Văn nghệ trong nước
Tính nhà nghề cao trong Con mắt biên tập
09:29 | 22/06/2011
Lần đầu tiên tôi cầm trên tay cuốn The Editorial Eye là vào năm 1995, photocopy từ nguyên bản của nhà báo Trần Trọng Thức. Cuốn sách làm tôi ngỡ ngàng vì hoàn toàn khác với sở học mà mình thủ đắc ở nhà trường vào thời đó. Một tập giáo trình của hai bậc thầy dày dặn kinh nghiệm chắt lọc từ các toà soạn, hai nhà giáo đồng thời là nhà báo Karen Brown Dunlap, viện Poynter và Jane T. Harrigan, đại học bang New Hampshire (Mỹ).
Tính nhà nghề cao trong Con mắt biên tập





Con mắt biên tập - Tác giả: Jane T. Harrigan – Karen Brown Dunlap - Dịch giả: nhà báo Trần Đức Tài - Khổ: 16 x 24cm; 392 trang, Giá bìa: 150.000đ, Do công ty Sài Gòn Truyền Thông (Saigon Media) phối hợp NXB Tổng Hợp ấn hành. Ảnh:
Cuốn sách được chia làm ba phần: biên tập bản thảo, biên tập nội dung và biên tập mặt trang. So với lần xuất bản đầu tiên năm 1993, thì lần tái bản mới nhất, năm 2003, có bổ sung phần biên tập mặt trang và các hướng dẫn biên tập các phương tiện truyền thông điện tử.

Bản tái bản được nhà báo Trần Đức Tài, báo Sài Gòn Tiếp Thị dịch ra tiếng Việt với sự tài trợ của phòng Thông tin văn hoá tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM, công ty Saigon Media và NXB TP.HCM xuất bản tháng 6.2011. Những đoạn đặc thù với báo chí Mỹ được dịch giả lược bỏ, như phần biên tập ngữ pháp, những quy định liên quan đến luật báo chí Mỹ, v.v.

Chúng ta có thể đánh giá sự dày dặn kinh nghiệm của các tác giả qua việc miêu tả lại một thứ ngôn ngữ đặc thù giữa biên tập viên và phóng viên, vốn là những sinh vật rất đặc biệt. Như đoạn hướng dẫn cho phóng viên và biên tập viên mới vào nghề sau đây:

Khi biên tập viên nói: Này, ý tưởng hay thật đấy, trúng phóc mục tiêu là ngụ ý: nếu anh may mắn thì câu chuyện này rốt cuộc cũng na ná như những gì anh đã viết.

Khi phóng viên trả lời: Bài hơi dài một chút, là ngụ ý: tin hàng ngày 40 dòng đã biến thành một con quái vật 150 dòng. Tôi biết là quá dài nhưng tôi chán ngấy rồi, nên tôi tống khứ hết cho anh. Tôi đi ra ngoài đây.
Khi biên tập viên nói: Chúng ta chỉ mới xong chút ít chỉnh sửa ở đoạn dẫn nhập, là ngụ ý: bây giờ đoạn dẫn nhập này mà nhảy ra cắn anh thì anh cũng không nhận ra nó đâu.

Khi biên tập viên hỏi: Thế còn đề tài ngày mai tới đâu rồi? Phóng viên đáp: Khá tốt, nhưng vẫn còn vài người tôi chưa tiếp xúc được, là ngụ ý: tôi có một danh sách những người cần gọi điện, nhưng tôi đã đọc email và lướt net cả một ngày rưỡi rồi, và nếu anh vẫn còn ý định mở đầu trang mục này ngày mai bằng bài của tôi thì chúng ta gặp rắc rối to rồi đấy.

Khi biên tập viên nói: Cả bài chỉ thay đổi vài từ ngữ, là ngụ ý: mọi thứ văn chương và hình tượng sáng tạo của anh đã được gò thành ngôn ngữ thời sự của các vấn đề chính quyền, nhưng ít ra nó lại hợp lý.

Khi biên tập viên nói: Bạn đi đúng hướng, nhưng… là ngụ ý: bài dở ẹc, chúng tôi có thể cứu vớt nó nhưng nếu thế thì phải nắm tay dắt anh đi lại từ đầu.

Khi phóng viên nói: Tôi biết bài viết hơi dài và tôi thật sự muốn anh giúp tôi xác định xem nên cắt bỏ chỗ nào, là ngụ ý: từng từ trong bài đều là văn chương bất hủ, và nếu ông nghĩ tới chuyện cắt bỏ một từ thôi thì ông đúng là kém cỏi hơn tôi tưởng.

Đặc biệt ở phần thứ ba – biên tập mặt trang, là khái niệm khá mới đối với nhà trường báo chí Việt Nam, vì nó đòi hỏi biên tập viên phải am hiểu cả kỹ thuật dàn trang, tư duy mặt trang và ngoài tư duy nội dung còn phải tư duy hình ảnh. Rồi biên tập ảnh.

Ngoài ra, do báo chí ngày nay đã chuyển một bước sang xu hướng truyền thông hội tụ, biên tập viên mới vào nghề cũng được cuốn sách trang bị các kỹ năng tường thuật bằng nhiều phương tiện, từ viết, hình ảnh cho đến âm thanh hiện trường, tạo thành một ấn phẩm hội tụ cho báo viết, truyền hình, trực tuyến, báo nói, v.v.

Tác giả cuốn sách – Karen Brown Dunlap là trưởng khoa và chủ tịch chỉ định tại viện Poynter ở St. Petersburg, bang Florida. Bà còn là một thành viên trong ban giám đốc công ty Times Publishing. Là một giáo sư kinh nghiệm về nghề báo, bà giảng dạy tại các seminar khắp nước Mỹ cũng như tại đại học bang Tennessee ở Nashville và đại học Nam Florida. Bà là đồng tác giả cuốn Biên tập viên hiệu quả và đã biên tập loạt sách Những bài báo hay nhất.

Dunlap từng là phóng viên cho tờ Macon News, Nashville Banner và St. Petersburg Times, đã hai lần ngồi trong ban giám khảo giải báo chí danh giá Pulitzer của Mỹ. Bà tốt nghiệp đại học bang Michigan và bang Tennessee, nhận bằng tiến sĩ truyền thông đại chúng của đại học bang Tennessee. Jane T. Harrigan là giáo sư ngành báo chí tại đại học bang New Hamshire và là nhà tư vấn cho nhiều ấn bản khác nhau.

                                                                                          Theo Khởi Thức - SGTT.VN













Các bài mới
Các bài đã đăng