Văn nghệ trong nước
Cơ hội nâng tầm sân khấu Việt
10:26 | 15/11/2011
Theo Ủy viên Ban chấp hành Liên minh Sân khấu châu Á, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận, việc gia nhập Liên minh Sân khấu châu Á với sự đa dạng về phương pháp sáng tạo, bên cạnh việc giới thiệu bản sắc của sân khấu Việt Nam trong tiến trình phát triển chung, sẽ buộc sân khấu kịch nói Việt Nam phải thay đổi, nâng tầm để hội nhập.
Cơ hội nâng tầm sân khấu Việt
Nhà búp bê - một trong những vở diễn thành công của sân khấu Việt Nam gần đây
Khẳng định bản sắc và hội nhập

Đại hội lần thứ nhất thành lập Liên minh Sân khấu châu Á (ATA) đã diễn ra tháng 10 vừa qua, tại TP Trùng Khánh, Trung Quốc, với sự tham gia của đại diện 18 nhà hát, trung tâm nghệ thuật quốc gia của các nước và vùng lãnh thổ, như: Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Thái Lan, Việt Nam, Israel... Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, đạo diễn, NSND Lê Hùng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia sự kiện này và được bầu trong 15 thành viên thường trực và là Trưởng tiểu ban Trao đổi các vở diễn sân khấu. Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận cũng được bầu là Ủy viên Ban chấp hành Liên minh Sân khấu châu Á nhiệm kỳ 1. Đại hội đã thông qua Tuyên ngôn, trong đó nhấn mạnh, Liên minh Sân khấu châu Á ra đời nhằm thúc đẩy, tìm kiếm các tác phẩm đỉnh cao của sân khấu châu Á; cùng trao đổi, thảo luận, tìm hướng phát triển cho sân khấu kịch nói châu Á; thu thập, giới thiệu các tác phẩm sân khấu, những nhà sản xuất, đạo diễn xuất sắc của châu Á để xây dựng nguồn, kho dữ liệu tham khảo cho tất cả thành viên Liên minh tìm hiểu...

Ông Trương Nhuận cho biết, ý tưởng thành lập Liên minh Sân khấu châu Á có từ năm 2010, với mục đích giới thiệu bản sắc của sân khấu mỗi nước và hội nhập sân khấu thế giới. “Nghệ thuật biểu diễn sân khấu kịch nói của các nước châu Á có những nét tương đồng trong quá trình tiếp thu tinh hoa sân khấu kịch nói thế giới, nhưng mang bản sắc riêng của mỗi nước, gợi ý cho chúng ta cách tiếp thu và phát triển sân khấu kịch nói thích hợp. Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung tâm Sân khấu Thượng Hải, Bắc Kinh (Trung Quốc), Philippines... đều là những nước có sân khấu kịch nói phát triển. Gia nhập Liên minh Sân khấu châu Á, chúng ta sẽ học hỏi kinh nghiệm phát triển sân khấu kịch nói cùng với việc bảo tồn bản sắc sân khấu mỗi nước; thấy được hạn chế trong quá trình phát triển sân khấu ở các nước thành viên, rút kinh nghiệm không vào ngõ cụt... Về cơ bản, đây là cơ hội cho sân khấu kịch nói được kích thích phát triển để dàn dựng các tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao, chứ không phải những tác phẩm chỉ để thỏa mãn chốc lát”.

Cơ hội nâng tầm sân khấu Việt

Tham gia Liên minh Sân khấu châu Á giúp chúng ta tự soi xem diện mạo sân khấu Việt Nam đang ở đâu so với các nước trong khu vực, từ đó nâng cao nghệ thuật diễn xuất và đặc biệt là cơ sở vật chất. Thực tế cho thấy, sân khấu Trung Quốc hiện vượt quá xa so với Việt Nam ở mặt này. Các rạp hát của họ được xây dựng quy mô với trang thiết bị hiện đại, đáp ứng và giúp đỡ sáng tạo của nghệ sỹ. Ngay cả trung tâm sân khấu ở Trùng Khánh - thành phố thuộc tỉnh miền núi Trung Quốc, cơ sở vật chất sân khấu cũng vượt xa tất cả rạp hát hiện nay của Việt Nam. Trong chuyến về Việt Nam biểu diễn mới đây, huyền thoại bong bóng Fan Yang cho biết, anh đã khảo sát gần 10 rạp tại TP Hồ Chí Minh, nhưng rất buồn là không rạp nào đủ tiêu chuẩn kỹ thuật cho một chương trình quốc tế. Tại Hà Nội, Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô xây dựng cách đây đã 20 năm, trang thiết bị lạc hậu; Trung tâm Hội nghị Quốc gia hoành tráng nhưng tính năng sử dụng không phải chuyên dành cho biểu diễn nghệ thuật... Điều này cho thấy nhà nước cần quan tâm đầu tư cho văn hóa nghệ thuật một cách đúng mức, chứ không phải đầu tư quá ít và dàn trải như hiện nay. Ít nhất, chúng ta phải đầu tư xây dựng được một trung tâm biểu diễn nghệ thuật đạt đẳng cấp quốc tế.

“Hội nhập buộc chúng ta phải thay đổi, tìm cách tiếp cận những phương tiện kỹ thuật sân khấu tiên tiến của nước ngoài để nâng tầm sân khấu Việt Nam. Cơ sở vật chất sân khấu Việt Nam hiện nay đơn sơ, không đáp ứng yêu cầu của một buổi biểu diễn chuyên nghiệp, khiến nghệ sỹ biểu diễn trong tâm thế không được tôn trọng. Hơn nữa, nếu cơ sở vật chất, kỹ thuật sân khấu không được cải thiện, thì cho dù diễn viên diễn xuất giỏi đến mấy cũng không mang lại hiệu quả”, ông Trương Nhuận nói.

Theo Nguyên An - ĐBND




















 
Các bài mới
Các bài đã đăng
Ảnh là di sản (10/11/2011)