Được mời tham dự một Liên hoan phim quốc tế hoặc khu vực một năm đôi lần hoặc có mặt trong hoạt động giao lưu văn hóa cấp nhà nước nào đó. Thảng hoặc có bộ phim được đối tác nước ngoài mua với giá khá "bèo" đã lấy làm vui mừng lắm... Xuất khẩu phim Việt và phim Việt được chiếu ở nước ngoài là hai việc khác nhau, tuy nhiên cả hai hình thức này của phim Việt đều đang ở dạng quá yếu kém.
Phim truyện nhựa: Hi vọng mong manh
Điện ảnh Việt Nam từng có được một số vinh dự: Phim "Bao giờ cho đến tháng mười" của đạo diễn gạo cội Đặng Nhật Minh lọt vào tốp "18 phim Châu Á hay nhất mọi thời đại"; phim "Cánh đồng hoang", "Bao giờ cho đến tháng Mười", "Chị Tư Hậu", "Vĩ tuyến 17 Ngày và đêm"… từng được chiếu ở nhiều nước trong khối XHCN xưa kia. Thế nhưng, có một thực tế là bao năm qua, thế giới và khu vực biết đến điện ảnh Việt Nam vẫn chủ yếu bằng con đường giao lưu văn hóa qua các bộ phim về chiến tranh được gọi là "kinh điển" của điện ảnh nước nhà như đã nhắc ở trên. Và gần đây là một số bộ phim hợp tác sản xuất với nước ngoài, trong đó đối tác nước ngoài hỗ trợ về kỹ thuật hoặc làm công tác phát hành như "Mê Thảo - thời vang bóng", "Mùa len trâu", "Vũ khúc con cò", "Chuyện của Pao", "Dòng máu anh hùng"…
Nhưng phải nói ngay rằng, những hãng phát hành đó chỉ là những hãng phát hành nhỏ ở các nước và các bộ phim Việt chủ yếu được chiếu ở một số rạp mang tính… địa phương, tỉnh lẻ của một số nước, chứ hiếm khi (nếu không muốn nói là chưa thể) chen chân vào được các rạp lớn nằm ở thủ đô các nước. Một thực tế không thể phủ nhận là nền điện ảnh Việt Nam chưa bao giờ lọt vào "mắt xanh" của các hãng phát hành phim lớn trên thế giới. Trong khi đó, sự trỗi dậy của điện ảnh Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Iran… những nước, vùng lãnh thổ có thị trường trong nước nhỏ bé hơn nhiều so với nước ta nhưng luôn có sức hút mạnh mẽ với các "đại gia" phát hành. Phim của họ được chiếu ở khắp nơi trên thế giới, đem về nguồn ngoại tệ khổng lồ.
Trước đây, việc bộ phim "Dòng máu anh hùng" của hãng phim Chánh Phương (hợp tác với một hãng phim tư nhân của Mỹ) được nhà phát hành danh tiếng Weisteins.Co mua bản quyền phát hành độc quyền ở nước ngoài đã khiến nhiều nhà sản xuất hy vọng về một tương lai điện ảnh Việt Nam có "hàng" xuất khẩu đi nước ngoài. Nhưng xem ra, sự lạc quan, niềm hy vọng đó rất đỗi mong manh trong bối cảnh thực tế hiện nay.
Mấy năm trước khi đoạt giải "Cánh diều Bạc" của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2008, bộ phim "Trăng nơi đáy giếng" đã tham gia Liên hoan phim quốc tế tổ chức tại Đubai và đem về cho diễn viên Hồng Ánh giải thưởng "Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất". Tại Liên hoan này, đoàn làm phim "Trăng nơi đáy giếng" có dịp giao lưu với các bạn nghề trên thế giới (cụ thể là các nước Á - Phi rất gần chúng ta). Đạo diễn Vinh Sơn rất lấy làm buồn vì người nước ngoài hầu như không biết gì về nền điện ảnh Việt Nam ngoài cụm từ "chiến tranh".
Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, trong khi điện ảnh các nước đang làm "phim nghệ thuật" với những thông điệp thời đại mang tính toàn cầu hoặc đơn thuần chỉ là giải trí - thương mại, nhưng vẫn giữ được các nét văn hóa truyền thống tiêu biểu; thì điện ảnh Việt Nam lại ngược lại theo kiểu: để đảm bảo yếu tố văn hóa truyền thống nên những câu chuyện của phim thường mang tính quá "nội bộ", "vùng miền"… khiến khán giả không phải người Việt cực kỳ khó tiếp cận. Ví dụ điển hình: "Trăng nơi đáy giếng" là bộ phim đoạt được một số giải thưởng cao, nhưng lại bị chính người Việt chê là một bộ phim… "rất Huế" thì nói gì đến việc vươn ra với quốc tế.
Phim truyền hình: thiếu tính quốc tế
Đạo diễn Vũ Hồng Sơn có lẽ là vị đạo diễn phim truyền hình khá hiếm hoi đã 2 lần nhận được giải thưởng "Cánh diều vàng" cho hạng mục phim truyền hình dài tập với "Chạy án 1", "Chạy án 2" - là hai bộ phim từng khiến khán giả truyền hình Việt rất yêu thích. Khi đem bộ phim "Chạy án 1" đi dự Liên hoan phim truyền hình quốc tế Tokyo năm 2008, phim của anh đã nhận được "Giải thưởng đặc biệt" của Ban giám khảo.
