Văn nghệ trong nước
Cơ sở giám định cổ vật: Bao nhiêu là đủ?
08:22 | 27/10/2011
Nếu không có gì thay đổi, năm sau nhiều cơ sở giám định cổ vật sẽ ra đời theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, giám định cổ vật là lĩnh vực rất khó, phức tạp và cũng rất nhạy cảm vì vậy cần có những điều kiện hết sức chặt chẽ.
Cơ sở giám định cổ vật: Bao nhiêu là đủ?
Cổ vật Hoàng Thành Thăng Long Ảnh: Mai Loan

Đó là một trong những vấn đề mà nhiều đại biểu quan tâm đề nghị khi tham dự hội thảo góp ý cho dự thảo Thông tư quy định về cơ sở giám định cổ vật, do Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) tổ chức ngày 25.10, tại Hà Nội.

PGS.TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Ủy viên Hội đồng Giám định cổ vật thuộc Bộ VHTTDL cho biết, nhiều năm trở lại đây cá nhân ông thường xuyên nhận được lời đề nghị đi giám định di vật, hiện vật có phải là cổ vật hay không, và nó chứa đựng những giá trị như thế nào.


Hiện nay đồ giả cổ rất nhiều, thậm chí là tràn lan và “có đồ làm giả hơn thật”. Nếu không có những quy định thật sự chặt chẽ, đầy đủ và cụ thể về điều kiện thành lập cơ sở giám định cổ vật thì sẽ “loạn” trung tâm giám định cổ vật, “loạn” chuyên gia giám định cổ vật. (PGS.TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học)


Không phải lời đề nghị nào cũng có thể tham gia mà đa phần phải từ chối vì không có thời gian. “Rõ ràng, việc tổ chức giám định cổ vật đang là nhu cầu có thật của xã hội, vì vậy cần thiết phải có hành lang pháp lý quy định cụ thể về vấn đề này. Tuy nhiên, giám định cổ vật là việc làm rất khó, phức tạp, đòi hỏi người giám định phải có chuyên môn sâu và đủ kinh nghiệm để xử lý”, PGS Tống Trung Tín nói.

Theo dự thảo, điều kiện hoạt động của cơ sở giám định cổ vật gồm: Có tư cách pháp nhân, có chức năng hoạt động giám định cổ vật; có trụ sở và kho lưu trữ, bảo quản hiện vật trước và sau khi giám định; có trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng được các yêu cầu giám định; có quy trình chuyên môn và có nguồn cơ sở dữ liệu cần thiết để thực hiện hoạt động giám định cổ vật; có tổ chuyên gia giám định cổ vật, trong đó có ít nhất 3 cán bộ chuyên môn của cơ sở là thành viên của tổ chuyên gia đáp ứng các điều kiện: Có trình độ đại học trở lên về các chuyên ngành bảo tàng, khảo cổ, Hán nôm; đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở chuyên ngành đã học từ 5 năm trở lên và có đầy đủ năng lực pháp lý và năng lực hành vi.

Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù trong dự thảo Thông tư đã quy định tương đối đầy đủ về điều kiện hoạt động của cơ sở giám định cổ vật nhưng qua thực tế cho thấy đây là công việc rất đặc thù, khó khăn, phức tạp và không kém phần nhạy cảm vì vậy cần được nghiên cứu kỹ hơn về điều kiện.


Ông Đào Phan Long, nhà sưu tầm cổ vật cho biết: “Cứ với quy định như trong dự thảo thì ai cũng có thể thành lập cơ sở giám định cổ vật được. Và như thế trong tương lai sẽ có rất nhiều cơ sở giám định cổ vật ra đời. Nên chăng chỉ một số thành phố lớn được thành lập cơ sở giám định cổ vật, bởi đây là công việc rất đặc thù, không phải ai có bằng cấp cũng có thể giám định được”.

Cũng liên quan đến “câu chuyện” điều kiện thành lập cơ sở giám định cổ vật, có nhà nghiên cứu đặt câu hỏi, “ai là người thẩm định cơ sở giám định cổ vật?”, “ai là người thẩm định chuyên gia giám định cổ vật”. Không ai khác chính là Hội đồng Giám định cổ vật của Bộ VHTTDL. Bởi theo nhà nghiên cứu này, hiện nay ở mỗi Bảo tàng địa phương đều có Hội đồng Giám định cổ vật.

Nhưng xem qua danh sách thì chủ yếu là chuyên gia, nhà nghiên cứu ở Trung ương được địa phương mời về. Vì thế, năng lực thẩm định và thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hoạt động giám định cổ vật được giao cho Sở VHTTDL là chưa thỏa đáng, nên chăng Hội đồng Giám định cổ vật của Bộ làm việc này.

Cũng có ý kiến cho rằng, xét về điều kiện như quy định trong dự thảo thì mỗi Bảo tàng có thể thành lập cơ sở giám định cổ vật, bởi họ vừa có điều kiện bảo quản, vừa có nhân lực trong công việc này.


Hơn nữa, từ trước đến nay việc giám định bước đầu về di vật đều do Bảo tàng địa phương đảm nhận, chỉ có những hiện vật nào đòi hỏi chuyên môn sâu thì mới mời chuyên gia, nhà nghiên cứu về xem xét, thẩm định.

Một vấn đề khác cũng nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu và giới quản lý, đó là việc giám định sai hoặc giám định lại, giám định bổ sung cần được xử lý như thế nào? Đơn cử, cơ sở giám định cổ vật X đưa ra kết luận về một hiện vật là cổ vật có giá trị.

Nhưng cũng là hiện vật này lại bị cơ sở giám định cổ vật Y cho rằng, không có giá trị gì hoặc có rất ít giá trị. Lúc này ai sẽ là trọng tài để “xét xử”. “Cách đây không lâu, tôi đến xem một kho cổ vật của một người bạn.

Họ rất tự hào vì đây là số cổ vật do ông bà, cha mẹ để lại. Nhưng xem kỹ thì có tới 90% là đồ giả cổ. Khi nói xong họ rất buồn vì trước đó có nhiều người nhận định số cổ vật này có giá trị rất lớn. Giám định cổ vật không phải là đơn giản như ai đó nghĩ đâu”, một nhà nghiên cứu cho biết.

GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đề nghị Ban soạn thảo cần nghiêm túc tiếp thu, bổ sung và chỉnh lý những vấn đề mà các đại biểu đã nêu, trong đó chú ý đến tên gọi của Thông tư; điều kiện hoạt động của cơ sở giám định cổ vật cần được nghiên cứu theo hướng quy định cụ thể và chặt chẽ hơn...

                                                                                            Theo Lâm Sơn - VH















Các bài mới
Các bài đã đăng