Văn nghệ trong nước
Tiếng nước tôi: Ngôn ngữ “lệch” và khoảng cách thế hệ
08:14 | 24/10/2011
Sau bài báo "Thành ngữ cải biên: sành điệu gặp khó chịu" (Tuổi Trẻ 22-10), chúng tôi nhận được nhiều ý kiến trái chiều xung quanh các thành ngữ tân thời.
Tiếng nước tôi: Ngôn ngữ “lệch” và khoảng cách thế hệ
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Trong số đó, dưới góc độ xem xét một hiện tượng ngôn ngữ, các nhà ngôn ngữ học đã đề xuất những hướng tiếp cận và cách ứng xử sao cho có lợi nhất đối với tiếng Việt.

PGS.TS ngôn ngữ học Hoàng Dũng:

Giới trẻ "sung sướng" với thành ngữ tân thời


Tôi đang hướng dẫn một luận văn thạc sĩ về ngôn ngữ chat. Học viên cho rằng cần phải có một giải pháp để giúp giới trẻ tránh những cách nói quá kỳ dị, phản cảm. Như thế là học viên đang đứng ở góc độ đạo đức.

Thật ra trên thế giới chẳng có ai giải quyết được "vấn đề" này cả, thậm chí giới chuyên gia phần lớn không nghĩ đến việc phải giải quyết "vấn đề" này. Ðó là thứ ngôn ngữ giới trẻ trò chuyện riêng với nhau. Chỉ khi nào người sử dụng không ý thức ranh giới này, đưa ngôn ngữ chat vào cả những lĩnh vực khác, tình huống khác thì mới sinh chuyện. Chẳng hạn dùng ngôn ngữ chat để làm đơn xin việc thì không được, và tôi từng gặp trường hợp học sinh do quen tay đã dùng ngôn ngữ chat vào bài thi.

Một số người phản đối những cuốn sách như Sát thủ đầu mưng mủ chủ yếu vì họ cho những "thành ngữ mới" trong cuốn sách này là "lếu láo". Cái "lếu láo" đầu tiên là rất nhiều thành ngữ này nghe chẳng có nghiêm chỉnh tí gì: "Ðau khổ như con hổ" chẳng hạn, vì sao là hổ? "Gào thét trong toa lét" thì nghĩa lý gì? Hơn nữa, lại có những câu dường như lệch cả về đạo đức: nói "Một con ngựa đau cả tàu được ăn thêm cỏ" thì có phải là cổ xúy cho lối sống mặc kệ đồng loại hay không?

Thật ra cái đi "lệch", "không nghiêm chỉnh" đó lại là đặc trưng của loại thành ngữ này. Ða số thành ngữ loại này được sản sinh từ cách chơi chữ về âm ("Ngất trên cành quất"), về nghĩa ("Phi công trẻ lái máy bay bà già" - máy bay bà già vốn là tên dân dã chỉ một loại máy bay cổ lỗ, từ lâu đã không còn sử dụng), hay cả âm lẫn nghĩa ("Môi hở răng hô").

Giới trẻ có cách ăn nói tếu táo của họ, sao lại bắt họ phải nghiêm chỉnh mới cho là hay? Còn chuyện lệch về đạo đức thì không đến nỗi như thế: nếu dùng "Một con ngựa đau cả tàu được ăn thêm cỏ" để mỉa mai thì hay quá đi chứ!

Trong kho tàng thành ngữ Việt Nam vốn cũng có rất nhiều câu như thế. Này nhé, nếu lấy câu "Một giọt máu đào hơn ao nước lã" làm chuẩn mực cho đạo đức dân tộc hay giá trị truyền thống... thì sẽ nói thế nào với câu "Bán anh em xa mua láng giềng gần"?

Hai câu này vẫn sống hòa bình bên cạnh nhau trong kho tàng lời ăn tiếng nói của dân tộc ta đấy thôi. Có những trường hợp dùng câu "Bán anh em xa mua láng giềng gần" sẽ rất đắt, và cũng vậy trong một tình huống khác, câu "Một giọt máu đào hơn ao nước lã" lại phát huy tác dụng.

Giới trẻ muốn khẳng định mình và ở đây là khẳng định bằng ngôn ngữ của riêng họ. Nếu một nhóm trẻ nói với nhau mà cha mẹ không hiểu là chúng sung sướng rồi: ngôn ngữ vạch ra một lằn ranh giữa "giới trẻ" và "giới già". Ðấy là một biểu hiện của cái mà giới chuyên môn gọi là khoảng cách thế hệ.

Sát thủ đầu mưng mủ đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận giới trẻ. Họ thấy thú vị: thứ ngôn ngữ của riêng họ mà lại có người quan tâm, làm cả một cuốn sách!

