Liên hoan phim được tổ chức từ ngày 6.6 – 14.6.2011 tại cả hai thành phố Hà Nội và TP.HCM, phái đoàn của bảy nước châu Âu bao gồm Bỉ, Thuỵ Sĩ, Đức, Ý, Pháp, Ba Lan, Đan Mạch đem tới bảy bộ phim thì đơn vị đồng tổ chức là hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương “phải” chọn ra bảy bộ phim tương ứng đề tài để trình chiếu. Và trong “kho” phim tài liệu Việt Nam đã có đủ các phim đề cập đến hiện thực tương đồng hoặc trái ngược.
Nhìn rộng ra, qua bốn kỳ liên hoan phim châu Á – Thái Bình Dương gần đây, những giải thưởng cao nhất về phim tài liệu đã thuộc về Việt Nam. Vậy nên không thể nói các nhà làm phim thiếu độ “nhạy” với thời cuộc. Tất nhiên, việc khai thác nội dung và dám nhảy vào những đề tài nóng bỏng còn là “đơn đặt hàng” dài mà cuộc sống với nhiều xáo trộn hôm nay gửi đến những người làm phim tài liệu. Dù vậy, có thể thấy một sự khác biệt rất rõ giữa phim Việt Nam và phim của các nước châu Âu qua liên hoan phim lần này, nhìn ở góc độ cách thể hiện, hình thức kể chuyện. Hầu hết các đạo diễn Việt Nam chọn cách làm phim tài liệu theo cách kinh điển, tức kể chuyện trên chất liệu (nhân vật, tình huống, sự kiện) có trong hiện thực, ví như phim Khoảng cách, Lời ru thì buồn, Kèn đồng, Điệu múa cổ… Trong khi đó, các nhà làm phim châu Âu lại ưa dùng hình thức “tài liệu – truyện”, tức phim tài liệu có cách thể hiện của phim truyện, dàn dựng lại toàn bộ câu chuyện để bộc lộ rõ ý đồ. Ví dụ, xem Cleveland chống lại phố Wall về vụ kiện 21 ngân hàng bán đấu giá bất động sản khiến thành phố Cleverland bị huỷ hoại có thể khiến người xem liên tưởng đến bộ phim triền miên lời thoại tranh giải Oscar 2011 – Social Network (Mạng xã hội). Những câu chuyện mưa được liên tưởng tới bộ phim giàu tính hiện thực về cô gái da đen Precious (tạm dịch: Mỗi cuộc đời đều đáng quý)… Hay như Đất lạnh của đạo diễn Nguyễn Thước là bức tranh hiện thực về nông thôn Việt Nam trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đổi mới đất nước, về những biến động sâu sắc trong cuộc sống của người nông dân Việt Nam. Không chỉ cận cảnh vào hiện thực theo cách tả thực mà các nhà làm phim tài liệu Việt Nam vẫn quen khai thác, một đạo diễn hay biên kịch phim của ngày hôm nay còn phải làm một việc có vẻ khó hơn là lý giải nguyên nhân, gợi mở hướng nhìn cho một tương lai tốt đẹp hơn. Theo Danh Anh - SGTT.VN |