Thế nhưng, chính các nhà làm phim lịch sử Trung Quốc lại cho rằng, muốn giữ yếu tố thuần Việt cho phim thì đừng bao giờ nghĩ đến việc thuê trường quay ngoại.
Không có sẵn bối cảnh cung điện, đền đài thì đổi bối cảnh
Trước phim truyền hình Thái sư Trần Thủ Độ và Đường tới kinh thành Thăng Long, đoàn phim truyện nhựa Thái Tổ Lý Công Uẩn cũng dăm ba lượt kéo quân sang Trung Quốc khảo sát trường quay Hoành Điếm.Tiền tiêu cho những chuyến khảo sát này không ít.
Thời điểm đó, có nhiều cảnh báo bộ phim sẽ bị “lai Tàu” nếu sử dụng các bối cảnh có sẵn ở Hoành Điếm. Thế rồi, kế hoạch sản xuất bộ phim này bị tạm dừng vì nhiều lý do, trong đó có lý do về chất lượng kịch bản. Nhiều người bảo, đó là quyết định sáng suốt.
Và điều này đã được chính các nhà làm phim lịch sử Trung Quốc khẳng định qua các cuộc nói chuyện tại lớp bồi dưỡng làm phim lịch sử do Hội Điện ảnh VN tổ chức tại TP.HCM và Hà Nội mới đây.
Ông Lâm Bình Tây, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Điện ảnh Châu Giang nói: “Tôi rất ngạc nhiên khi các bạn lại đi quay ngoại cảnh những bộ phim đề tài 1000 năm Thăng Long ở Trung Quốc, vì dù chọn góc quay kiểu nào, cũng khó tránh việc đưa những nét đặc trưng của Trung Quốc vào khuôn hình.
Tương tự,việc thuê mượn trường quay Trung Quốc đồng nghĩa với di chuyển cả đoàn phim cồng kềnh sang một nước khác. Và để “gọn nhẹ”, dễ dẫn đến việc lấy luôn trang phục, đạo cụ tại đó cho vào cảnh quay. Cách làm này theo tôi là… lười, không chịu nghiên cứu sâu, vô tình lấy văn hóa Trung Quốc thay thế cho văn hóa Việt”.
Cũng theo ông Lâm Bình Tây, nếu VN không sẵn các bối cảnh cung điện, đền đài thì khi xây dựng kịch bản nên tránh những bối cảnh này, đổi đề tài với bối cảnh nông thôn dân dã với rừng tre, nhà lá. “Nếu nghiêm khắc, cẩn trọng trong từng khâu: kịch bản; tạo hình; diễn xuất… các bạn hoàn toàn tự tin có thể làm được những bộ phim cổ trang chất lượng mang bản sắc Việt”.
Có “diện tích” là có trường quay cổ trang?
Với kinh nghiệm làm nhiều phim lịch sử, cổ trang, đạo diễn - chỉ đạo mỹ thuật Trịnh Hoa cho biết, hiện nay công nghệ thiết kế bối cảnh bằng xốp chuyên dụng đang ngày càng được cải tiến. Chỉ cần có diện tích nhất định, bối cảnh cổ trang nào cũng có thể làm được, với độ bền, độ cứng đạt tiêu chuẩn”.
Trên thực tế, một số đoàn phim lịch sử, cổ trang của VN đã chọn giải pháp dựng bối cảnh bằng vật liệu điện ảnh chuyên dụng để giải bài toán “không có trường quay với bối cảnh sẵn có”. Đơn cử như bộ phim Thái sư Trần Thủ Độ, ngoài một số bối cảnh nội quay tại trường quay Hoành Điếm của Trung Quốc đã dựng cả một trường quay ngoại hoành tráng với tường thành, cổng thành, hàng chục ngôi nhà cổ tại trường quay Cổ Loa.
Bối cảnh này (cùng với các bối cảnh nhà ngục dựng trong trường quay nội) sau đó đã được đoàn phim Huyền sử Thiên đô tận dụng lại. Nói là vật liệu điện ảnh chuyên dụng nhưng tiền chi vào đấy cũng là… bạc tỉ. Vậy mà chỉ sau 1 năm gội mưa, phơi nắng, những bối cảnh ngoài trời đã xuống cấp, cong vênh, bong tróc, xiêu vẹo.
Với chất lượng hiện tại, chắc chắn số bối cảnh này sẽ hỏng nhanh. Có lẽ, cũng chẳng có đoàn phim nào sử dụng lại bối cảnh này, vì việc gia cố… có khi còn tốn hơn tiền làm mới. Hỏi, nếu không dùng, tại sao không phá bỏ, vì sự xuống cấp của bối cảnh có thể gây nguy hiểm cho người qua lại, ông Nguyễn Văn Nhiêm, Giám đốc Trường quay Cổ Loa nói: “Với các bối cảnh nội (nhà ngục), chúng tôi đã cho tháo dỡ để trong kho, lấy diện tích để cho các đoàn phim khác vào nếu có nhu cầu. Riêng bối cảnh ngoại, việc phá dỡ cũng mất thời gian, nên tạm thời chưa triển khai”.
Cũng theo ông Nhiêm, cho dù làm bằng xốp chuyên dụng với công nghệ hiện đại cỡ nào như vị đạo diễn Trung Quốc Trịnh Hoa nói thì độ bền cũng chỉ giới hạn trong một thời gian nhất định và kinh phí thực hiện loại bối cảnh “tình thế” này cũng rất tốn kém.
Bởi thế, các nhà làm phim VN đều mong muốn có một trường quay đủ rộng, được quy hoạch chuẩn mực và được đầu tư thích đáng để có những bối cảnh làm bằng chất liệu thật bền vững, có thể sử dụng cho nhiều phim và trong nhiều năm. Đó là mong ước chính đáng nhưng có lẽ vẫn phải chờ, vì nhiều lý do.
Và như vậy, để thoát khỏi cảnh đi thuê mượn trường quay nước ngoài vừa tốn tiền, vừa khó giữ được bản sắc Việt, giải pháp khả thi với phim lịch sử là chọn đề tài có bối cảnh nông thôn, ngoại cảnh rừng núi như gợi ý của ông Lâm Bình Tây.
Theo Quỳnh Anh - VH
|