Văn nghệ trong nước
Việt Nam trong con mắt một nhà văn Ba Lan
14:48 | 03/11/2011
Andrzej Grabowski, tác giả cuốn ‘Kỳ nghỉ hè của nhà văn’, ghi lại những cảm nhận về đất nước con người và nền văn học Việt Nam sau khi tới đây dự một hội nghị về văn học vào năm 2010.
Việt Nam trong con mắt một nhà văn Ba Lan
Nhà văn Ba Lan Andrzej Grabowski. Ảnh: dedica.la.

Cảm nhận đầu tiên là choáng ngợp trước quy mô hoành tráng của Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài. Sự đón tiếp nồng nhiệt của các nhà văn Việt Nam, các buổi chiêu đãi của Bộ trưởng Văn hóa và lãnh đạo các cấp, triển lãm sách ở Thư viện Quốc gia, việc hàng chục ôtô chở các nhà văn được cảnh sát dẫn đường như nghi lễ dành cho các phái đoàn cao cấp của chính phủ, công tác tổ chức rất tuyệt vời.

Tôi đã đọc những bài thơ cổ điển của Việt Nam và phải cúi đầu khâm phục trước nền văn học của đất nước có hàng ngàn năm lịch sử này. Trong khi ở Ba Lan, những vị vua đầu tiên dòng họ Piast mới bắt tay vào việc xây dựng nền móng của nhà nước Ba Lan thì ở Việt Nam các vị vua quan và tướng tá đã sáng tác thơ ca. Có nước nào trên thế giới dám tự hào khoe rằng ở chính giữa trung tâm thủ đô có một ngôi đền trang trọng dành cho văn chương như Văn Miếu của Việt Nam hay không?

Nhận biết tâm hồn của người Việt Nam ngay khi vừa mới gặp là điều không thể làm được, nhưng chúng ta vẫn nên thử. Sau khi quan sát tôi đã đi đến kết luận là chúng ta có sự nhạy cảm và trí tưởng tượng giống nhau, đồng thời cũng có những kinh nghiệm giống nhau trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ những giá trị cao đẹp. Ai đó đã từng cố tạo dựng trong mắt chúng ta cách nhìn lệch lạc về những người Việt Nam xấu và tốt. Ở đây cần nêu ra một triết lý Á châu: trong mỗi cái tốt đều ẩn chứa một chút xíu cái xấu và ngược lại, trong mỗi cái xấu cũng tồn tại chút xíu cái tốt. Thế mới là thế giới và con người; không thuần nhất và nhiều chiều, sẵn sàng cống hiến hy sinh, nhưng cũng vẫn có thể bị cám dỗ dẫn đến những hành vi khác.

Sách và công tác xuất bản ở Việt Nam cũng là những vấn đề tôi để ý tìm hiểu. Ở đây mọi thứ được nhà nước và các tổ chức văn hóa quan tâm rõ rệt. Các nhà văn có đóng góp to lớn cho nền văn học của đất nước được coi trọng, tác phẩm của họ có thể bắt gặp ở mọi chỗ mọi nơi, song văn học thế giới cũng được chú ý giới thiệu. Hàng trăm tác phẩm văn học dịch được trưng bày trong triển lãm sách ở Thư viện Quốc gia.

Khi đi từ Bắc vào Nam ở chỗ nào tôi cũng để ý thấy một điều là người Việt Nam rất kính trọng những người cao tuổi. Rất nhiều lần tôi thấy trong các cửa hàng hay giữa đám đông những người già được người trẻ dắt tay. Khi chúng tôi ngồi ăn tối ở một nhà hàng, bàn bên cạnh có một nhóm đông người thuộc các lứa tuổi khác nhau, hai ông bà già bước vào, tất cả mọi người đều đứng dậy đón chào họ rất trọng thể.

Người Việt Nam không quan tâm nhiều lắm đến cách ăn mặc hàng ngày. Quần áo cốt là để tiện cho sinh hoạt. Họ đi giầy dép rất thoáng, không mấy khi đi tất. Chân bẩn lúc nào cũng có thể rửa. Đầu tóc được bảo vệ bởi mũ nón, khi đi xe máy đội mũ bảo hiểm. Mũ bảo hiểm xe máy có rất nhiều kiểu dáng hấp dẫn, trông chẳng khác gì các loại mũ của lính cứu hỏa hay đặc nhiệm, cả một rừng binh lính của hàng loạt quốc gia đi những chiếc xe gắn máy đủ kiểu dáng trên đường phố trông vô cùng lạ mắt và thú vị.