Theo đạo diễn Vũ Hồng Sơn: "Phim được đánh giá cao vì đã tập trung khai thác đề tài chống tham nhũng một cách hiệu quả, song về chất lượng hình ảnh, âm thanh đều bị đánh giá là quá thấp: phim vẫn được quay chủ yếu bằng máy Betacam lạc hậu, trong khi hầu hết các nước đã chuyển sang dùng hệ thống HD cho độ nét cao, hình ảnh đẹp, âm thanh chuẩn...". Bởi vậy, dù nội dung phim được đánh giá là rất tốt nhưng do công nghệ sản xuất không tương thích là lý do… rất chính đáng để các đài truyền hình nước bạn từ chối chiếu "Chạy án 1, 2" trên sóng truyền hình của họ. Mặc dù nhiều khi phim chỉ mong phía bạn chiếu trên sóng nhằm mục đích "giao lưu", "hợp tác" là chính, chứ chưa nói gì đến chuyện bán - mua, đối tác phải bỏ ra đồng tiền bát gạo. Đấy là chưa kể, hầu hết phim truyền hình của các nước trên thế giới đều đòi hỏi có "đường tiếng quốc tế", tức là có "đường hình" và "đường tiếng" riêng để thuận tiện trong việc tách tiếng bản địa và lồng tiếng nước họ vào khi đưa phát sóng. Điều này đối với phim truyền hình Việt là hầu như chưa đáp ứng được, chỉ mới có một số lượng nhỏ phim truyền hình được sản xuất theo cách này. Vì vậy, nước ta là nước nghèo nhưng lại "sài sang"… nhất thế giới trong khâu sản xuất và tiêu thụ phim truyền hình: phim chủ yếu được làm bằng kinh phí nhà nước, chiếu vài lần trên VTV, cùng lắm là được một vài địa phương mua lại với giá rất rẻ rồi sau đó cất vào kho chứ hiếm có trường hợp được làm thành băng đĩa bán trên thị trường hoặc nghĩ tới việc nhắm tới thị trường ngoài nước như cách làm phim truyền hình hiện đại của hầu hết các nước trên thế giới. Đài Truyền hình Việt Nam có hẳn một "Trung tâm khai thác phim truyền hình", chuyên "đối ngoại" để mang phim truyền hình nước ngoài về chiếu trên sóng VTV chứ hiếm khi đưa được các bộ phim truyền hình Việt Nam ra nước ngoài trình chiếu theo kiểu "trao đổi", "giao lưu". Đây quả là một điều đáng tiếc.
Trong một lần trò chuyện với đạo diễn Nguyễn Hữu Phần (đạo diễn của các phim truyền hình dài tập "Đất và người", "Ma làng", "Gió làng Kình"…) khi ông vừa đi dự Hội thảo các nhà biên kịch Châu Á tổ chức tại Nhật Bản trở về, chúng tôi nhận thấy ông không được vui khi nói về tình trạng "tự cung tự cấp" của phim Việt nói chung và phim truyền hình nói riêng, trong đó có cả những bộ phim do chính ông… làm đạo diễn. Ông bảo: "Phim của ta rất thiếu tính quốc tế. Dường như hầu hết các bộ phim chúng ta đã làm là chỉ để cho người Việt xem thôi, người nước ngoài xem họ không hiểu. Tôi có mang giới thiệu phim "Ma làng", họ bảo họ không hiểu được phim đang nói gì. Tôi bèn giới thiệu một tập phim "Em còn nhớ hay em đã quên", vậy mà họ vẫn chê là… khó hiểu quá".
Điều đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nói xem ra có lý. Quả thực những vấn đề như "đổi mới", "khoán 10", "bao cấp"… mặc dù được đánh giá là khá thành công qua các bộ phim "Ngõ lỗ thủng" của đạo diễn Quốc Trọng, "Bí thư tỉnh ủy" của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần…, song lại là những khái niệm rất xa lạ với khán giả truyền hình nước ngoài. Ngược lại, những phim truyền hình Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan…, vẫn những câu chuyện về gia đình, dòng họ, tình yêu, hôn nhân, thương trường, sự tha hóa của con người và cả những bộ phim cổ trang lịch sử của riêng từng nước, ấy vậy mà vẫn được các nước trong khu vực và trên thế giới đón nhận nồng nhiệt. Thậm chí chúng còn tạo nên các "cơn sốt" trên nhiều châu lục như các phim dài tập: "Bản tình ca mùa đông", "Nàng Đê Chang-Kưm", "Giày thủy tinh", "Truyền thuyết Du-Mông", "Ngôi nhà hạnh phúc"... của Hàn Quốc; các bộ phim Trung Quốc như "Hoàn Châu cách cách", "Tể tướng Lưu gù", "Mặt trời lặn sau Tử cấm thành", "Quan chức nhà nước", "Giám đốc Sở công an"… hay một số bộ phim dài tập của các nước Mỹ Latinh đều trở thành những bộ phim đắt khách. Có nhiều bộ phim sau đó còn được mua bản quyền để sản xuất trong nước. Nó cho thấy sức lan tỏa mãnh liệt cũng như những ưu thế đặc biệt của phim truyền hình mà tiếc thay, điều này lại rất hiếm khi xảy ra với phim truyền hình Việt Nam
Theo Nguyệt Hà - CAND.com.vn
|