Dựa trên một số nhật ký, tư liệu, hồi ức về chiến tranh, trong đó có nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, Mùi cỏ cháy kể câu chuyện về bốn nhân vật chính là sinh viên khoa Văn: Hoàng - Thành - Thăng - Long đã từ bỏ những ước mơ nơi giảng đường để đến với chiến trường Quảng Trị ác liệt và góp phần làm nên 81 ngày đêm bi tráng ở Thành cổ. “Mạnh tay” với những cảnh… đổ máu Ngày 6/9/1971, Hoàng (Tô Tuấn Dũng đóng), Thành (Thanh Sơn), Thăng (Lê Văn Thơm) và Long (Năng Tùng) cùng hàng nghìn thanh niên đồng trang lứa lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị. Nhân vật Hoàng được lấy từ nguyên mẫu của chính tác giả kịch bản Hoàng Nhuận Cầm, còn Thăng có bóng dáng của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Gần một nửa thời lượng của bộ phim tái hiện cuộc chiến bi tráng ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Những mất mát, hy sinh trong cuộc chiến tranh đã qua mà những người trẻ chỉ đọc qua sách báo đã hiện hữu trên màn ảnh rộng. Có thể xem Mùi cỏ cháy như một lát cắt rất hiện thực của chiến tranh. 107 người vượt dòng Thạch Hãn thì chỉ 49 người sang được bờ bên kia. Trong số những người nằm lại trong dòng nước lạnh lẽo, chẳng mấy thân xác được nguyên vẹn. Bom đạn đã xẻ họ thành nhiều mảnh. Những mảnh thân thể ấy lập lờ trong dòng nước đỏ ngầu… Hay cảnh nấm mộ mới đắp của Long bị trúng phi pháo nổ tung cả mảnh thân thể còn sót lại. Người đội trưởng vừa truyền lệnh chỉ huy thì trúng bom tan tành… Tất cả những cảnh thương vong ấy khiến không ít khán giả xúc động và nhỏ lệ. Nói như tổng đạo diễn - NSƯT Hữu Mười, vì Mùi cỏ cháy là bộ phim để tri ân với những người đã nằm xuống vì Tổ quốc. Dù khá hiện thực, nhưng Mùi cỏ cháy không hề “cứng”. Nhiều chi tiết trong phim được nhấn nhá để làm khán giả thư giãn. Ví như cú đánh nhầm vào chỗ hiểm của đại đội trưởng; hay cảnh các chàng lính mới kỳ cọ cho nhau bên bờ giếng trong tình trạng… nude… Giá như… Nhiều người xem xong Mùi cỏ cháy thì so sánh nó vớiĐừng đốt - bộ phim giành Bông sen Vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16. Thậm chí đã có những dự đoán rằng,Mùi cỏ cháy có thể giành được những giải thưởng cao nhất ở Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 sắp tới (diễn ra tại Phú Yên từ 14-17/12). Tuy nhiên, mọi so sánh đều khập khiễng. Bởi đơn giản rằng không thể so một bộ phim được đầu tư tới hơn 15 tỷ đồng như Đừng đốt với chỉ 5,2 tỷ đồng dành cho Mùi cỏ cháy.Phim hay chưa chắc cần nhiều tiền. Điều đó có thể đúng. Nhưng xem Mùi cỏ cháy mới thấy tiếc vì nhiều bối cảnh đơn sơ quá. Chiến trường Thành cổ Quảng Trị sẽ thực sự mang chất điện ảnh hơn nếu nó không bị bó hẹp trong bối cảnh chỉ vẹn vẹn vài trăm m2 ở Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam. Nó hẹp đến nỗi khán giả cảm tưởng như quay phim không dám lia máy rộng ra vì sẽ “mắc” vào những cảnh vật khác. Thành cổ đổ nát cực kỳ tang thương, nhưng thấp thoáng ngay sau đó là cảnh cây cối um tùm… Cuộc đối mặt cam go giữa ta và địch cũng thực sự… giản dị quá. Nó không diễn tả hết bản chất cuộc chiến bi tráng có thật trong lịch sử. Giá như điện ảnh Việt Nam có được những phim trường công phu đúng nghĩa… Cũng tiếc cho Mùi cỏ cháy vì công nghệ điện ảnh Việt Nam còn lạc hậu quá. Những cảnh thương vong, đổ máu… trông cứ… giả giả thế nào ấy. Nhân vật khi bị bắn, không những phẩm màu loang đỏ mà bông băng cũng lòi ra theo… Khi xem cảnh những chiến sĩ vượt sông bị trúng bom, khán giả còn nhìn rõ đó là những hình nộm cao su… Và giá như phim được rót thêm kinh phí để họa sĩ không phải dùng những tranh vẽ thay cho kỹ xảo 3D. Kịch bản Mùi cỏ cháy được nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm ấp ủ từ 5-6 năm nay. Dự án cũng khiến báo chí tốn không ít giấy mực. Khi xem phim, khán giả cũng thấy rõ những tiểu tiết được chăm chút từ một kịch bản tâm huyết. Nhưng so với những tâm huyết ấy, thấy tiếc cho Mùi cỏ cháy… Theo Thu Hằng - TT&VH |