Văn nghệ trong nước
Mỏi mòn chờ danh hiệu Nghệ nhân dân gian cấp Nhà nước
08:48 | 26/10/2011
Hầu hết những người nắm giữ toàn bộ kỹ năng và vốn liếng di sản văn hóa dân gian đều đã ở tuổi “gần đất xa trời”. Trong khi đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn đang chờ ý kiến phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Thông tư quy định xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú.
Mỏi mòn chờ danh hiệu Nghệ nhân dân gian cấp Nhà nước
Những nghệ nhân vừa nhận bằng chứng nhận danh hiệu của Hội Văn nghệ dân gian.

Tuổi không thể đợi danh

Thông tin mới và cũng xót xa nhất: cụ bà Nguyễn Thị Kim, 89 tuổi, ca nương cuối cùng của dòng họ hát ca trù Nguyễn Thế ở Nông Cống, Thanh Hoá vừa được Hội Văn nghệ dân gian trao bằng chứng nhận danh hiệu nghệ nhân tuần trước, trong khi bà đã lặng lẽ mất tự khi nào.

Bà là một trong ba giọng hát được Viện Âm nhạc ghi âm gửi sang Pháp phân tích nghiên cứu khi chuẩn bị làm hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận ca trù là Di sản nhân loại. Đi hát từ năm 12 tuổi, bà là người duy nhất của thế hệ ca nương thời trước ở Thanh Hoá còn nhớ nằm lòng hàng chục làn điệu và thể cách của ca trù.

Trong số 11 người đàn hát ca trù được Hội Văn nghệ dân gian trao bằng chứng nhận Nghệ nhân dân gian tại lễ bế mạc Liên hoan ca trù toàn quốc tối 16-10 vừa qua, có chín nghệ nhân già được tôn vinh, chỉ năm người đủ sức đến được tận nơi để nhận. Các cụ ông, cụ bà lẩy bẩy lên sân khấu phải có người dìu, tay run lập cập không đỡ nổi tấm bằng chứng nhận và bó hoa mà đại diện Ban tổ chức trao. Tuy vậy, đối với họ đó là niềm vui, niềm tự hào mà họ chờ đợi cả đời.

Cụ Nguyễn Thị Sinh, 90 tuổi, mặc dù mấy ngày theo Liên hoan về bị sốt nằm không dậy được, nhưng khi hỏi về tấm bằng chứng nhận, cụ vẫn cười móm mém: “Cả đời chưa được ai công nhận gì cả, bây giờ có tấm bằng này, vui lắm, nhắm mắt cũng được rồi”.

Cụ Sinh, cùng với các cụ Đỗ Thị Khuê (Mễ Trì), Đỗ Thị Sông (ca trù Lỗ Khê) và cụ Vũ Văn Hồng (Mỹ Đình) còn may mắn bởi được nghệ sĩ Bạch Vân đến tận nhà đón lên nhận tấm bằng, và ít nhất họ còn chút sức khoẻ để đi.

Trong danh sách phong tặng lần này, cụ bà Đỗ Thị Dị, sinh năm 1912, chẳng nói ra thì ai cũng biết ở tuổi ấy không thể từ Lập Thạch, Vĩnh Phúc xuống Hà Nội được nữa. Có tên trong danh sách phong tặng các nghệ nhân ca trù lần này, hầu hết là những cụ bà ở tuổi “gần đất xa trời” như thế: cụ Phan Thị Duyệt (91 tuổi- Vĩnh Phúc), Nguyễn Thị Thiệp (83 tuổi-Bắc Ninh), Đặng Thị Thục (86 tuổi-Vĩnh Phúc). Mấy năm trước các cụ còn hát được chứ bây giờ thì sức khoẻ yếu không còn đi đâu được nữa.

Các cụ già phải có người dìu khi đi nhận
bằng chứng nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian.

Tên của cụ Kim vẫn được xướng lên trên sân khấu và chẳng ai nói rằng, cụ đã không còn nữa, bằng chứng nhận này là... truy tặng.

Không cứ nghệ nhân là phải... già

Ở lần trao bằng chứng nhận “đột xuất " riêng đối với ca trù này của Hội Văn nghệ dân gian, có hai nghệ nhân trẻ tuổi, đó là chị Dương Thị Xanh (sinh năm 1975) và chị Đặng Thuỳ Vân (sinh năm 1970) ở Cổ Đạm, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. GS.TSKH Tô Ngọc Thanh cho biết: “Cứ có hồ sơ địa phương gửi lên mà xem xét thấy đủ tiêu chí là chúng tôi công nhận. Các nghệ nhân bây giờ phần lớn đều đã quá già, không thể ngồi đợi hàng năm nữa. Chúng tôi cũng không đợi các nghệ nhân lớn tuổi mới công nhận. Như hai nghệ nhân ca trù Cổ Đạm vừa rồi, mặc dù tuổi còn trẻ, nhưng có hồ sơ và xét thấy đủ tiêu chí là công nhận, không phải cứ nghệ nhân là phải chờ đến già”.

