Văn nghệ trong nước
Liên hoan SK Chèo đề tài hiện đại: Cách tân hay phá Chèo?
08:20 | 15/12/2011
Sự sáng tạo chưa đến đầu đến đũa trong chèo hiện đại đã không mang lại sự tươi mới và hấp dẫn, phần nào còn làm mất đi những nét đẹp vốn có của chèo.
Liên hoan SK Chèo đề tài hiện đại: Cách tân hay phá Chèo?
Nhiều vở chèo khiến người xem không thể hình dung là kịch nói hay kịch chèo.

Sau những hy vọng và mong chờ, Liên hoan sân khấu Chèo đề tài hiện đại toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức đã khép lại với nhiều trăn trở, lo âu. Sự cách tân trong nghệ thuật chèo chẳng những không mang lại sự tươi mới mà còn phá vỡ những nét đẹp vốn rất riêng của chèo truyền thống.

“Kịch chèo” lấn át “chèo”

Liên hoan sân khấu Chèo hiện đại là dịp để những người yêu mến nghệ thuật, giới làm nghề cùng nhau nhìn nhận và đánh giá sự cách tân trong nghệ thuật chèo. Tuy vậy, bên cạnh cụm từ “thành công tốt đẹp” quen thuộc, liên hoan lần này đã bộc lộ những “hạt sạn” rất lớn khiến cho người thưởng thức không thể “nuốt trôi” món ăn tinh thần được các nghệ sỹ bày biện.

Bất ổn đáng lưu ý nhất là kịch chèo (kịch nói lồng âm nhạc và các làn điệu chèo), một cách làm gây tổn hại đối với nghệ thuật chèo truyền thống. Và có thể nói không ngoa rằng, với cách làm này, các nhà hát chèo của Việt Nam nên sát nhập cùng các nhà hát kịch nói để thành lập nên nhà hát đa ngành được mang tên… kịch chèo.

Đã có những vở diễn thể hiện được sự tìm tòi, sáng tạo nhằm đưa hơi thở của cuộc sống đương đại vào nghệ thuật chèo. Tuy nhiên, phần lớn các vở diễn tại Liên hoan đã cho thấy một xu hướng rất đáng lo ngại: Tính xung đột kịch trong kịch nói được sử dụng triệt để và tối đa rồi từ đấy, đạo diễn mới nghĩ tới việc sử dụng các làn điệu chèo trong vở. Đây là cách làm ngược với nghệ thuật chèo truyền thống. Cũng vì cách làm ngược này mà hiệu ứng nghệ thuật tạo ra với khán giả cũng bị… ngược. Khán giả xem chèo mà lại ngỡ mình đang xem… kịch nói pha chèo.

“Có tích mới dịch nên trò” và mới nên “chèo”. Thế nhưng, “trò” mà người xem được chứng kiến tại Liên hoan này đã đi có phần quá đà khi khai thác vào nhiều chi tiết “tục”. Nhiều khán giả tại Thái Bình, nơi diễn ra Liên hoan đã phải xua tay, che mắt không dám nhìn lên sân khấu. Những phản ứng này đến từ tâm lý muốn tạo ra những trò diễn hấp dẫn khán giả nhưng hiệu quả mang lại chẳng được như mong muốn.

Những hề gậy, hề mồi trong chèo có tác dụng dẫn dắt khán giả đến với câu chuyện một cách tự nhiên và dí dỏm bỗng dưng trở thành những anh chàng thô lỗ, vô duyên trên sân khấu. Vẫn biết rằng, các cụ xưa đã từng nói: “Lấy thanh giải tục”, nhưng liều lượng của sự “tục” sao cho không phản cảm mới là điều đáng bàn.

Cách tân từ chèo truyền thống

Liên hoan Chèo đề tài hiện đại lần này ít xuất hiện những vở diễn nhuần nhị và sâu xa, khác biệt với những vở chèo truyền thống chiếm được cảm tình của công chúng hàng bao năm nay.

Không thể phủ nhận những nỗ lực của các nghệ sỹ trong việc tìm kiếm nhiều phương cách để làm mới nghệ thuật chèo. Nhưng đáng tiếc, sự sáng tạo chưa đến đầu đến đũa không những không mang lại sự tươi mới và hấp dẫn khán giả đến với chèo mà phần nào đó đã làm mất đi những nét đẹp vốn có của chèo. Vậy thì, sự cách tân nghệ thuật chèo nên đi theo hướng nào? Đó là câu hỏi được rất nhiều người trong giới quan tâm.

Nhiều nhà chuyên môn và giới phê bình sân khấu đều đồng tình rằng: “Hãy cách tân chèo bắt đầu từ chèo truyền thống”. Bởi muốn phát triển, chèo hiện đại nên đứng trên đôi vai của “người khổng lồ” là chèo truyền thống, chứ không nên bắt đầu đi những bước chập chững không dựa vào đâu cả. Chúng ta đã có nền tảng đầy tự hào về chèo truyền thống. Vậy thì, không có lý do gì lại từ chối đi lên từ chính nền móng bền vững của cha ông.

Thành phần BGK của Liên hoan Chèo lần này cũng khiến cho dư luận không khỏi băn khoăn khi thiếu đi hai thành phần cơ bản nhất là đạo diễn và nhà viết kịch. Vì thế, sự đánh giá chất lượng các vở diễn không thật sự chuẩn xác. Đồng thời, khác với các liên hoan nghệ thuật có đưa ra tiêu chí cụ thể về nghệ thuật, diễn viên thì Liên hoan Chèo hiện đại đã khiến không ít nghệ sỹ thấy lo lắng vì sự tù mù. Nếu như có một tiêu chí thật cụ thể và rõ ràng trước khi Liên hoan khai mạc thì có lẽ các đoàn chèo đã có sự định hướng rõ ràng trong việc chọn và dựng vở./.

                                                                             Theo Khánh Vân - TNVN / VOV



















Các bài mới
Các bài đã đăng