GS.TS ngôn ngữ học Phạm Ðức Dương:

Cái mới luôn có những lố lăng


Lúc giáo sư Hoàng Phê còn sống, tôi từng có trao đổi với ông rằng ngôn ngữ luôn phát triển và mỗi thế hệ, mỗi vùng miền đều có sự đóng góp, ta nên sưu tầm các ngôn ngữ ấy để đưa vào khi biên soạn từ điển, để người ta hình dung sự phát triển của ngôn ngữ cũng như những ứng xử với các ngôn ngữ.

Gần đây tôi thấy ngôn ngữ truyền thông đại chúng của Việt Nam đặc biệt phát triển. Tôi nghĩ cần có những người sưu tầm giới thiệu những từ ngữ mới. Ngôn ngữ ta có rất nhiều thành ngữ, cấu tạo vừa có vần vừa có ý, thường là những ý ẩn dụ, hàm súc và phong phú. Việc sưu tập lại các thành ngữ mà hiện nay giới trẻ đang sử dụng trong ngôn ngữ đời sống hằng ngày của họ, như tập sách Sát thủ đầu mưng mủ là rất đáng cổ vũ.

Ở đây, các bạn dùng hình thức khá hiện đại là vẽ tranh để phác họa nên ý tưởng, ý nghĩa cho mỗi câu. Và họa sĩ - tác giả cũng cảm nhận được ý nghĩa của câu thành ngữ, tục ngữ ấy. Như câu "Ăn trong nồi, ngồi trong xó" chẳng hạn, đây là biến đổi từ câu vốn có "Ăn trông nồi, ngồi trông hướng", tác giả vẽ cậu bé ăn trong một cái nồi và ngồi trong góc nhà, vậy thì nó hướng tới sự phê phán thái độ không biết ứng xử: ăn trong nồi chả cần bát đĩa gì, ngồi trong xó chả cần vị trí đàng hoàng gì. Bức tranh như vậy là thể hiện được ý nghĩa của câu nói ấy.

Nhưng diễn tả bằng ngôn ngữ hội họa lại có một cái khó cho người đọc khi muốn hiểu ý nghĩa thực của thành ngữ mới. Ví dụ câu "Ảo tung chảo", tôi nghĩ đó là cách nói về cái ảo, nhưng lại vẽ cảnh tung chảo như vậy thì người ta chưa hiểu được nghĩa đích thực của câu này. Ngôn ngữ bên cạnh tính ẩn dụ còn có quy luật logic và cần diễn đạt rõ nghĩa.

Ðương nhiên, trong lời ăn tiếng nói của thanh niên thì luôn có cái mới. Mà cái mới bao giờ cũng có những lố lăng của nó, không có cái mới nào hoàn chỉnh ngay cả. Khi được nhiều người đồng tình thì ngôn ngữ ấy sẽ sống và được bảo lưu. Theo tôi, vấn đề ấy chả có gì đáng ngại cả.


Phong phú hay hỗn tạp?

Các đặc điểm về tư duy và ngôn ngữ dân tộc đã tạo nên những chuyện khôi hài, tiếu lâm và những tranh châm biếm đặc sắc trong văn học nghệ thuật Việt Nam. Cuốn Sát thủ đầu mưng mủ của Thành Phong mới xuất bản cũng là một tác phẩm hài dựa trên đặc điểm tư duy và ngôn ngữ ấy. Đây là một tác phẩm độc đáo, vì trong đó lần đầu tiên những ngôn từ được chế biến theo kiểu tếu táo dân dã được đưa vào sách với tên gọi “thành ngữ cải biên”, “thành ngữ của giới trẻ đương đại” hoặc “thành ngữ sành điệu”.

Hơn nữa, đây cũng là lần đầu tiên thể loại tranh hí họa được dùng để minh họa các thành ngữ như vậy, khiến tác phẩm trở thành “thành ngữ sành điệu bằng tranh”, một thể loại trước đây chưa từng có. Sự mới lạ của ngôn từ gắn liền với những tranh hí họa có thủ pháp gây cười tinh tế đã chinh phục được một bộ phận công chúng khá đông đảo.

Trong tác phẩm này, “thành ngữ sành điệu bằng tranh” là một thuật ngữ mang tính hài hước. Nhưng khi đã gọi là thành ngữ thì độc giả đòi hỏi phải mang tính nghiêm túc và ổn định của những thành ngữ đích thực. Có lẽ đó là một mâu thuẫn mà tác giả chưa giải quyết được.

Hơn thế nữa, cách chế biến “thành ngữ sành điệu” khiến những người yêu quý tiếng Việt không yên tâm. Nói lái, chơi chữ, đảo nghịch ý nghĩa của những thành ngữ nghiêm túc để tạo ra những thành ngữ hài hước là các cách thức không làm cho tiếng Việt thêm phong phú, mà dường như lại làm cho nó thêm hỗn tạp.


                                                                            Theo Lam Điền & Quốc Lê - TT

















Các bài mới
Các bài đã đăng