Văn nghệ trong nước
Không biến phố cổ thành bảo tàng
09:56 | 10/06/2011
Đó là kinh nghiệm mà các kiến trúc sư Italy chia sẻ với đồng nghiệp Việt Nam trong nỗ lực giúp Hà Nội bảo tồn khu phố cổ.
Không biến phố cổ thành bảo tàng
Cổng chính của khu phố cổ Genova
Tháng 10.2010, Hội kiến trúc sư (KTS) Việt Nam và Hiệp hội KTS Genova (Italy) đã ký biên bản ghi nhớ, nhằm tạo điều kiện cho việc trao đổi giữa các KTS hai nước, đồng thời cho phép xác định các dự án bảo tồn khu phố cổ Hà Nội. Cụ thể hóa thỏa thuận này, 2 kiến trúc sư của Italy là Trưởng ban quy hoạch TP Genova Mirco Grassi, và Trưởng ban văn hóa, Bộ Văn hóa và Phúc lợi Italy Giuliano Peirano, vừa có chuyến thăm Việt Nam, nghiên cứu hiện trạng kiến trúc phố cổ Hà Nội, tiến tới hỗ trợ khôi phục một số công trình tiêu biểu trong khu vực này. Theo Đại sứ Italy tại Việt Nam Lorenzo Angeloni, Italy tự hào về kiến trúc của mình, cả kiến trúc cổ và kiến trúc hiện đại, cũng như công nghệ phục chế di sản. Đại sứ quán Italy rất quan tâm triển khai các dự án hợp tác liên quan đến kiến trúc tại Việt Nam. Các kiến trúc sư Italy sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Hà Nội khôi phục một số công trình cổ có giá trị.

Genova là một trong những thành phố điển hình của châu Âu về trùng tu và bảo tồn phố cổ. Khu phố cổ Genova, xây dựng từ thế kỷ XI, đã được UNESCO đưa vào danh sách Di sản thế giới năm 2006. Genova và Hà Nội có mối quan hệ mật thiết về kiến trúc. KTS Giuliano Peirano tâm sự: khi thăm khu phố cổ Hà Nội, ông cảm thấy rất quen thuộc, bởi kiến trúc, hình khối, ánh sáng... nơi đây khiến ông liên tưởng đến Genova một thời. KTS Mirco Grassi thì cho biết, ông đã thu thập nhiều tài liệu về kiến trúc Hà Nội và nhận thấy có nhiều điểm tương đồng giữa kiến trúc của Genova và Hà Nội. Vì thế, trong thời gian tới, Genova có thể sẽ đưa các chuyên gia sang giúp Hà Nội khôi phục một số công trình tiêu biểu trong khu phố cổ, đồng thời có thể hỗ trợ cả về mặt tài chính cho hoạt động này.

                                           Bức tường cổ ở Genova

Theo nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm, 5 thách thức trong việc bảo tồn khu phố cổ Hà Nội hiện nay là: giãn dân, nghiên cứu lại quy hoạch, nhận diện các giá trị di sản, giải pháp và công nghệ trùng tu, và cách thức, cơ chế quản lý khu đặc biệt này. Về những vấn đề này, KTS Giuliano Peirano khẳng định, khôi phục, bảo tồn các công trình cổ không phải do lưu luyến quá khứ mà là muốn tạo ra gạch nối lịch sử - hiện tại - tương lai của thành phố. Bảo tồn các tòa nhà trong khu phố cổ không chỉ phải bảo đảm giá trị kiến trúc, lịch sử của các công trình mà còn phải tính đến các yêu cầu về mặt xã hội. Mật độ dân số của Genova không lớn như ở Hà Nội, nhưng quá trình trùng tu những ngôi nhà trong khu phố cổ được tính toán kỹ lưỡng để không ảnh hưởng đến đời sống của người dân đang sinh sống ở đó cũng như khi họ trở về sống trong các tòa nhà sau đó.

Kinh nghiệm của Genova là bảo tồn toàn bộ khu phố cổ, từ các công trình kiến trúc cho tới hạ tầng, quy hoạch giao thông (kể cả việc tạo điều kiện cho người khuyết tật đi lại dễ dàng), hệ thống điện nước trong các ngôi nhà (điều hòa tự nhiên)..., để sau khi hoàn thành, người dân có thể sinh sống ở đó bình thường, tránh trường hợp một số nơi sau khi trùng tu xong không có người ở, bởi các tòa nhà trở nên quá xa hoa, lộng lẫy, chỉ dành cho người giàu... “Bảo tồn không phải chỉ đối với một hay vài tòa nhà mà còn bao gồm cả các hoạt động của người dân, để sau khi trùng tu, khu phố cổ không bị biến thành bảo tàng. Việc làm ăn sinh sống, các sinh hoạt hàng ngày của người dân nếu không được quan tâm điều tiết sẽ làm mất đi những nét đẹp đặc trưng, giá trị của khu phố cổ”, KTS Mirco Grassi nhấn mạnh.

Theo Nguyên Anh (ĐBND)































Các bài mới
Các bài đã đăng