Văn nghệ trong nước
Cuộc đua từ màn ảnh rộng
08:21 | 31/10/2011
Dẫu còn “sạn” nhưng nhiều phim điện ảnh trong năm qua không chỉ đạt doanh thu cao ở phòng vé mà còn được giới chuyên môn đánh giá cao
Cuộc đua từ màn ảnh rộng
Cảnh trong phim Khát vọng Thăng Long. ẢNH DO đoàn phim CUNG CẤP

Không còn chỉ tập trung vào mùa chiếu Tết, màn ảnh rộng năm qua liên tục cho khán giả thưởng thức những “món ăn tinh thần” đa dạng, đủ cung bậc cảm xúc, cả hài hước lẫn sâu lắng tinh tế. Phim giải trí cũng như phim nghệ thuật đều chinh phục khán giả điện ảnh theo những cách riêng.

Tạo “sóng” dư luận

Gây tranh cãi nhiều nhất trong năm là bộ phim Bi, đừng sợ! của đạo diễn Phan Đăng Di. Phim nhận được nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế nhưng khi ra mắt khán giả trong nước đã vấp phải nhiều luồng dư luận trái chiều. Không phải là phim giải trí và cũng thuộc đề tài “khó xem”, Bi, đừng sợ! thách thức dư luận bằng cách khai thác hiện thực trần trụi. Gần như các ý kiến lên án, phê phán bộ phim này cũng ngang bằng với những lời khen ngợi, động viên trên diễn đàn điện ảnh.

Trong khi đó, bộ phim ra rạp mới đây Hotboy nổi loạn & câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt cũng tạo nên “cơn sốt”. Phim gây chú ý bằng đề tài đồng tính với câu chuyện của hai nhân vật Lam - Khôi (diễn viên Lương Mạnh Hải - Hồ Vĩnh Khoa) và để lại giá trị sâu lắng từ tuyến nhân vật thằng Cười - cô gái điếm (Hiếu Hiền và Phương Thanh thể hiện). Đây là bộ phim tâm huyết của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng và cũng là tác phẩm điện ảnh hiếm hoi trong nhiều năm qua được giới chuyên môn đánh giá đã kết hợp được cả yếu tố giải trí và nghệ thuật.

Riêng phim Long Ruồi (đạo diễn Charlie Nguyễn) lại “tung hoành” màn ảnh rộng ở góc độ doanh thu. Phim bị đánh giá là không hơn các vở kịch hài nhưng đã mang về cho Long Ruồi doanh thu cao ngất ngưởng. Diễn đàn tràn ngập thông tin, hình ảnh phim ngay từ khi mới khởi quay cho đến lúc ra rạp đã thu hút đông đảo khán giả hâm mộ nhân vật Tèo - Long Ruồi, do Thái Hòa thủ vai. Điều này có nghĩa là vị trí của Long Ruồi trong lòng khán giả cũng không hề thua kém những bộ phim tạo sóng dư luận khác.

Cùng kiểu hài “xem cho vui” trong năm qua còn có thể nhớ đến phim Em hiền như ma-xơ của đạo diễn Hoàng Thiên Trụ. Nhưng thật sự “hài có sức thuyết phục” lại chính là bộ phim Tết: Cô dâu đại chiến. Với một câu chuyện tưởng tượng “chỉ có trong phim”nhưng đạo diễn Việt kiều Victor Vũ đã xử lý khéo léo những tình huống hài hước đủ khiến khán giả cười và nhớ.

Ở góc độ giải trí hay nghệ thuật, không ít phim có mặt trên màn ảnh rộng trong năm qua cũng đã để lại được những dấu ấn rất riêng.

Điểm cộng cho thử nghiệm

Nhiều đạo diễn nói rằng điện ảnh Việt đang trên con đường đi tìm khán giả bằng những thử nghiệm về các thể loại phim. “Đua” theo trào lưu phim 3D của thế giới, nhà làm phim Việt cũng cạnh tranh không thua kém với bộ phim Bóng ma học đường được thực hiện dưới định dạng 3D. Khai thác đề tài bạo lực học đường, đạo diễn Lê Bảo Trung đã lồng ghép nhiều câu chuyện, nhiều hệ lụy từ lối sống của giới trẻ để phản ánh một thực trạng xã hội. Bộ phim nặng về giá trị giáo dục, để lại ám ảnh nhiều hơn ở bi kịch của những người trẻ trong vòng xoáy định hình nhân cách nhưng cũng không vì thế mà thiếu đi tính giải trí cần thiết.

Trong khi đó, với nhiệt tâm mang đến cho màn ảnh rộng một tác phẩm phim điện ảnh hành động đúng nghĩa, nhà sản xuất Hoàng Trần lần đầu tiên làm phim điện ảnh cũng đã cho ra rạp bộ phim Lệnh xóa sổ (đạo diễn: Đặng Cao Cường) với những pha võ thuật đẹp mắt, đủ làm người xem mãn nhãn. Có thể xem đó là điểm cộng cho phim, dẫu rằng do nhiều yếu tố, thành công của Lệnh xóa sổ chưa thật sự trọn vẹn như mong muốn.

Không dễ so sánh mức độ quan tâm của công chúng khi mỗi phim một thể loại, đề tài và có đối tượng khán giả khác nhau. Điển hình như bộ phim Sai Gon Yo! (đạo diễn Stephane Gauger) - không phải là phim gây xôn xao diễn đàn nhưng đủ làm khán giả trẻ hài lòng khi là bộ phim Việt đầu tiên khai thác đề tài hip hop ở góc độ dễ sẻ chia.

Cũng như vậy, bộ phim tâm lý kinh dị Giữa hai thế giới (đạo diễn trẻ Vũ Thái Hòa) cũng là một thể loại kén khán giả khi chọn cách khai thác sâu nội tâm của nhân vật. Sức hút không đến từ “dàn sao” hay “cười đã đời” mà từ sự sâu lắng tiềm ẩn trong câu chuyện. Đề tài không quá mới mẻ với điện ảnh thế giới nhưng Giữa hai thế giới cũng có thể là một món ăn lạ và “bí ẩn” trên mâm cỗ màn ảnh rộng năm qua.

Nhìn lại, có thể thấy thửa đất điện ảnh trong năm qua đã gieo trồng được nhiều quả ngọt. Dẫu ít nhiều còn “sạn” nhưng nhiều phim, cả giải trí lẫn nghệ thuật đều được khán giả yêu thích, đón nhận và hơn hết là đã được các nhà chuyên môn đánh giá cao.


Vị trí độc tôn

Khát vọng Thăng Long là bộ phim điện ảnh duy nhất trong năm thuộc thể loại phim lịch sử. Giá trị của tác phẩm cũng đã được khẳng định với giải Cánh diều vàng 2010 và là phim được Việt Nam chọn dự giải Oscar năm nay. Dẫu rằng cách xử lý tình huống của đạo diễn Lưu Trọng Ninh ở phần kết phim chưa thực sự thỏa đáng nhưng có thể thấy cuộc đối đầu giữa hai nhân vật Lý Công Uẩn (diễn viên Quách Ngọc Ngoan) và Lê Long Đĩnh (Đình Toàn) thật sự lôi cuốn.

Bên cạnh đó, những pha võ thuật đẹp mắt cùng khúc dạo đầu mềm mại, uyển chuyển và đầy chất thơ khiến bộ phim để lại ấn tượng tốt với khán giả.



                                                                                 Theo Tiểu Quyên - NLĐO














Các bài mới
Các bài đã đăng