Văn nghệ trong nước
Bảo tàng ảnh quốc gia không là hoang phí
16:47 | 09/11/2011
Không chỉ có một Bảo tàng Ảnh quốc gia sắp được khánh thành, Việt Nam sẽ có chính sách bảo vệ đối với di sản nhiếp ảnh 150 năm lịch sử. Điều đó đã được bàn tới trong cuộc hội thảo Về vai trò của di sản và bảo tàng Ảnh trong cuộc sống đương đại diễn ra tại Hà Nội sáng qua (8/11) do Cục di sản văn hóa - Bộ VH,TT&DL, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh VN cùng Phái đoàn Wallonie - Bruxelles phối hợp tổ chức.
Bảo tàng ảnh quốc gia không là hoang phí
Đền Ngọc Sơn (HN), ảnh chụp năm 1884
Tính từ thời điểm nhiếp ảnh bắt đầu xuất hiện ở nước ta tới nay là gần 150 năm, trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, những bức ảnh của các tác giả Việt Nam và nước ngoài, đặc biệt là của người Pháp đã trở thành một bộ phận quan trọng của tư liệu lịch sử, văn hóa, khoa học và nghệ thuật, một phần không thể thiếu của di sản văn hóa Việt Nam.

Một di sản nhiếp ảnh đồ sộ và vô giá

“Những bức ảnh sống cùng năm tháng, sống cùng dân tộc, bởi vì đó là nhân chứng, là sự kiện của một thời đại mà không bao giờ trở lại nữa. Tôi nghĩ, chúng ta phải cảm ơn những người Pháp bởi họ đã giúp chúng ta lưu giữ lại hình ảnh của dân tộc, mà số lượng có thể lên tới hàng chục vạn bức. Có thể kể tới một số nhà nhiếp ảnh tiêu biểu như bác sĩ quân y Charle Edouard Hocquard với bộ sách ảnh Một chiến dịch ở Bắc Kỳ, Anber Kahn với bộ sưu tập ảnh Hồ sơ của hành tinh, trong đó có nhiều bức ảnh giá trị về cảnh trí, con người, phong tục, tập quán của các nước Đông Dương; hay hàng ngàn bức ảnh về Việt Nam hiện đang được bảo quản tại Viện Viễn Đông Bác Cổ, Pháp...”- NSNA Chu Chí Thành nói. 

Bên cạnh di sản ảnh do người Pháp để lại, các nhà nhiếp ảnh của Việt Nam cũng có những đóng góp quan trọng, đáng chú ý nhất là từ năm 1945 trở đi. Đó là cuộc cách mạng tháng 8/1945 với hình ảnh nhân dân Hà Nội giành chính quyền, Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình; những bức ảnh trong 60 ngày đêm toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội, các chiến dịch Biên Giới, Điện Biên Phủ... Những bức ảnh thời kỳ này mang đậm tính tư liệu, gắn chặt với các sự kiện, nhân vật lịch sử và cho tới nay vẫn còn nguyên giá trị nhân văn, dấu ấn thời đại sâu sắc.

“Trên thế giới, càng ngày người ta càng nhận thấy được giá trị to lớn của những bức ảnh trong việc lưu giữ lịch sử và tác dụng của nó với cuộc sống đương đại. Nó là sợi dây nối liền hiện tại với quá khứ, là chân dung lịch sử của từng dân tộc, quốc gia...” - NSNA Chu Chí Thành nhấn mạnh.

Bao giờ mới có chính sách di sản nhiếp ảnh?

Tại Việt Nam, khái niệm “di sản ảnh” vẫn còn khá mới mẻ. Vì vậy việc bảo vệ và phát huy giá trị của di sản này vẫn chưa có chiến lược và kế hoạch rõ ràng cũng là một điều dễ hiểu. Hiện nay các bức ảnh mới chỉ được sử dụng với mục đích trưng bày quy mô nhỏ theo chủ đề ở một số bảo tàng, bộ sưu tập của một số cá nhân hoặc được “nằm yên” trong một sô trung tâm lưu trữ. Một số lượng lớn bức ảnh ở Trường Viễn Đông Bác Cổ do điều kiện thời tiết ẩm ướt và chiến tranh kéo dài hiện nay đã bị xuống cấp, hư hỏng, đang cần được bảo quản, phục hồi. 

“Có người thắc mắc là việc Nhà nước đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng một bảo tàng như thế này giữa lúc kinh tế đang khó khăn có cần thiết không? Tôi nghĩ là không hề hoang phí. Chúng tôi sẽ thu thập tất cả ảnh chụp về Việt Nam của người Việt Nam và người nước ngoài thành một mối và sau khi được phân loại, trưng bày, bảo tàng này sẽ chính là hình ảnh, là lịch sử của dân tộc, đất nước ta 150 năm qua, góp phần hiệu quả trong việc giáo dục lịch sử truyền thống cho các tầng lớp nhân dân cũng như quảng bá hình ảnh của Việt Nam với bạn bè thế giới” - TS Lê Thị Minh Lý - Phó Cục trưởng Cục Di sản phát biểu.

NSNA Chu Chí Thành cũng nhấn mạnh: “Lâu nay chúng ta vẫn kêu ca rằng các bạn trẻ quay lưng lại với lịch sử dân tộc. Tôi không nghĩ như vậy. Tôi từng tận mắt chứng kiến những bạn sinh viên đã xúc động thế nào khi được xem các bức ảnh chiến tranh do chúng tôi chụp”.  

TS Xavier Canonne, Giám đốc Bảo tàng ảnh Charleroi (Bỉ) cho rằng, Việt Nam có một di sản ảnh đồ sộ rất đáng quý. Nếu loại hình di sản này bị mai một do sự lãng quên hoặc thiếu sự gắn kết giữa các cơ quan, tổ chức để bảo vệ thì sẽ là một thiệt thòi lớn không chỉ của Việt Nam mà của cả nhân loại nói chung. Vì vậy bên cạnh việc xây dựng trung tâm lưu trữ và triển lãm ảnh quốc gia, TS Xavier Canonne khuyến nghị Việt Nam cần sớm xây dựng chính sách bảo vệ di sản nhiếp ảnh làm cơ sở nâng cao nhận thức và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào công việc ý nghĩa này.

Kết thúc hội thảo, TS Lê Thị Minh Lý khẳng định: “Việc xây dựng bảo tàng ảnh, nằm trong trung tâm lưu trữ và triển lãm ảnh quốc gia mới chỉ là bước khởi đầu. Cục Di sản văn hóa sẽ phối hợp với Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN, các chuyên gia của Vương quốc Bỉ và các cơ quan, tổ chức có liên quan tiến hành các bước tiếp theo để đưa trung tâm vào hoạt động trong thời gian sớm nhất. Chính sách bảo vệ di sản nhiếp ảnh Việt Nam cũng sẽ được xây dựng trên cơ sở học hỏi, tiếp thu những kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Đây là việc làm đòi hỏi nhiều thời gian, công sức nhưng chúng ta phải kiên trì vì những lợi ích mà nó mang lại là vô cùng to lớn!”.

Theo Kiến Văn - TT&VH














Các bài mới
Các bài đã đăng