Di sản văn hóa vùng đất Tổ
Hát Xoan là một loại hình dân ca nghi lễ, phong tục trình diễn vào mùa xuân ở đình làng trong vùng đất Văn Lang xưa, Phú Thọ ngày nay. Vậy nên hát Xoan còn gọi là hát cửa đình hay khúc môn đình. Theo Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, GS Tô Ngọc Thanh thì hát Xoan là 1 hiện tượng đa trị, tức là nhiều giá trị khác nhau, có giá trị lịch sử, có giá trị văn hóa, có giá trị âm nhạc, có giá trị nghệ thuật múa, có giá trị cộng đồng. Hát Xoan là hình thức nghệ thuật trình diễn đa yếu tố, bao gồm nhạc, hát và múa. Khi hát phải có múa, khi múa phải có hát và có nhạc cụ đệm. Tính đa dạng trong bài bản của Xoan thể hiện ở tính diễn xướng. Một đêm trình diễn Xoan thờ thần bao gồm 2 phần lễ và hội, chia thành 3 chặng: chặng 1 là hát múa mời vua về dự hội với dân làng; chặng 2 là hát Quả cách, bao gồm những bài hát chúc vua, những bài hát kể về lịch tiết, lịch sử và nghề nghiệp của cư dân lúa nước; chặng 3 là hát giao duyên nam nữ giữa đào Xoan và trai làng. Những yếu tố tín ngưỡng thành kính, thiêng liêng của hát nghi lễ kết nối với tính phồn thực hồn nhiên, dân dã của hát giao duyên làm nên giá trị của hát Xoan. Một đêm hát Xoan đi từ “đạo” đến “đời”, từ tín ngưỡng trang nghiêm đến cuộc sống thế tục đầy bản năng và sức sống. Cuộc sống thế tục đầy bản năng ấy thể hiện sinh động nhất ở tiết mục Mó cá, điệu hát - múa của ước vọng sinh sôi, thể hiện rõ nhất sự công khai “vượt rào” lễ giáo phong kiến “nam nữ thụ thụ bất thân”, Đôi ta đánh cá bóng trăng/ Cá thời chẳng được thung thăng anh bắt đào. So với quan họ và ca trù, hát Xoan mộc mạc, hồn nhiên hơn cả về lời hát lẫn giai điệu. Sự mộc mạc, hồn nhiên đó làm nên sức sống mạnh mẽ và sự lan tỏa của Xoan trong cộng đồng. Thách thức của một loại hình nghệ thuật cổ truyền Là nét văn hóa đắc sắc lưu truyền từ thời cổ xưa nhưng hiện nay, hát Xoan đang đứng trước nguy cơ thất truyền. Theo khảo sát của Sở VH,TT và DL tỉnh Phú Thọ đầu năm 2010, những điệu Xoan cổ hiện chỉ được lưu giữ ở 4 phường Xoan gốc là An Thái, Phù Đức, Thét, Kim Đới (4 thôn của TP Việt Trì). 17 xã phụ cận có hoạt động hát Xoan nhưng chỉ đón phường Xoan về hát trong lễ hội đầu xuân. Khảo sát cũng cho thấy, toàn tỉnh còn 69 nghệ nhân hát Xoan, trong đó 31 người có độ tuổi từ 80-104 và chỉ có 8 người có khả năng truyền dạy. Hơn thế, trong số 30 di tích diễn ra các điệu hát cửa đình chỉ có 13 di tích đã được bảo tồn, tôn tạo, 2 di tích đã xuống cấp và 15 di tích đã mất hoàn toàn. Những con số đó cho thấy phạm vi của Xoan đang bị thu hẹp, không gian diễn xướng của Xoan đang dần mai một và các đào kép Xoan đang trở lên “già hóa”, lớp trẻ biết hát múa Xoan ngày càng ít. Ngay trong vùng đất Phú Thọ, Xoan tồn tại trong một phạm vị khá khiêm nhường. Mặc dù không gian của Xoan bao gồm mười mấy xã song chỉ có 4 thôn là có các phường Xoan, lưu giữ các điệu Xoan gốc. Cụ Nguyễn Ngọc Bảo, nghệ nhân Xoan 80 tuổi ở phường Thét cho biết “cái khó khăn nhất của chúng tôi là việc đào tạo, truyền dạy”. Cụ trăn trở “càng đào tạo lớp bé bao nhiêu thì lớn lên lại “mất gốc”, đào tạo lớp trung trung bây giờ họ cũng khó lắm, vì họ còn bận làm ăn”. Đó cũng là nỗi niềm của nhiều người yêu mến và tâm huyết với giá trị văn hóa truyền thống của cha ông, đồng thời là câu hỏi đặt ra với các cơ quan quản lý văn hóa và của cả cộng đồng. Chúng ta cần làm gì trước khi Xoan biến mất trên chính vùng đất đã sinh ra nó. Bảo tồn di sản trong cộng đồng Những người tâm huyết với Xoan đều thấy rằng để cho bộ môn nghệ thuật này sống thì bên cạnh việc bảo vệ, gìn giữ là quảng bá. Gìn giữ phải đi đôi với quảng bá; gìn giữ để quảng bá và quảng bá sao cho không mất bản chất để gìn giữ được nguyên vẹn. Sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, sự tâm huyết của các nhà khoa học và sự nỗ lực của các nghệ nhân thời gian qua đã tạo được hiệu ứng tốt cho sự hồi sinh của bộ môn nghệ thuật này. Trả lời cho câu hỏi về kế hoạch cụ thể của tỉnh Phú Thọ để bảo tồn hát Xoan, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hoàng Dân Mạc cho biết “tỉnh Phú Thọ đã có kế hoạch và chương trình cụ thể, trong đó cố gắng lựa chọn các nội dung cần thiết để bảo vệ. Các địa phương trong tỉnh đã tổ chức các nghệ nhân để làm công tác truyền dạy hát Xoan cho lớp trẻ. Tỉnh cũng dành kinh phí thỏa đáng cho công tác này. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo quảng bá rộng rãi hơn hát Xoan này trên địa bàn TP Việt Trì và một số địa phương trong tỉnh”. Ở phương diện của người nghiên cứu văn hóa, nhạc sỹ Đặng Hoành Loan nhấn mạnh “Phải bảo vệ hát Xoan toàn vẹn, toàn vẹn về nghệ thuật, toàn vẹn về phương thức sinh hoạt, toàn vẹn về lối hát thờ Vua. Nếu không bảo vệ được toàn vẹn thì chúng ta sẽ để cho Xoan mất dần cái bản chất, cơ bản của nghệ thuật Xoan, chí ít là để trong 2, 3 năm tới, sự toàn vẹn của Xoan đến được với cộng đồng dân cư của Phú Thọ và cả nước, dần tiến tới trong 5 năm, hát Xoan có thể trở thành di sản đại diện của nhân loại”. Với định hướng bảo tồn đúng hướng và sự vào cuộc của cả cộng đồng, chúng ta tin rằng nghệ thuật hát Xoan sẽ lan tỏa không những qua vùng đất Phú Thọ mà còn “vượt biên” đến với thế giới. Để mỗi mùa xuân về trên vùng đất Tổ, vẫn rộn ràng tiếng hát Xoan của trai gái trao nhau trong Hội đình: Đúm này ta dặn thì nghe/ Đúm bay cho tới áo the đúm vào/ Đúm vào người hỏi làm sao/ Em là quả đúm, em vào kết duyên. Theo Phạm Liên - ĐBND |