Danh hiệu nghệ nhân dân gian trao cho những người nắm giữ, trình diễn và truyền dạy di sản văn hóa truyền thống không phải là việc bây giờ mới đặt ra. Từ năm 2002, Hội Văn nghệ Dân gian đã bắt đầu tiến hành phong tặng, và cho đến nay, đã có hơn 200 người được công nhận là Nghệ nhân dân gian. Trong số đó, hơn 100 nghệ nhân đã được tập hợp đầy đủ sơ cá nhân in trong hai tập sách bằng hai thứ tiếng Việt – Anh và gửi đến UNESCO.

GS.TSKH Tô Ngọc Thanh cũng cho biết, Hội đã khảo sát, thống kê đầy đủ các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của 46 dân tộc trên cả nước, trong đó có phần tên tuổi nghệ nhân nắm giữ vốn liếng và kỹ năng trình diễn, truyền dạy. Mặc dù chưa thể có kinh phí để thống kê đầy đủ và chính xác nghệ nhân của tất cả các loại hình di sản văn hoá phi vật thể toàn quốc, nhưng về cơ bản mỗi loại hình đều có hồ sơ đầy đủ về con người nắm giữ di sản. Vì vậy, chỉ cần địa phương gửi hồ sơ về, thẩm định đủ tiêu chí là Hội tiến hành công nhận. Công tác phong tặng ấy mười năm nay vẫn đang được Hội Văn nghệ dân gian tiến hành một cách cẩn trọng và gấp rút.

Tuy vậy, với nỗ lực của Hội, thì những nghệ nhân- “báu vật nhân văn sống” dù được công nhận về danh hiệu, nhưng lại không có nguồn kinh phí để tiến hành chế độ đãi ngộ xứng đáng.

Sau tấm bằng chứng nhận, mỗi nghệ nhân chỉ được năm trăm nghìn đồng (năm nay Hội bỏ thêm kinh phí lên được 1,2 triệu), rồi “đâu vẫn vào đấy”, không có nguồn kinh phí nào để nuôi dưỡng, chăm sóc và trả thù lao để họ lưu giữ và trao truyền di sản cho thế hệ tiếp nối. Trong khi phần lớn nghệ nhân đều tuổi cao, sức yếu và sống trong cảnh khó khăn.

Chờ đợi cấp cao hơn?

Đầu năm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến đề xuất ban hành Thông tư quy định về việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân ưu tú.

Cùng với một quy chế riêng để xét hồ sơ phong tặng, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng đưa ra dự thảo về chế độ cho nghệ nhân. Theo điều 2, chương 1 Dự thảo Thông tư quy định về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu NNND và NNƯT quy định quyền lợi người được phong tặng thì bên cạnh Huy hiệu, Bằng chứng nhận do Chủ tịch nước ký tặng, Nghệ nhân nhân dân sẽ được hưởng số tiền 12,5 lần mức lương tối thiểu chung và Nghệ nhân ưu tú hưởng 9,0 lần. Ngoài ra, các nghệ nhân được phong tặng danh hiệu sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, chế độ thăm nom, quyền lợi tham gia hội đồng liên quan nghề nghiệp.

Cũng theo Thông tư, việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân ưu tú được thực hiện theo hai cấp: cấp tỉnh và cấp Nhà nước, sẽ được tiến hành hai năm một lần vào dịp Quốc khánh 2-9 và sẽ công bố đợt đầu tiên vào năm 2011. Những thông tin này đã được nhiều người chờ đợi, bởi lần đầu tiên, các nghệ nhân sẽ được Nhà nước công nhận và vinh danh cùng chế độ đãi ngộ xứng đáng, quả là một tin vui.

Tuy vậy, sau khi lấy ý kiến các cấp, ngành, dự thảo vẫn còn nhiều điều bàn cãi, và chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân sau khi được vinh danh vẫn là bài toán chưa có lời giải cuối cùng.

Trong khi đó, mọi văn bản về quy trình, thủ tục vẫn đang ở trong giai đoạn trình Chính phủ phê duyệt. TS. Lê Thị Minh Lý, Cục phó Cục Di sản cho biết, còn nhiều vướng mắc trong đề án phong tặng và ban hành chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân cho đến nay vẫn chưa giải quyết được.

Được biết, ngoài Hội Văn nghệ dân gian, thì Bộ Công thương cũng đã tiến hành xét tặng danh hiệu cho nghệ nhân dân gian trong lĩnh vực nghề thủ công truyền thống từ năm 2005. Vì vậy, quy trình xét tặng mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra có nhiều chồng chéo và trùng lắp, cần một cơ quan nắm đầu mối và phối hợp thực hiện.

Loay hoay văn bản, năm 2011 đã sắp hết, Thông tư vẫn chưa được ban hành, trong khi đó, các nghệ nhân cao tuổi đang ngày một rơi rụng.

Chờ cho đến khi được tôn vinh bằng một danh hiệu cấp Nhà nước, có lẽ không ít cụ phải “ngậm cười” như trường hợp cụ Kim?

Khi ấy, mọi chế độ đãi ngộ với những “báu vật nhân văn sống” này, liệu còn có ích gì?

                                                                   Theo Hồng Minh & Hương Hà - NDĐT

















Các bài mới
Các bài đã đăng