Trịnh Kim Chi: đổi từ Thị Kính sang Thị Mầu
Năm 2001, vở Giải oan Thị Mầu (KB: Lê Chí Trung, ĐD: Hồng Vân - Đức Hải), với khoảng 80 suất diễn. Hồi đó, Trịnh Kim Chi vào vai Thị Kính, với suy nghĩ: “Lần đầu tiên được nói tiếng Bắc, tôi rất thích thú. Vai Thị Kính đẹp từ tâm hồn đến vẻ ngoài, tôi muốn thể nghiệm sự sáng tạo trong cảnh Thị Kính nhận nuôi con của Thị Mầu”. Riêng vai nặng cân Thị Mầu thì giao cho cây hài Cát Phượng, chị đã làm cho khán giả vừa cười vừa khóc với từng lớp diễn. Cát Phượng như được đo ni đóng giày cho nhân vật này, vì kịch bản có những cách tân táo bạo, giống lối diễn của chị. “Lâu nay, khán giả thường nghĩ Thị Mầu là một cô gái lẳng lơ, trong kịch bản này, khán giả lại được chứng kiến một cô Mầu rất cuồng nhiệt, khao khát được sống và được yêu. Đó là tính cách lẳng lơ đáng yêu. Ấn tượng nhất là lớp Thị Mầu chạy đến cửa Phật tìm Thị Kính xin lại con, bất chấp cả lệ làng. Cô đã có những suy nghĩ mạnh mẽ, vượt qua sự hà khắc của luật lệ phong kiến”, Cát Phượng nói. Giờ đây, với vở Dốt... đui điếc câm, Hồng Vân một lần nữa thử sức mình với tuồng cổ này từ góc nhìn của con người hôm nay, vấn đề hôm nay. Khi đang phá đường dây để dựng, chị lại bận với việc ứng cử hội đồng nhân dân, rồi chuẩn bị đưa con gái Xí Ngầu sang Mỹ du học (vừa bay hôm 3/6), nên không đủ thời giờ để tập cho trọn vẹn. Thế là, danh hài Minh Nhí xuất hiện, không phải để “cứu bồ”, mà là chung tay làm cho vở tân kỳ, vui nhộn và thời sự hơn. Lần này, Trịnh Kim Chi đổi vai, từ Thị Kính chuyển sang Thị Mầu, đây là cơ hội để chị phô diễn chất thanh mảnh sẵn có với cái lả lơi, gợi tình của nhân vật. “Nếu lần trước tôi tập trung vào lớp nhận con nuôi để chịu tiếng oan của người đời, thì lần này tôi nghĩ nhiều đến lớp nhảy lam-ba-đa với Quách Cung Phong (vai Nô) trong phòng ngủ. Tại sao phải nghĩ nhiều, vì cảnh này có nhiều cử chỉ và ngôn ngữ hiện đại, nếu không tiết chế, rất dễ bị phô. Tuy vậy, sau 10 năm quay trở lại, được giao một vai hoàn toàn khác, tôi cảm thấy rất thú vị, nên sẽ cố gắng điều chỉnh cho thật ngọt sau 2-3 suất diễn” - Trịnh Kim Chi cho biết. Đầy phiêu lưu và khó khăn Vở chia làm 4 cảnh, có sự tham gia của Minh Nhí, Đức Thịnh, Huỳnh Đông, Xuân Trang, Hoàng Thy, Minh Dũng, Diệp Tiên, Thanh Duy, Tiến Thành, Minh Phương, Quách Cung Phong... “Nếu có 800 đoàn kịch thì sẽ có 800 ước muốn làm lại tích Quan âm Thị Kính theo cách của mình, nên chúng tôi buộc phải tìm kiếm một nét riêng, dù biết đây là việc đầy phiêu lưu và khó khăn. Phiêu lưu vì nếu làm quá hoặc không tới, khán giả sẽ chê mình xuyên tạc tuồng tích; còn khó khăn là vì đã có quá nhiều bản dựng rồi, tìm ra một cử chỉ, một mảng miếng mới không phải chuyện dễ. Cho nên, muốn biết vở này thế nào, phải đợi sau 3-4 suất diễn, xem phản ứng khán giả thế nào rồi mới nói được” - Minh Nhí hết sức hồi hộp và e dè khi nói về vở này. Cũng xin nói thêm, với hơn 30 năm làm Táo quân, kịch tác gia - đạo diễn Thế Ngữ đã tích cóp nhiều suy ngẫm cho vở này, có cả chuyện đả kích tham nhũng, quan lại ngu dốt, làm không khéo, dễ thất bại. Mới đây, trong live show của Bảo Quốc, trích đoạn của vở cũng được dàn dựng khá thành công, với sự tham gia của NSƯT Bảo Quốc, NSƯT Hồng Vân, Tấn Beo, Anh Vũ, Phước Sang, Tiểu Bảo Quốc... Tất cả điều này trở thành áp lực riêng với Minh Nhí, vì đồng đạo diễn Hồng Vân đang ở xứ người, không phải chứng kiến giờ công diễn, mà nói như dân trong nghề, lúc nào cũng khó thở vì hồi hộp. Theo Văn Bảy - TT&VH |