Người Việt Nam ưa sạch sẽ. Chúng tôi vừa từ chuyến tham quan trở về Sài Gòn. Trước cửa khách sạn cao tầng của chúng tôi có một con ngõ nhỏ đang được người ta đào lên để đặt đường ống gì đó. Đúng lúc tan ca. Ở phía cạnh lán xây dựng có một bình nước nhỏ, ở Ba Lan chắc bình nước ấy chỉ đủ dùng cho người ta giải khát giữa giờ, thế mà với bình nước ấy anh công nhân vừa gội đầu xà phòng, vừa rửa mặt mũi chân tay sạch sẽ, sau đó cởi bộ quần áo lao động ra, ăn mặc tươm tất, đầu tóc bảnh bao, ung dung lên xe máy phóng về nhà.

Trên các ngã tư, khi đèn đỏ bật lên có thể nhìn thấy cảnh xe cộ hết sức hỗn độn. Nhiều nơi tôi để ý thấy có những dòng chữ số nhỏ hiện lên trên đèn tín hiệu để báo còn bao nhiêu giây nữa thì đèn thay đổi màu. Điều đó rất hữu ích, người già có thể biết nên bước xuống đường hay chờ đến lần sau. Ít nhất có đến 10 triệu phương tiện giao thông xuất hiện mỗi ngày trên đường phố Sài Gòn, phần lớn là xe máy. Họ đi lại thành thạo tới mức ít khi xảy ra tai nạn, và nếu có thì dễ dàng đứng dậy, lên xe phóng tiếp, bởi tốc độ chỉ từ 40 đến 45 km/h, ít xảy ra thương vong.

Trong khi đó, sự đông đúc và chật chội đến mức khó vượt qua của khu phố cổ Hà Nội nhiều khi lại trở thành hiện tượng lạ lẫm thu hút khách du lịch nước ngoài. Cuộc sống ở đây diễn ra có lẽ ngay trên mặt phố. Trên các vỉa hè chật chội hàng quán bày bán khắp nơi. Nhiều nhất là quần áo, thực phẩm và hàng lưu niệm, thực ra ở đây có cái gì mà người ta không mua bán... Đi một bước lại gặp người nào đó mời mua thứ gì đó, nào tem thư, nào các loại tiền đồng, băng đĩa, sách truyện hoặc hoa quả như chuối, quýt, đu đủ, xoài, dừa. Người ta mời ăn uống ngay ở vỉa hè, thỉnh thoảng lại thấy các xe nhỏ chở các loại thức ăn bán rong. Có người sửa ô tô, làm đồ gỗ trên đường phố, bên cạnh lại có người ngồi trên những chiếc ghế bé xíu uống bia, một họa sĩ vẽ truyền thần, rồi có cả lò rèn, thợ đồng hồ, cửa hàng bán đồ cũ. Nhiều ngôi nhà trông như những ngôi nhà trong cổ tích đầy màu sắc, thậm chí cao mấy tầng, mỏng mảnh như làm bằng giấy, tạo nên bức tranh vô cùng sinh động, phần lớn kiến trúc thời Pháp thuộc, xen lẫn những ngôi nhà kiểu mới xây dựng bằng vật liệu hiện đại.

Bếp ăn ở đây rất khác bếp ăn Ba Lan. Nên bắt đầu một ngày bằng cốc chè xanh đặc không đường. Điều đó làm cho cơ thể mạnh mẽ và chống buồn ngủ. Song tôi cũng khuyên không nên uống chè xanh vào buổi tối, vì bạn sẽ cảm thấy lâng lâng bay bổng suốt đêm. Ẩm thực Việt Nam rất giàu các loại hải sản, tôm hến cá và những thứ có thể đánh bắt từ sông hồ biển. Hàng ngày người Việt Nam ăn cơm, bao giờ cũng có nhiều rau xanh. Tráng miệng thường có các loại hoa quả nhiệt đới. Tôi để ý thấy mỗi bữa ăn trưa của người Việt Nam thường có từ 5 đến 7 món, đối với tạng của người châu Âu bình thường thì số lượng đó là quá nhiều. Món để lại ấn tượng mãi cho đến những ngày sau này có lẽ là món cá chép hồng nướng cuốn bánh đa và các loại rau mà chúng tôi được ăn trong một căn nhà làm toàn bằng tranh tre nứa lá nhân chuyến du lịch sông nước Cửu Long.

