồng, đồng thuận với Nhà nước nhưng xét ở một khía cạnh nào đó, những nghệ nhân ấy sẽ có tính biệt lập, trong khi đó, Công ước đòi hỏi tính cộng đồng. Những người khác trong cộng đồng sẽ nghĩ sao khi họ không được chăm sóc như vậy. Như thế thì không đảm bảo Di sản sẽ được bảo vệ một cách bền vững.
Điểm nữa là chúng ta chăm sóc những nghệ nhân bậc thầy như thế, thế hệ kế cận dưới các nghệ nhân đó thì sao, làm sao để khuyến khích thế hệ trẻ? Đấy là vấn đề rất lớn. Ở Hàn Quốc, họ thực hiện chế độ lương hằng tháng cho Báu vật nhân văn sống. Chúng ta có thể làm thế, song chúng ta cũng phải chú trọng thế hệ trẻ. Bởi thế, theo bà Lý, tốt nhất là chúng ta có những chính sách cho từng công việc. “Tôi đã đi nghiên cứu, tìm hiểu ở một số quốc gia và họ cũng khuyên như thế. Ví dụ chúng ta định hướng chúng ta quan tâm đến hoạt động này, hoạt động kia, ai đưa ra sáng kiến, ai đề xuất ra dự án mà bất kể người đó là nghệ nhân hay người trẻ mà có sáng kiến, muốn thực hành thì sẽ được hỗ trợ và chúng ta nên tham khảo vì nó cho chúng ta cơ chế linh hoạt hơn trong việc thực hiện chính sách”- Bà Lê Thị Minh Lý nhấn mạnh.
Nhiều việc cần thực hiện cho việc phong tặng NNND, NNƯT còn 'vướng mắc nhiều vấn đề như thế, cho nên, chính sách làm sao phải hết sức linh hoạt. Chưa kể, việc phong tặng, theo luật thi đua khen thưởng thì bắt buộc vẫn phải có hai danh hiệu NNND, NNƯT. Nhưng việc từ danh hiệu Nghệ nhân ưu tú lên danh hiệu Nghệ nhân nhân dân như thế nào lại là một vấn đề, đến bao giờ thì được xem xét để được lên danh hiệu? Như thế, lại cần thêm một quy chế, một chính sách nữa.
Bà Lý thừa nhận: “Chúng tôi có hai cái vướng, một là theo luật thi đua khen thưởng chúng tôi buộc phải đề ra Nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, nhưng trên thực tế, chúng tôi không muốn đề ra hai danh hiệu. Thêm nữa, chúng tôi dù rất tiếc song còn phải nợ, sang năm mới có chính sách cụ thể với việc tôn vinh và đãi ngộ những người có công thực hành di sản”.
Dẫu chậm nhưng việc tôn vinh các nghệ nhân đã có cơ hội được thực hiện. Còn chính sách, vẫn phải chờ thêm một thời gian, nhưng chắc chắn, sau vinh danh không chỉ là “danh”.
Theo Hà An & Anh Bản - Toquoc
|