18 phường rối dự liên hoan (có 4 phường rối cạn) đến từ Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, Hải Phòng. Đa phần tại địa phương, nghệ nhân của các đoàn rối này vẫn sống bằng nghề nông và chỉ tham gia biểu diễn múa rối phục vụ cộng đồng hoặc khi có khách du lịch. Cá biệt, một số phường rối như phường rối làng Ra, Tế Tiêu, Đào Thục... cũng từng được mời tham dự các festival biểu diễn nghệ thuật tổng hợp trong nước hoặc các chuyến lưu diễn nước ngoài của nghệ thuật Việt Nam. Do đặc thù hoạt động của mình, các phường rối tham gia liên hoan đều lúng túng trong vấn đề kinh phí. Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục phó Cục Nghệ thuật Biểu diễn (đơn vị tổ chức cuộc thi) cho biết, BTC đã cố gắng hỗ trợ mỗi đoàn 20 triệu đồng, ngoài ra đơn vị tổ chức là tỉnh Hải Dương sẽ lo toàn bộ phần tổ chức sân khấu và thủy đình để biểu diễn. Theo dự kiến, mỗi phường rối dự thi đều đăng ký trên dưới 10 tiết mục tham gia, trong đó chủ yếu là những trò rối truyền thống như: Tễu giáo đầu, Bơi trải, Thị Màu lên chùa, Quay tơ dệt lụa... Cục Nghệ thuật Biểu diễn dự kiến sẽ lựa chọn trao các giải cá nhân và tập thể tại liên hoan với trị giá từ 3 – 5 triệu đồng/giải. Trước đó, năm 2005, một liên hoan múa rối đã được tổ chức trong khuôn khổ giỗ Tổ Hùng Vương tại Phú Thọ, tuy nhiên chỉ thu hút được sự tham gia của 8 phường rối dân gian.
|