Tụt hậu với thế giới là đương nhiên!
Có lẽ với đa số khán giả, phim hoạt hình Việt Nam không tồn tại, hoặc nếu có thì cũng không “sống” một cách bình thường. Bởi nếu muốn thưởng thức một bộ phim hoạt hình nội, tìm đỏ con mắt cũng chưa chắc thấy ở đâu. Trên truyền hình thì dày đặc phim do Mỹ, Nhật… sản xuất. Ngoài rạp cũng toàn “bom tấn” nhập ngoại. Phim hoạt hình Việt thi thoảng mới xuất hiện trong những dịp kỷ niệm đặc biệt, và không phải tác phẩm nào cũng may mắn được chọn. Gắn bó với thể loại này đã mấy chục năm, đạo diễn Phạm Minh Trí, nguyên trưởng xưởng phim hoạt hình thuộc trung tâm Sản xuất phim truyền hình đài Truyền hình Việt Nam (VFC), từng nhiều lần kêu gọi các nhà đài ưu tiên một khung giờ cố định cho phim hoạt hình Việt. Nhưng, vì rất nhiều lý do hẳn liên quan đến bài toán kinh tế, những bộ phim do chính VFC thực hiện lâu lâu mới được lên sóng. Tuy nhiên, đạo diễn Phạm Minh Trí thừa nhận: nếu khung giờ “vàng” có thành hiện thực, nó sẽ tạo ra áp lực quá lớn cho đội ngũ làm phim hoạt hình. Vì sao?
Trên dưới 50 tập phim (mỗi tập 10 – 15 phút) là tổng sản phẩm hai xưởng phim hoạt hình (một thuộc VFC và một thuộc cục Điện ảnh) hoàn thành mỗi năm. Đủ chỉ tiêu, nhưng chắc chắn không đáp ứng nổi khung giờ cố định của nhà đài, nếu có! Nhân sự của xưởng phim hoạt hình thuộc cục Điện ảnh chỉ chừng 50 – 70 người. Êkíp làm phim hoạt hình bên VFC còn thưa vắng hơn với 20 người. Dĩ nhiên, thiếu đủ thứ! Thiếu hoạ sĩ nên phải tìm cộng tác viên và tự đặt mình vào thế bị động. Thiếu đội ngũ chuyên viết kịch bản phim hoạt hình nên đạo diễn lắm khi thành người chuyển thể kịch bản bất đắc dĩ. Công nghệ 3D đã được ứng dụng từ lâu, nhưng máy móc quá cũ kỹ (mười năm nay, xưởng phim hoạt hình của VFC vẫn ráng sức “chạy” bằng những trang thiết bị đã quá “đát”). Theo đạo diễn Phạm Minh Trí, mỗi tập phim, nếu kỳ công, phải mất tới sáu tháng mới hoàn thành. Với lực lượng như thế, máy móc như thế thì làm tròn chỉ tiêu đã đủ toát mồ hôi. Nên, đừng trách vì sao các nhà làm phim hoạt hình tương lai, sau khi tốt nghiệp thường “đi” trái nghề, những gương mặt triển vọng như Phương Hoa với Xe đạp từng đoạt giải Cánh diều vàng khó “chạy” được đường dài, và chẳng một nhân vật hoạt hình nào đủ sức khiến người xem mê mẩn.
Gió xã hội hoá sẽ thổi?
Cho đến giờ phút này, không ít người vẫn bàng hoàng trước độ nóng của bộ phim hoạt hình Dưới bóng cây. Một câu chuyện thuần Việt nhẹ nhàng, dễ hiểu về tình bạn và lòng dũng cảm, tiết tấu nhanh, những lời thoại dễ thương, hình ảnh cực kỳ sinh động, bắt mắt, ngộ nghĩnh… đầy đủ những yếu tố khiến khán giả, đặc biệt là khán giả nhí, say mê. Bất ngờ hơn, tác giả của Dưới bóng cây – Colory lại là một nhóm làm phim độc lập còn rất non trẻ cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề, thành lập một cách tự phát vì say mê phim hoạt hình và có tư duy làm phim hoạt hình cũng rất khác lạ: vui trước, hay sau! Xem xong phim, một nhà làm phim gạo cội như đạo diễn Phạm Minh Trí nhận xét rằng: “Chúng ta đâu có thiếu tài năng. Chỉ có điều các tài năng lại bị phân tán, xé lẻ vì cuộc sống, và vì không có ai đứng ra tập hợp, đầu tư”. Theo ông Trí, tất cả các nhà đài đều mở rộng cửa với xã hội hoá. Nhưng riêng với mảng phim hoạt hình thì chưa thấy một nhà tài trợ, một nhà sản xuất tư nhân nào dám nhảy vào. Dưới bóng cây đã trở thành bộ phim hoạt hình đầu tiên mời gọi được các nhà đầu tư. Mới đây, công ty BHD đã quyết định hỗ trợ nhóm tác giả trẻ bằng cách chiếu miễn phí bộ phim trước mỗi suất chiếu trong “Những ngày phim gia đình”; đồng thời tặng mỗi khán giả một đĩa DVD Dưới bóng cây. Một số công ty tư nhân khác cũng hết sức quan tâm đến những dự án phim hoạt hình nhóm Colory đang triển khai.
Động thái này giúp người ta hy vọng vào một làn gió xã hội hoá trong nay mai sẽ đưa phim hoạt hình Việt Nam rẽ sang một trang khác tươi sáng hơn.
Theo Hương Lan - SGTT.VN
|