Khoảng 200 năm trước, nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772-1822) đã giương ngọn cờ tiền phong khi viết “Vịnh cái quạt”, “Đèo Ba Dội”, “Giếng thơi”... rất “sexy” ngay cả với ngữ cảnh cởi mở thông thoáng về các vấn đề giới tính, nữ quyền, cách mạng tình dục hôm nay. Cũng từ thập kỷ 70 thế kỷ trước, nữ nghệ sĩ người Serbia sinh ở New York (Mỹ) Marina Abramovic (sinh năm 1946) đã rất nổi tiếng trong loại hình nghệ thuật trình diễn (performance art) bằng những màn tự hành xác đổ máu, dùng thân thể và các ẩn dụ của đồ vật, hành động tương tác với khán giả thể hiện những chủ đề căn tính dân tộc, nữ quyền, hoặc bày tỏ những quan niệm khác về nghệ thuật, về cái đẹp. Nghệ thuật trình diễn đề cao sự phối hợp của ý niệm (concept) được chuyển giao từ ngôn ngữ cơ thể nghệ sĩ, kết hợp với đạo cụ và diễn dịch từ phía người xem để hoàn thiện tác phẩm. Xứng đáng là những môn đệ của nữ sĩ họ Hồ và nghệ sĩ Abramovic, các nữ tác giả triển lãm “Phập phồng” đã “buộc” người xem, trước khi bước vào phòng triển lãm phải đi qua “Cổng vạn tuế” (tác giả Hường By Nguyễn, SN 1984), được thiết kế như một gợi tả thị giác rất trùng hợp với thái độ biếm giễu, ngạo đời của Hồ Xuân Hương khi vịnh cái quạt “Chành ra ba góc da còn thiếu... mát mặt anh hùng... che đầu quân tử...” (Vịnh cái quạt), và những mô tả hình sắc đầy nhạy cảm như “cửa son đỏ loét tùm hum nóc” (Đèo Ba Dội)... Sử dụng hoa hồng, bóng bay, vải, sợi gai để làm “Cổng vạn tuế” (giả cổng đám cưới), ý tưởng của Hường là muốn để khán giả tự hoàn thiện tác phẩm theo cách thức tự nhiên sinh học hoặc gián tiếp theo mỗi diễn dịch riêng của từng người về vấn đề tự do bản năng giới.
Súc tích và đẹp - đẹp theo nghĩa cổ điển nhất là tác phẩm trình diễn “Hạnh phúc” của Hà Thị Hồng Ngân. Cô gái SN 1981 này mặc váy cưới, gương mặt trang điểm kỹ, cầm một bó hoa nhỏ, đầu đội khăn xếp, cổ đeo một cái vòng (kiềng) rất to, cả ba phụ kiện điển hình cho một cô dâu đều được làm từ nước đá đóng băng. Ngân đứng yên lặng giữa phòng triển lãm, gần 10 phút thì khóc, nước mắt chảy qua lớp mascara tạo thành một dòng đen sì, tương phản rất mạnh với gương mặt trắng nhợt phấn và các khối nước đá lạnh lẽo, đang tan chảy trên má, trên cổ và đôi bàn tay của cô. Gần 30 phút, tác phẩm chấm dứt khi cô nức nở khóc, vứt những cục nước đá trên người xuống sàn, khán giả lặng đi giây lát... Triển lãm “Phập phồng” còn có tác phẩm của Võ Ngọc Huế (Chuyện của mẹ, trình diễn), Nguyễn Thị Hoài Thơ (Giàn mướp, sắp đặt), Phạm Thu Thủy (Ngọt, sắp đặt), Phạm Hồng (Nở, sắp đặt) và Hà Thị Hồng Ngân, tác phẩm “Chiến” thể loại sắp đặt có sử dụng cả mèo và chuột sống nhốt trong lồng thép... Ngoài việc gây “sốc” đối với khán giả bằng các màn trình diễn sử dụng cơ thể làm phương tiện, các chất liệu phối hợp ít thấy như: Hàng vạn lưỡi dao cạo râu tạo hình một cặp môi gợi cảm, đồ lót nữ lồng trong áo dài làm từ dây thép gai, giàn mướp trĩu quả làm từ rất nhiều cặp vú silicon (kéo dài)... các nữ tác giả trẻ đã thành công khi đề cập tới những chủ đề gai góc và nhạy cảm như nữ quyền, bản năng giới bằng ngôn ngữ nghệ thuật thị giác khá mới mẻ, hấp dẫn. Theo Vũ Huy Thông - LĐ |