Mặc dù đây mới chỉ là lần thứ nhất, song Liên hoan đã quy tụ được rất đông nghệ nhân, số lượng phường tham gia, chương trình phong phú, đầy đặn, tổ chức biểu diễn khá tốt và trên hết là, thu hút được rất đông khán giả. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên rối cạn và rối nước đã “gặp gỡ, giao duyên với nhau” tại một liên hoan, giúp cho công chúng và cơ quan chức năng liên quan có được cái nhìn toàn diện về bộ mặt phong phú của múa rối Việt Nam, đồng thời là minh chứng khẳng định rằng: Nghệ thuật múa rối dân gian Việt Nam tồn tại và đang phát triển...
Tuy nhiên, Liên hoan lần này cũng bộc lộ nhiều hạn chế như các trò của các phường tương đối giống nhau, chưa cho thấy rõ được màu sắc riêng, độc đáo và thế mạnh của từng phường. Nhiều phường diễn rối nhưng kịch bản nặng tính thuyết minh, tường thuật như bóng đá hoặc có phường diễn tốt nhưng con rối lại quá xấu, lộ “bếp núc” trong khi diễn làm cho người xem có cảm giác ăn một bữa tiệc, cơm thì ngon, nhưng thức ăn nấu lại quá dở hoặc ngược lại... Dù hạn chế là vậy, song điều đáng ghi nhận qua Liên hoan này là độ tuổi trung bình của các diễn viên của các phường rối đều còn rất trẻ, chứng tỏ rối dân gian luôn có lực lượng trẻ nhiệt tình kế tục... Kết quả: 3 Giải A - Giải chương trình xuất sắc được trao cho phường Thanh Hải (huyện Thanh Hà, Hải Dương), phường Bảo Hà và Nhân Hòa (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng). 6 giải A - Giải tiết mục xuất sắc được trao cho các tiết mục: Rước ảnh Bác Hồ (phường Bùi Thượng, Hải Dương); Trích Tuồng Sơn Hậu - trích đoạn chém Tá (phường Tế Tiêu, Hà Nội); Trò Thị Mầu lên chùa (phường Đông Các, Thái Bình); Múa hát văn (phường Nghĩa Trung, Nam Định); Rồng đốt lá đề, ngựa chiến trên dàn sóc (phường Thanh Hải, Hải Dương); Múa Tứ linh (phường Minh Tân, Hải Phòng). Và cuối cùng Giải tạo hình con rối xuất sắc đã được trao cho phường Nam Chấn (huyện Nam Trực, Nam Định) và Phường Đồng Ngư (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh). Theo Huy Thông - TT&VH |