Văn nghệ trong nước
"Tâm hồn mẹ"
07:29 | 08/12/2011
Bộ phim truyện nhựa dựa theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, đạo diễn - biên kịch Phạm Nhuệ Giang, đã ra mắt khán giả vào tối 6.12 tại Hà Nội.
Ảnh: Đoàn phim cung cấp
Tâm hồn mẹ được giới chuyên môn và khán giả chờ đợi, bởi bộ phim được chuyển thể từ một tác phẩm văn học đã chiếm được nhiều tình cảm của độc giả. Bản thân đạo diễn Phạm Nhuệ Giang đã ấp ủ thực hiện bộ phim từ cách đây 20 năm.

Trước khi phim ra mắt, đạo diễn Phạm Nhuệ Giang chia sẻ, tác phẩm điện ảnh chỉ lấy ý tưởng và sẽ khác nhiều với tác phẩm văn học. Trong phim, đạo diễn đưa thêm hai nhân vật là người mẹ (diễn viên Hồng Ánh) và người tình của mẹ (diễn viên Trương Minh Quốc Thái) vào trong thế giới của hai đứa trẻ Thu (Phùng Hoa Hoài Linh) và Đăng (Bách Tùng Lâm). Một góc nhỏ gai góc trong cuộc sống của những dân lao động dưới chân cầu Long Biên được dựng lên với những bon chen, lo toan, lừa lọc…

Tâm hồn mẹ không thuộc dòng phim giải trí, vì thế không hề dễ xem với nhiều khán giả. Trong phim, người ta bắt gặp nỗi đau khổ, thèm khát được che chở, yêu thương của những con người cô đơn: người mẹ từ lâu thiếu vắng người đàn ông bên cạnh, sẵn sàng làm tất cả chỉ để níu giữ người tình là anh lái xe đường dài; cậu bé Đăng mất mẹ từ năm mới hai tuổi luôn muốn có mẹ và cô bé Thu không biết bố là ai, còn mẹ thì chỉ mê mải tìm kiếm hạnh phúc riêng với người tình. Hai đứa trẻ đơn côi - Thu và Đăng - ở bên nhau, cùng dựa vào nhau để sống. Chúng thích chơi trò “mẹ - con”. Bản năng làm mẹ của người phụ nữ - chăm sóc, yêu thương, bảo vệ con - bỗng trở nên vô cùng mạnh mẽ dù chỉ ở trong cô bé con, như Thu.

Trong phim, diễn xuất của hai diễn viên nhỏ tuổi có thể coi là những điểm sáng. Bé Hoài Linh đã thể hiện được những nét u buồn của cô bé từ nhỏ đã sớm phải lo toan cho bản thân, cho cả người mẹ khi bỏ nhà đi theo người tình cả đêm. Bé tí tuổi mà Thu đã già đời như “bà cụ non” phải đi chợ buôn cam thay mẹ, tự lo cuộc sống khi mẹ bỏ lên biên giới. Nhưng cũng có lúc Thu hồn nhiên, nụ cười và ánh mắt thật trong trẻo khi đùa nghịch bên dòng sông với mẹ, khi trêu đùa với Đăng ngoài bãi ngô… Tuy vẫn còn đôi chút gượng gạo, nhưng Đăng do bé Tùng Lâm đóng đã thể hiện được những nét ngây ngô của cậu bé luôn thèm có mẹ, muốn được mẹ ru, mẹ thơm khi ngủ.

 Đoạn kết phim tươi sáng hơn, bớt đi tính bi kịch so với tác phẩm văn học. Tuy vậy, từ đầu đến cuối phim gây cảm giác hơi nặng nề, dàn trải. Nhiều người xét Tâm hồn mẹ mang hơi hướng của Bi, đừng sợ nhưng tiếc là lại thiếu đi sự khốc liệt cần có, những lột tả đến tận cùng, mà trái lại có phần khiên cưỡng. Một điểm đáng khen của phim là hình ảnh quay đẹp mắt. Bối cảnh phim được quay chủ yếu ở bãi giữa sông Hồng với gam màu xanh mướt với những ruộng ngô, đồng cỏ, bãi rau…

Theo Minh Ngọc - TNO















Các bài mới
Các bài đã đăng