Hệ thống kênh rạch ở đồng bằng sông Cửu Long chằng chịt không khác gì hệ thống đường xá ở châu Âu. Chúng phục vụ giao thông và thủy lợi rất hiệu quả, thiếu chúng thì những cánh đồng lúa nước của Việt Nam không thể tồn tại. Tôi đã nhìn thấy những xà lan và tàu thuyền chở cát và bùn đất khai thác từ dưới đáy sông lên. Bùn đất làm cho các cánh đồng thêm màu mỡ, còn cát vàng phục vụ các công trình xây dựng. Khi đi du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long tôi đã nhìn thấy những làng nổi trên mặt nước, hàng mấy chục ngôi nhà đặt trên các hàng cọc đóng dưới đáy sông, tại đó người ta quây lưới nuôi cá tra và cá ba sa. Đây là cảnh hết sức thu hút du khách.

Tôi không ngờ mình vẫn ngủ được ở Sài Gòn, khi đêm đêm tiếng ồn ào của phố phường và nhịp độ lao động không lúc nào ngừng của bến cảng liên tục vọng đến tận tầng 25 của khách sạn 33 tầng này. Các thành phố của Việt Nam là một công trường xây dựng khổng lồ. Hàng rừng cần cẩu nhô cao bên cạnh các công trình nhà cao tầng. Hàng loạt ngôi nhà thấp tầng cũng đua nhau mọc lên, chen chúc đến tận bờ sông và kênh rạch. Người ta làm việc ba ca bên cạnh các công trình xây dựng, kể cả thứ bảy và chủ nhật, vì thế trong tổ kiến châu Á này không lúc nào các hoạt động ngưng trệ. Và do vậy đất nước này liên tục phát triển, không ngừng lớn lên hàng ngày, làm cho thế giới kinh ngạc. Có điều lạ là ở đây các dây cáp và dây tải điện không được đặt trong các vỏ bọc bằng kim loại mà cứ phô trương chằng chịt như mạng nhện. Tôi chợt rùng mình sợ hãi nghĩ không biết khi bão lụt thì hệ thống mạng nhện đó sẽ ra sao!

Bên cạnh các tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ khí đốt và các loại khoáng sản, hải sản thì du lịch là một trong những tài nguyên quý của Việt Nam. Vô số các nhà hàng, khách sạn mọc lên ở khắp nơi. Các hãng du lịch cũng mọc lên nhiều như nấm. Nhiều tua du lịch hấp dẫn, giá cả phải chăng, thí dụ với 130 USD một người có thể đi tuyến du lịch từ Sài Gòn tới vùng sông nước Cửu Long trong 3 ngày. Đối với khách quốc tế thì bất cứ cái gì ở đây cũng có thể trở nên hấp dẫn. Từ nền văn hóa nghìn năm với các đền chùa thành quách, các viện bảo tàng, cố đô Huế, phố cổ Hội An đến cảnh đẹp thiên nhiên có sức hấp dẫn lớn như Vịnh Hạ Long, đồng bằng sông Cửu Long...

Ở Việt Nam, tôi muốn mua một chiếc khăn bằng lụa tơ tằm và hỏi giá bà chủ quán. Bà đưa ra một giá khá cao, tôi mặc cả. Bà ta hỏi: "Ông là người Mỹ?", "Không, tôi là người Ba Lan" - tôi đáp. Hai từ Ba Lan tôi nói bằng tiếng Việt. Bà chủ liền tươi cười: "À, Ba Lan!". Hai từ đó khiến bà lập tức nở nụ cười thân thiện và dĩ nhiên đã trao cho tôi tấm khăn với giá rẻ hơn rất nhiều. Người Ba Lan ở Việt Nam được tin yêu và quý mến. Đối với Việt Nam, người Ba Lan luôn là bạn và có thể tin cậy được trong mọi tình huống. Trong quá khứ chúng ta đã chứng tỏ được điều đó. Hàng loạt sinh viên Việt Nam được đào tạo ở Ba Lan. Họ là những mắt xích gắn kết hai nước. Nhiều dịch giả người Việt Nam đã chuyển thể các tác phẩm kinh điển cũng như các tác phẩm nổi tiếng khác của Ba Lan sang tiếng Việt. Người Ba Lan chúng ta lúc nào cũng có thể tin tưởng và trông cậy vào họ. Họ là những đại sứ tốt nhất của nền văn hóa và văn học Ba Lan.

.......................................
(Bài viết trích từ bài “Những ghi chép nhanh từ tổ kiến châu Á” đăng trên nguyệt san ISKRA của chi hội nhà văn Krakow, số 91-92, ra vào tháng 1-3/2010. Tác giả là Andrzej Grabowski, trưởng đoàn đại biểu Hội nhà văn Ba Lan sang dự Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài do Hội nhà văn Việt Nam tổ chức tháng 1/2010 tại Hà Nội).

                                            Theo Andrzej Grabowski & Nguyễn Văn Thái - eVan














Các bài mới
Các bài đã đăng