Tháng 2/2011, Trần Thế Phong có triển lãm Gánh tại Nhà triển lãm TP.HCM, tất cả số tiền từ việc bán tác phẩm đã được anh dùng tặng học sinh nghèo hiếu học. Sau triển lãm nhiều ấn tượng này, được đồng nghiệp cầm máy và người thưởng ngoạn đánh giá cao, Thế Phong quyết định in Gánh thành 2.000 cuốn sách để nhiều người được chia sẻ cảm xúc về những đôi quang gánh phong trần, quen thuộc.
Đường dài quang gánh Hình ảnh đôi quang gánh quá đỗi quen thuộc với mỗi người chúng ta, đa phần đều trưởng thành từ nông thôn ở một vùng quê nào đó trên dải đất hình chữ S. Đôi quang gánh còn được ví như hình ảnh nên thơ của Tổ quốc Việt Nam, với miền Trung như chiếc đòn gánh bền bỉ, chịu thương chịu khó. Đôi quang gánh từng được dùng như một “phương tiện vận tải” chủ lực, gợi nhớ xa hơn về thời các lưu dân gồng gánh vào Nam mở cõi... Cuộc sống hiện nay dù đã có nhiều đổi thay, những tiện nghi tân thời gần như có mặt trong hầu khắp các gia đình. Tuy nhiên, đôi quang gánh vẫn hiện diện trên vai người lao động một cách nhẫn nại ở khắp mọi miền Tổ quốc. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thế Phong đã dành hơn 10 năm ròng để làm nên bộ sưu tập về những đôi quang gánh trên vai người lao động. Gánh qua ống kính của Trần Thế Phong dường như xóa nhòa khái niệm thời gian. Bởi, từ sáng sớm đến đêm khuya, bất kể nắng mưa, lúc nào cũng thấy những đôi quang gánh xuất hiện cùng những con người làm việc không ngơi nghỉ. Có thể nói, thông qua hình ảnh đôi quang gánh, Trần Thế Phong muốn ghi nhận và tôn vinh những con người cần lao.
Những cảnh đời dưới chiếc đòn gánh Gánh tập hợp 120 ảnh được Thế Phong chụp trên khắp nẻo đường đất nước, nhưng nhiều nhất vẫn ở các địa phương có nhiều người lao động nhập cư, như: Hà Nội, TP.HCM hoặc những nơi có truyền thống “buôn gánh bán bưng”, như: Hội An, Huế. Hầu hết các nhân vật xuất hiện trong Gánh đều là người lao động kiếm sống bằng những giọt mồ hôi, gần như vô danh. Thế Phong cho biết, anh muốn thể hiện nét đẹp hữu hình của những quang gánh “vô danh” như vậy. Tuy nhiên, vẫn có những quang gánh có tên tuổi đàng hoàng. Chẳng hạn như hình chụp cụ Ngô Thiếu có hơn 60 năm mưu sinh bên gánh chè mè đen ở Hội An. Hoặc hình chụp cụ Nguyễn Đường, năm nay trên 80 tuổi, với hơn 35 năm gánh nước thuê tại Hội An. Dù tuổi cao như vậy, nhưng hằng ngày cụ Nguyễn Đường vẫn gánh từ 35 - 40 đôi nước phục vụ người dân phố cổ... Những ai từng sinh trưởng ở các làng quê, giờ đang sinh sống ở bất cứ nơi đâu, nếu thấy lại những quang gánh do Thế Phong thể hiện, hẳn không khỏi bùi ngùi thương nhớ về bóng dáng tần tảo của mẹ, cha hoặc người thân của mình. Hiện, rất nhiều đôi quang gánh như thế vẫn hằng ngày nuôi lớn những người con, cho con vào đại học... Gợi được ký ức của người xem, có thể coi như sự thành công của nghệ thuật nhiếp ảnh mà Gánh mang lại. Oằn đôi vai gầy Luôn trung thành khi chọn chủ đề gắn liền với cuộc đời của những con người kém may mắn hoặc phiêu bạt, tháng 5/2006, Thế Phong triển lãm Bão Chan Chu - Nỗi đau còn đó rất xúc động về hậu quả của trận siêu bão đổ vào miền Trung. Tháng 6/2008, anh triển lãm loạt ảnh Những nẻo đường tuổi thơ về cuộc đời của trẻ em lang thang kiếm sống. Tháng 9/2010, anh có triển lãm ảnh chân dung về nghệ sĩ đường phố Tạ Trí Hải - người lang thang khắp nơi để mang tiếng đàn vui tươi đến mọi người. Để có những triển lãm xúc động lòng người, Trần Thế Phong đã từng trải qua những hoàn cảnh khiến anh đồng cảm với những gì anh chụp. Trần Thế Phong tâm sự về cuộc đời của anh: “Mỗi người có một số phận. Ai cũng muốn có một gia đình đầm ấm, hạnh phúc, đầy tình thương yêu, không ai muốn bắt đầu cuộc đời mình là những đứa trẻ sống lang thang đường phố. Năm lên 6 tuổi, tôi đã tự mưu sinh bằng những đồng tiền kiếm được từ việc bán báo dạo, bán vé số, bán kem dạo. Cuộc đời tôi lớn lên như thế”. Về bộ ảnh Gánh này, anh cho biết: “Trên những nẻo đường tôi được đi qua ở ba miền đất nước, một trong những hình ảnh để lại ấn tượng mạnh trong tôi, đó là người phụ nữ tần tảo với đôi quang gánh oằn trên vai gầy. Hình ảnh ấy, với tôi là nét đặc trưng văn hóa của đất nước ta, là hình ảnh tiêu biểu cho phẩm tính người Việt Nam: nhẫn nại, tần tảo và đầy thương yêu, trách nhiệm. Mỗi lần tôi bấm máy ghi lại những hình ảnh đẹp ấy là mỗi lần cảm xúc dâng trào, tươi mới”. Có lẽ, đến một lúc nào đó cuộc sống no ấm hơn, đôi quang gánh không còn được dùng như một “phương tiện vận tải” nữa, thì với rất nhiều người Việt, “gánh” vẫn còn sống mãi như một ký ức không dễ xóa nhòa. Theo Hoàng Nhân (TT&VH) |