Văn nghệ trong nước
Nhân vật nhà báo trên phim: Vì sao không giống... nhà báo?
14:47 | 20/06/2011
Đã có nhiều bộ phim (cả điện ảnh và truyền hình) đề cập đến nghề làm báo, người làm báo với nhiều góc độ khai thác khác nhau. Nhưng phần lớn đều bị chê là… “không giống nhà báo”. Thậm chí là“bóp méo hình ảnh nhà báo”, trong đó có cả những phim mà kịch bản được viết bởi chính những người đã từng công tác tại các tòa soạn. Các nhà làm phim khăng khăng: “Phản ánh đúng hiện thực”. Nhà báo khẳng định: “Không đúng”. Người xem lúng túng. Lỗi ở đâu?
Nhân vật nhà báo trên phim: Vì sao không giống... nhà báo?
Cảnh trong phim “Nghề báo”

Chết” là ở chỗ phản ánh cái không điển hình

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, tác giả kịch bản phim Con nhện xanh có nhân vật trung tâm là nhà báo – một trong số ít phim được đánh giá là làm về nhà báo hấp dẫn chia sẻ: “Một trong những lý do khiến nhân vật nhà báo trên phim bị báo giới phản ứng là vì người viết kịch bản không phải là người làm báo, không biết những công việc mà các nhà báo thường làm, phải làm.

Với những biên kịch từng làm báo, thì lại hiểu nhà báo theo cách mà họ đã biết, đã trở thành quá khứ. Nếu cứ hiểu làm báo là phải dấn thân, nghĩa là viết về gái điếm phải đóng giả làm gái điếm đi kiếm khách; viết về người quét rác phải thực tế với công việc quét rác… thì lạc hậu rồi. Nhà báo bây giờ đồng hành cùng cuộc sống, họ có nhiều cách để khai thác thông tin, nắm bắt thực tế theo những kênh khác nhau, thâm nhập thực tế nhưng không nhất thiết phải biến mình thành gái điếm, kẻ cướp, người bán rong… như cách mà một số bộ phim đã làm”.

Nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Thị Thu Huệ thì bảo: “Không phải ngẫu nhiên mà người ta liệt nghề báo vào một trong những nghề nguy hiểm! Bên cạnh “quyền lực thứtư” và những vinh quang cóđược là biết bao mồ hôi công sức, biết bao vất vả nhọc nhằn của người cầm bút để cho ra đời những tác phẩm báo chí giá trị. Tuy nhiên nghề báo cũng như các nghề khác trong xã hội, có người tốt, có người lợi dụng nghề để mưu lợi cho mình…

Phim ảnh là loại hình hướng tới số đông, vì thế khi xây dựng nhân vật đưa vào phim cần phải đưa cái điển hình, đưa cái mọi người đã biết, xã hội đã thừa nhận, khẳng định… Phim ảnh của ta khi đề cập đến nghề báo, nhà báo “chết” ở chỗ chọn cái không điển hình, cái tiểu tiết, ít người biết.

Đã thế, người viết lại non nớt, nhìn nhận phiến diện, nên cái “không điển hình” càng trở nên phi lý. Biên kịch viết sai nhưng người biên tập không biết để sửa. Đạo diễn biết là chưa chuẩn cũng không yêu cầu tác giả kịch bản sửa chữa, viết lại.

Cũng có nhiều trường hợp, đạo diễn cũng chẳng biết kịch bản viết như thế là sai hay đúng. Rồi đến diễn viên cũng không hiểu rõ về nghề báo, lại không giỏi diễn xuất, diễn hời hợt, chớt chát… khiến các nhà báo trên phim lúc ngô nghê, khi thì phản cảm với ứng xử kiểu “trên trời rơi xuống”.
Về điều này thì đạo diễn Phi Tiến Sơn- đạo diễn phim Nghề báo, trước phản ứng đa chiều của dư luận về bộ phim, cũng đã ngậm ngùi: “Làm phim về nghề báo rất khó vì không dễ nắm bắt và thể hiện đúng mạch các nhà báo”.

Nhà báo cũng có lỗi

Từng là “nạn nhân” của một số bài báo “phỏng vấn khống” (nhà báo tự soạn bài phỏng vấn thông qua việc cắt dán từ các nguồn khác nhau), đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình VN nói: “Bên cạnh những nhà báo làm nghề đúng đắn, có những tác phẩm báo chí giá trị mang lại hiệu quả hữu ích cho xã hội, cộng đồng, trong làng báo hiện tại cũng có những người chưa coi trọng đạo đức nghề báo.

Ca ngợi, tôn vinh cái tốt nhưng việc phê phán cái xấu, cái tiêu cực trong nghề báo cũng là trách nhiệm của các nhà làm phim. Chỉ có điều, vì nhiều lý do nên các phim làm về nghề báo, nhà báo làm chưa tới, chưa hấp dẫn, chưa khiến được khán giả tin rằng nhân vật ấy, hành vi ấy là có thật trong cuộc sống, đáng bị phê phán và loại bỏ…”.

Đồng quan điểm với đạo diễn Đỗ Thanh Hải, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã bức xúc: “Nếu chỉ đọc một số tờ báo điện tử với những bài lá cải như: khoe ngực khủng; người mẫu A khỏa thân; diễn viên B cướp chồng; vợ diễn viên nọ ăn mặc xoàng xĩnh... người đọc sẽ nghĩ nhà báo chẳng có việc gì làm ngoài việc soi mói, bêu rếu người khác.. Ăn khách ư? Viết những bài kiểu đó, các tác giả, các tòa soạn đã vô tình tự rẻ rúng chính mình. Đau ở chỗ, bài viết lá cải ngày càng nhiều, những vấn đề phản ánh tiêu cực cũng đề cập đậm đặc hơn những thông tin về việc tốt, người tốt… Rồi cách giật tít giật gân… tất cả đã tạo nên một không gian tối, làm che khuất những bài báo giá trị…

Bên cạnh đó, một số nhà báo với cách làm việc kiểu salon – ngồi nhà điện thoại hỏi vài câu… sau đó gán vào miệng người được hỏi cả đống chuyện do chính người viết tự bịa ra, đã khiến nhiều người có cái nhìn thiếu thiện cảm về nhà báo. Điều này cũng ảnh hưởng đáng kể đến các nhà làm phim khi đề cập về nghề này, nhân vật này. Bởi, rất nhiều nhà làm phim đã từng là “nạn nhân” của những kiểu làm việc tắc trách, hời hợt của một số nhà báo trẻ. Nói cho cùng thì các báo “lá cải”, những cách làm việc hời hợt thiếu trách nhiệm của một số nhà báo đã là một trong những tác nhân khá quan trọng của việc hình ảnh nhà báo bị “làm méo” trên phim”.

                                                                                                Theo Nguyệt Nhi - VH













Các bài mới
Các bài đã đăng